Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 2 năm 2021 | 19:34

Ngư dân miền Trung ăn Tết trên biển, thuyền đầy ắp cá

Sau chuỗi ngày dài biển động, áp Tết Nguyên đán 2021, tranh thủ thời tiết ổn định, ngư dân miền Trung đã ra khơi và đón Tết trên biển.

Quảng Ngãi: Ngư dân ăn Tết ở Hoàng Sa, Trường Sa

Mặc dù Tết Tân Sửu 2021 đã đến cận kề, nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn hối hả cho tàu vươn khơi, có mặt trên khắp các vùng biển của Tổ quốc, nhất là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa...

 

q-ng-91.jpg

Ngư dân hối hả kiểm tra lưới cụ, chuẩn bị vươn khơi chuyến biển xuyên Tết Tân Sửu.

 

Sau chuỗi ngày dài biển động, cuối tháng Chạp, tiết trời ấm dần, cũng là lúc nhiều ngư dân trong tỉnh hối hả nạp thêm nhiên liệu, chuyển đá lạnh và lương thực, thực phẩm... lên tàu để vươn khơi.

“Anh em xác định, đi chuyến biển này sẽ đón Tết trên biển, không sum họp được với gia đình.  Nhưng thời tiết đang thuận lợi, nên ai cũng động viên cùng nhau cố gắng, để sau Tết gia đình sẽ có thêm một khoản thu nhập khá”, ngư dân Thái Thuần Long, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cho biết.

Vì vậy, từ ngày 22 tháng Chạp, ông Long và các bạn tàu tất bật nạp nhiên liệu, chuyển nước ngọt và đá lạnh xuống khoang tàu. Ngoài lương thực, thực phẩm hằng ngày, chuyến biển cuối năm, vươn khơi vào 24 tháng Chạp, còn mang theo hương vị Tết là bánh tét, kiệu và những chậu cúc vàng rực rỡ - loài hoa tượng trưng cho sự sung túc, may mắn, được ông Long chưng ở boong tàu.

Còn chủ tàu Nguyễn Tấn Cư, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng hối hả hoàn tất các công việc cuối cùng, để tàu kịp xuất bến vươn khơi chuyến biển cuối năm, cũng là “mở hàng” phiên biển đầu năm Tân Sửu 2021.

Theo kinh nghiệm của ông Cư, Tết là thời điểm dễ trúng nhiều luồng hải sản giá trị nhất, cộng với giá bán tăng mạnh, nên mọi người tham gia chuyến biển có thu nhập rất cao.

Vậy nên, nhiều năm nay, ông Cư và anh em bạn tàu thường ăn Tết ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

“Ngoài việc động viên anh em bạn tàu cùng cố gắng, tôi còn chuẩn bị đồ ăn, thức uống đầy đủ và chu đáo, trả tiền công cao gấp 2 - 3 lần ngày thường, nên tuy đón Tết xa nhà, nhưng ai cũng vui”, ông Cư chia sẻ.

Cùng với tàu ông Cư, xã Bình Châu còn có hơn 60 tàu của ngư dândự kiến sẽ vươn khơi đón Tết ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

“Khai thác hải sản xuyên Tết, không chỉ vì kế mưu sinh, mà còn là niềm tự hào của ngư dân chúng tôi. Bởi có mặt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vũng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc vào thời khắc giao thừa là điều không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm”, ông Cư cho biết thêm.

Những ngày qua, tại các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Sa Kỳ (Bình Châu) rất nhộn nhịp, tấp nập phiên biển cuối năm.

Trong khi hàng chục tàu cập cảng vào bờ xuất bán sản phẩm, thì nhiều tàu công suất lớn cũng được ngư dân vệ sinh, nạp dầu, chuyển đá, nước uống, lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày, đánh bắt xuyên Tết  

Theo phản ánh của nhiều ngư dân, năm nay, lo ngại thời tiết bất lợi, nên họ chọn “ăn Tết” ở Hoàng Sa, hy vọng sẽ khai thác được nhiều cá bò gù và chàm mắt đỏ. Đây là hai loại cá được tiêu thụ mạnh vào dịp sau Tết, nên giá bán tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Theo Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh, những ngày cuối năm, lượng tàu thuyền cập các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh tăng mạnh.

Sau khi xuất bán sản phẩm, nhiều ngư dân khẩn trương vệ sinh tàu để tiếp tục xuất bến vươn khơi. Vì vậy, BQL Các cảng cá tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tích cực giải quyết nhanh, gọn các thủ tục cập cảng, xuống cá và xuất bến cho ngư dân.

Để động viên và chia sẻ với ngư dân, trước thềm năm mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Cảnh sát biển, tổ chức thăm hỏi và tặng cờ Tổ quốc, cùng 20 suất quà (500.000 đồng/suất) cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Bình Đông (Bình Sơn).

Nhiều đơn vị, chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn cũng tổ chức gặp gỡ, động viên và hỗ trợ bà con yên tâm vươn khơi bám biển. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong đất liền cũng sẵn sàng các phương án hỗ trợ khi ngư dân có yêu cầu.

Chính vì vậy, gác lại không khí nhộn nhịp vui Xuân, đón tết Tân Sửu 2021, sẽ có hàng trăm tàu cá của ngư dân trong tỉnh rẽ sóng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mang theo kỳ vọng về một phiên biển thuận lợi, tôm cá đầy khoang.

Quảng Nam: Ngư dân Tam Tiến với lộc biển cuối năm

Những ngày giáp Tết, ngư dân xã Tam Tiến (Núi Thành) tranh thủ đánh bắt ven bờ với các mẻ lưới nặng trĩu cá.

 

qnm-61.jpg

Mẻ lưới nặng trĩu cá của ngư dân xã Tam Tiến (Núi Thành). Ảnh: HOÀNG LIÊN  

 

Cuối tháng Chạp, rảo qua các chợ cá, nhìn chung số lượng và chủng loại cá tôm không nhiều, đa dạng so với ngày thường, do phần lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã cập bến đón Tết. 

Chợ cá chủ yếu là cá hố, cá liệt chỉ vàng, cá nục, cá cam, tôm đất, tôm bạc...; sức mua bình thường, giá có tăng song không đáng kể, không khí không mấy sôi động.

Trên bãi cá Tam Tiến thuộc thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến) - nơi trước kia là chợ cá sầm uất vào mỗi sáng sớm, không khí có phần trầm lắng, không lao xao như các tháng mùa nắng. 

Tranh thủ những ngày dài nghỉ đón Tết, nhiều ngư dân sử dụng thuyền thúng ra biển mỗi sớm, mỗi chiều để săn lộc biển, thu về tiền triệu mỗi ngày.

Cứ 5 - 10 phút là có thuyền thúng cập bờ trong niềm phấn khởi của ngư dân. Những mẻ lưới mắc đầy cá liệt chỉ vàng, cá khế, cá nục chỉ vàng, thỉnh thoảng xen kẽ cá chim vây trắng, vây vàng… Thuyền thúng vừa cập bờ, người thân, thương lái đã có mặt để gỡ cá, cân đưa đi bán.

Nụ cười hiện rõ trên gương mặt ngư dân khi những chuyến biển cận Tết đều có lộc, giúp họ đủ chi phí sắm sửa một cái Tết vui tươi, đầm ấm.

Anh Nguyễn Văn Tuân (xã Tam Tiến) chia sẻ, tầm 4 giờ sáng, chỉ ra biển khoảng 2 tiếng đồng hồ là đã có mẻ cá tiền triệu. Cá liệt chỉ vàng, cá nục chỉ vàng giá 70 - 100 nghìn đồng/kg, thỉnh thoảng trúng các loại cá giá trị hơn thì giá nhỉnh hơn.

“Mùa biển động, lại vào những ngày giáp Tết nên chủ yếu hành nghề chài lưới, đi thuyền thúng gần bờ. Nhờ vậy mà cũng kiếm được thu nhập khá” - anh Tuân chia sẻ.

Anh Trần Văn Tư (thôn Hà Lộc) cũng cho biết, các loại cá trên chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ, người tiêu dùng mua về dự trữ trong tủ đông ăn Tết.

Khoảng mùng 4 tới mùng 6 Tết tàu thuyền mới bám biển vươn khơi dài ngày. Còn dịp này ai nấy chỉ tranh thủ đi gần bờ chủ yếu kiếm mắm muối, tiền sắm Tết.

Tết sắp gõ cửa từng nhà. Phía làng biển Tam Tiến, thuyền thúng vẫn đều đặn mỗi sáng, mỗi chiều lênh đênh trên vô vàn con sóng dữ bạc đầu để mưu sinh. Nhưng nụ cười của những cư dân làng biển không hề tắt bởi thu về đầy ắp lộc biển...

Hà Tĩnh: Quê biển Lộc Hà mỗi ngày lại sáng

Những mẻ lưới nặng đầy tôm cá, những đoàn thuyền hối hả mang quà tặng của biển cập bờ và những đầm tôm đêm ngày người dân tất bật thu hoạch… đã dệt nên bức tranh kinh tế biển đầy sức sống trên quê hương Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Khi mọi người đang tất bật với công việc của những ngày cuối năm thì anh Dương Văn Nuôi ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) cùng các bạn thuyền lại gấp rút với những chuyến ra khơi mới.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông, 2 con thuyền do anh Nuôi làm chủ đã hòa cùng nhịp điệu lao động hối hả của hàng trăm tàu thuyền trong vùng vượt sóng ra khơi.

 

ht-lay.jpg

Bài ca lao động đang được những ngư dân Thịnh Lộc ngày ngày cất lên giữa biển khơi sóng vỗ.

 

Anh Nuôi phấn khởi khoe: “Mỗi thời điểm có một phương thức đánh bắt riêng, nhưng với 2 thuyền và 6 vàng lưới các loại, suốt năm qua, anh em chúng tôi đều đặn bám biển mỗi ngày và thu được 2-3 tạ hải sản/lượt đi biển, bán được 3-5 triệu đồng.

Tình yêu lao động của ngư dân, cùng với sự hào phóng của biển cả, đã giúp chúng tôi mỗi ngày có từ 500 ngàn đến 1,2 triệu đồng/người, lao động trên biển vì thế rất vui và quên hết nhọc nhằn”.

Bài ca lao động được ngư dân Lộc Hà cất lên khắp nơi, từ trên bờ, dọc bến cảng, trong âu thuyền đến giữa biển khơi muôn trùng sóng vỗ.

Vất vả, nặng nhọc đến đâu họ cũng đều hăng say bám nghề, luôn tin tưởng và kỳ vọng vào biển cả sẽ cho nhiều tôm cá, mang đến cho họ cuộc sống đủ đầy hơn.

Khép lại năm 2020, hàng ngàn tấn hải sản các loại đã được ngư dân Lộc Hà đánh bắt đưa về bờ, trong đó, nhiều nhất là ngư dân Thạch Kim, với 1.900 tấn, Thịnh Lộc gần 700 tấn…

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Đây là năm “bản lề” thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, từ các cấp, ngành đến mỗi ngư dân đều quyết tâm cao trong việc bám biển khai thác hải sản.

Qua đó, năm nay, đội tàu thuyền 349 chiếc của huyện đã mang về 4.014 tấn hải sản các loại. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng để chúng tôi đạt được mục tiêu cao hơn trong những năm tới và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đánh bắt được 6.353 tấn, trị giá hơn 305 tỷ đồng”.

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top