Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 3 năm 2021 | 19:29

Ngư dân miền Trung đánh bắt, khai thác tôm hùm giống lãi cao

Thời tiết thuận lợi, ngư dân miền Trung đánh bắt, khai thác tôm hùm giống lãi cao.

Bình Thuận: Mưu sinh ở “vương quốc” tôm hùm

Chỉ có đá và đá. Ðá  lô nhô, hòn lớn hòn nhỏ, từ trong  bờ lan dài ra mặt biển có đến vài chục mét. Trên bờ, cũng một trăm mét dọc theo đá là những chiếc máy nổ xình xịch, nhưng tuyệt nhiên không một bóng người.

 

tom-19.jpg

 

Ngư dân Bình Thuận "săn" tôm hùm giống 

 

Bên chiếc máy nổ, tôi  gọi  có ai không, có ai không đến lần thứ 3 thì từ dưới mặt biển cách đó chục mét, một anh chàng đeo kính lặn, bộ quần áo dính sát người “đội” nước trồi lên.

Chẳng cần hỏi han gì, một tay gỡ kính lặn, một tay cầm đầu ống cao su khá dài, anh chàng này quát lên, sao mà chặn dây tui hả ông? Tôi nhìn xuống chân, thì ra có một sợi dây màu xanh lá cây, nối từ máy nổ, luồn trong đám rau muống biển, tôi vô tình xéo lên.

Người thanh niên sau câu quát, bước dần vào, anh trạc ngoài hai mươi lăm, mặt vuông, rắn rỏi đúng chất đàn ông xứ biển. Lưng anh chàng  có một dây chì đeo sát bụng nặng có đến 10kg. 

Đây là một anh chàng lặn biển, và sợi dây tôi vô tình xéo lên lúc nãy  chính là dây cung cấp  oxi cho người lặn. Có lẽ, vì không đủ hơi nên anh chàng phải trồi lên đột ngột.

Nếu vậy người ta có trách mình cũng không nên  “sửng cồ” làm gì, tôi nghĩ bụng và chờ đợi một lời trách cứ. Nhưng chàng trai sau cái nhìn như quát vào tôi, hiền lành bảo, nhưng mà thôi, chắc chú vô tình. Cháu cũng đói rồi, tranh thủ ăn miếng cơm đã.

Tánh, tên người thanh niên, lấy hộp  cơm từ trong hốc đá ven bờ. Một  cái trứng vịt, mấy lát thịt mỏng, Tánh ăn ngon lành. Tôi ngồi bên quan sát đôi tay đen đũi, đầy vết sẹo, từ cánh tay tới bàn tay. Điều đó nói lên, đôi tay ấy quen với cực nhọc, hiểm nguy.

Tánh cho biết, nhà anh ở xã Thuận Quý, cách biển vài cây số, theo anh em đi làm nghề lặn khoảng chục năm trở lại, rất quen thuộc với vùng biển này.

Dọc theo bờ biển Thuận Quý - Tân Thành (Hàm Thuận Nam), từ lâu người ta xác định thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhưng có một đoạn những nhà đầu tư du lịch không thích lắm, đó là đoạn Đá Nhảy dài khoảng 2 km.

Gọi là Đá Nhảy, vì ở đây đá xếp lớp, hòn nọ chồng hòn kia, tạo nên vô số hình thù. Tuy không thuận lợi cho du lịch, nhưng lại là chỗ kiếm sống của thợ lặn chuyên nghiệp, và không chuyên.

Hàng năm, từ tháng mười một trở đi, gió mùa đông bắc thổi mạnh, tôm hùm con nương sóng vào náu trong  hốc đá, khe đá dưới mặt nước. Lượng tôm hùm con khó xác định được, nhưng năm này qua năm khác nó giúp thợ lăn kiếm sống nên Đá Nhảy  được ví là “vương quốc” tôm hùm  con là thế.

Thanh niên Thuận Quý làm rất nhiều nghề trong năm. Trong đó có nghề lặn tôm hùm mấy tháng cuối năm, và đầu năm mới. Gần đây, giá thanh long  trồi sụt, nhà vườn ít kêu công nên lượng người lặn tăng lên. Có đến vài chục thanh niên làm nghề lặn lúc này.

4 giờ sáng, những người lặn ra biển. Đồ nghề là chiếc máy bơm, vòng dây dẫn hơi dài cả trăm mét, cơm  sáng và trưa, nước uống. Trên người thợ lặn, có mấy chiếc lọ  thủy tinh trong suốt để đựng tôm hùm con. Đèn pin dành cho người nhái không vô nước, rất sang, và một chiếc que sắt dài, mỏng, dùng chọt khuấy trong hốc đá.

Tụi cháu ra biển khi trời còn tối thui, nhưng có hôm thì làm được có hôm không dám lặn. Tánh nói. Những hôm không dám lặn là lúc sóng to, phủ lên bờ trắng xóa.

Những lúc như thế, dù có núp vào đá, đôi tai thợ lặn vẫn  bị sóng dội, rất dễ rách màng nhĩ. Vì vậy, có  không ít thợ lặn lâu năm, khả năng nghe kém. Hôm nào sóng nhẹ, thợ lặn phải dành mười mấy phút khởi động, có người còn uống một ngụm nước mắm lâu năm, để làm nóng cơ bắp, nổ máybơm oxi lên, chỉnh máy nổ đều.

Khi mặt trời từ chỗ là một khối đỏ tươi trên mặt nước, chuyển dần sang hồng, tràn ra khắp nơi, là lúc họ lần lượt xuống biển. Vậy, cứ mỗi chiếc máy đang nổ xình xịch kia, đều có người lặn, tôi hỏi.

Tánh gật đầu tiếp, thợ lặn thường hùn tiền để sắm sửa đồ nghề. Mỗi chiếc máy nổ có 2 - 3 người chung, thành ra một tổ  lặn.  Mỗi tổ đều có điểm lặn riêng, cũng như cố gắng tìm kiếm điểm mới. Tổ nào chọn nơi hành nghề của tổ đó.

Riêng trường hợp Tánh, hôm nay đi một mình vì người bạn lặn bận việc. Thỉnh thoảng xảy ra trường hợp, dây hơi kẹt trong đá, oxi không đủ, thợ lặn bằng mọi cách trồi lên, kể cả việc tháo vòng thắt lưng chì để lên nhanh.

Có trường hợp, do cơ địa, sức khỏe, người lặn bị  vọp bẻ, phải giật dây ống hơi làm hiệu, nhờ người canh máy nổ,  cấp cứu. Cũng có trường hợp vừa trồi lên thì đột quỵ… nói chung không biết đâu mà lường… 

Một người bạn lặn hỏi Tánh bắt được bao con? Tánh giơ chiếc lọ thủy tinh trong suốt đeo bên hông nói, 7 con thôi anh Cường! Có 2 con bông. Cường chậm rãi, vậy khá hơn anh rồi. Anh được 3 con, toàn tôm xanh. Mà sao bữa nay sóng dữ quá không biết, ở dưới đá nghe sóng đập ầm ầm trên đầu.

Những người thợ lặn như Tánh, làm việc dưới nước không ít hơn 6 giờ/ngày. Mỗi người đều ra  một chỉ tiêu cho mình từ 10-15 tôm hùm giống, quý nhất là tôm hùm bông (sao). Gần chục năm trước, tôm hùm giống sốt, một con tôm hùm sao to bằng đầu đũa, dài hai đốt lóng tay, lên tới 170.000 đồng/con.

Còn hiện nay, tôm bông như Tánh nói, giá 120.000 - 130.000 đồng/con; tăng 20.000 đồng so đầu năm ngoái. Tôm xanh (đá) 40.000 đồng/con.

Thương lái từ Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, ngày nào cũng ngang qua Đá Nhảy chờ thợ lăn lên mua tôm hùm giống. Tôm hùm được bỏ trong thùng có  máy sục oxi bằng điện, chuyển nhanh ra các trại tôm hùm ở Khánh Hòa, Bình Định, nuôi trưởng thành, trong khoảng 16 - 18 tháng.

Thông thường 1 kg tôm hùm sao trưởng thành (2 con) lúc  được giá nhất trên 2 triệu đồng, gần đây là 1,2 triệu đồng/kg. Tôm hùm xanh khoảng trên 600.000 đồng/kg.

Mới đây, tôm hùm con có sự nhích giá. Nếu giá thấp chút ít, bọn cháu vẫn lặn, vì bây giờ làm cái gì cũng khó, kể cả thanh long  từng là cây làm giàu cho người Thuận Quý.

Tánh kể, nhờ  lặn tôm hùm giống, thu nhập trong mấy tháng giáp Tết khoảng 5 triệu đồng/tháng. Gặp may, có nhiều tôm hùm sao, khoảng 7 triệu đồng.

Nghề nào cũng vậy, kiếm được đồng tiền chính đáng đều làm việc miệt mài, nhưng xem ra nghề lặn tôm hùm quả là nặng nhọc và nguy hiểm.        

Quảng Nam: Kỳ vọng chuyến “mở biển” đầu năm

Những ngày này, tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nối nhau ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm, với nhiều kỳ vọng thành công mùa biển mới.

 

b-91.png

Ngư dân Núi Thành chuẩn bị vươn khơi mùa biển mới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

 

Sau chuyến biển “xuyên Tết”, cập bờ bán hải sản chưa lâu, tàu cá QNa94545 của ngư dân Nguyễn Thanh Vương và Đỗ Thanh Cảnh, xã Tam Quang, Núi Thành, nạp nhiên liệu, mua đá cây, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và xuất bến ngay sau Tết do thời tiết đang ủng hộ.

Anh Vương cho biết, tuần trước, sau 20 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa với 15 bạn biển, tàu cá QNa-94545 đã cập bờ bán 25 tấn hải sản, chủ yếu cá ngừ và cá nục.

Sau khi trừ chi phí, mỗi chủ tàu thu gần 150 triệu đồng, mỗi bạn biển xấp xỉ 15 triệu đồng.

Bám biển xuyên Tết, chúng tôi lãi lớn, rất phấn khởi. Sau vài ngày nghỉ ngơi, chúng tôi lại vươn khơi đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa. Chuyến “mở biển” đầu năm kỳ vọng sẽ sản xuất an toàn và bội thu hải sản” - anh Vương chia sẻ.

Hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh đã “mở biển” cuối tuần qua. Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, xã có hơn 150 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó, hơn 10 tàu sản xuất xa bờ, bằng các nghề lưới rê hỗn hợp, lưới vây, lưới chụp...

Năm 2020 sản lượng khai thác hải sản của ngư dân đạt hơn 7.500 tấn, vượt gần 500 tấn so mức bình quân nhiều năm qua.

“Rất đáng mừng khi nhiều chủ tàu đã đóng được tàu cá lớn để khai thác hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi luôn động viên ngư dân tuân thủ Luật Thủy sản, để đánh bắt hợp pháp, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản” - ông Siêm nói.

Ở huyện Thăng Bình, ngư dân cũng đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện mở biển năm mới, nhất là tàu khai thác xa bờ như lưới vây, lưới chụp, câu mực khơi.

Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết, địa phương động viên ngư dân phối hợp chặt chẽ, bám biển an toàn theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển.

Chính quyền xã cũng khuyến cáo ngư dân trang bị máy liên lạc tầm xa, tầm trung và tầm ngắn để gọi điện, trao đổi, nhận tin báo diễn biến thời tiết trên biển, cũng như phối hợp cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống không may.

“Nhờ tích cóp lâu dài nên ngư dân đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như máy dò cá đứng, dò cá ngang, máy định vị, định dạng nên sản xuất ngày càng thuận tiện hơn. Chúng tôi khuyến khích ngư dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để tăng năng lực đánh bắt hải sản” - ông Tới cho hay.

Là địa bàn trọng điểm nghề cá huyện Núi Thành, ngư dân xã Tam Quang cần cù, năng động bám biển quanh năm, nhất là các vùng biển xa của Tổ quốc. Song, do còn nhiều tàu cá chưa đầu tư được hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU, nên giá trị chuyến biển chưa cao như kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Quang, bội thu chuyến biển rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ, là phải bảo quản hải sản tốt hơn để tăng giá trị hải sản sau khai thác. Nỗ lực của ngư dân và địa phương là tạo chuyển biến phát triển nghề cá theo chiều sâu.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết, hiện, ngư dân toàn tỉnh có hơn 780 tàu cá, chiều dài từ 15m trở lên, đánh bắt hải sản xa bờ.

Để giúp ngư dân kiên tâm bám biển, ngành luôn hỗ trợ tiếp cận các cơ chế, chính sách đặc thù như: hỗ trợ nhiên liệu với mức cao nhất là 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm; đầu tư trang thiết bị liên lạc tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS.

Thời gian tới, tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển giúp ngư dân chuyển nghề đánh bắt hải sản mới, hiệu quả, hạn chế khai thác hải sản ven bờ, bảo vệ nguồn lợi. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để cập nhật về thiết bị hàng hải tiên tiến, giúp ngư dân sản xuất tốt hơn.

Quảng Nam đặt chỉ tiêu khai thác hải sản năm 2021 hơn 90 nghìn tấn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của ngư dân, ngành thủy sản cần triển khai hiệu quả các chương trình thu mẫu thống kê sản lượng khai thác, theo dõi diễn biến nguồn lợi, ngư trường. Phối hợp chặt chẽ với Trung ương để dự báo chính xác, cung cấp kịp thời về ngư trường, nguồn lợi, hỗ trợ ngư dân sản xuất đạt kết quả tốt.

Quảng Ngãi: Cảng Sa Huỳnh bị bồi lấp, tàu thuyền chưa thể vươn khơi

Chưa năm nào ngư dân cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, lại gặp trở ngại như năm nay. Mùa mở biển đã qua gần 2 tuần, nhưng hơn 300 tàu thuyền vẫn nằm bờ, vì con lạch gần cửa biển Sa Huỳnh bị cát bồi lấp nặng.

Nhất là khu vực giáp biển và gần cảng cá, mực nước chỉ còn khoảng 1,8m, khiến hơn 300 tàu thuyền không thể ra khơi

 

qn-6.jpg

 Tàu cá chưa thể ra khơi dù đã vào vụ chính  

                   

Tàu cá QNg-98479TS của ông Trà Lỳ, phường Phổ Thạnh không thể xuất bến, khiến ông không khỏi lo lắng. Ông Lỳ nói: “Sau Tết, ngư dân tỉnh bạn đã ra khơi, nhưng tàu của tôi vẫn chưa thể rời cảng”.

Con tàu dài 18m, chỉ cách đáy nước hơn 1m, ông Lỳ và những bạn tàu đang chờ thủy triều lên hơn 2,5m, thì mới cho tàu ra biển được. 

“Mùa này nước lớn, phải canh chiều tối mới đi được, nhưng đã mấy ngày nay, cát bồi lấp so với mực nước mạn thuyền, nếu chần chừ đến 20 tháng Giêng, thì các đợt thủy triều nhỏ dần, sẽ không đi được nữa”, ông Lỳ sốt ruột. 

Mai Quang Tuấn, chủ tàu QNg-94762TS,  cũng cho biết: “Những năm trước, từ mùng 10 - 12 tháng Giêng, tàu đã xuất bến, nhưng nay phải chịu nằm bờ. Phí tổn đã chất đầy khoang để vươn khơi, nhưng giờ không còn cách nào khác chờ nước lên”. 

Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Văn Lượng, cho biết: “Cảng cá Sa Huỳnh quy hoạch neo đậu hơn 500 tàu cá công suất 400CV, nhưng thường xuyên có mặt tại cảng khoảng 300 tàu. Do luồng lạch bồi lấp, nên sau Tết tàu cá gặp khó khăn trong xuất bến”. 

Theo ông Lượng, vì nguyên nhân này các tàu lớn của ngư dân địa phương, phải neo đậu tại các tỉnh bạn để thuận lợi việc ra vào bến. Điều này, khiến ngư dân tốn công sức di chuyển từ quê đến các tỉnh bạn để  ra khơi.

Riêng tàu cá neo đậu tại cảng Sa Huỳnh, chủ yếu là tàu hành nghề gần bờ, công suất nhỏ, nhưng do bồi lấp, nên việc ra vào cửa biển rất khó khăn.

Do vậy, phường Phổ Thạnh đã kiến nghị nạo vét thông luồng để đảm bảo tàu cá ra khơi đánh bắt đầu năm. 

Đầu năm nay,  Quảng Ngãi đã có văn bản về nạo vét, thông luồng ra vào cảng cá Sa Huỳnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, thực hiện nạo vét, thông luồng ra vào cảng Sa Huỳnh khẩn cấp. Việc hoàn thiện hồ sơ, chậm nhất ngày 5-3-2021.

 

 

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

  • "Sản phẩm Nghề truyền thống Quảng Nam nâng tầm và hội nhập"

    UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024, với chủ đề: “Sản phẩm Nghề truyền thống Quảng Nam nâng tầm và hội nhập”. Festival sẽ diễn ra từ ngày 11- 14/7 tại Thành phố Tam Kỳ.

  • Người góp sức làm sạch, đẹp những miền quê ở Hà Tĩnh

    Người góp sức làm sạch, đẹp những miền quê ở Hà Tĩnh

    Gặp Ths Dương Thị Ngân – nữ “thủ lĩnh” của Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hà Tĩnh (Sở KH&CN) tôi không khỏi khâm phục bởi bên trong vóc dáng nhỏ bé ấy lại là một nguồn nội lực, niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học để cải thiện chất lượng cuộc sống, chị cũng là người dành rất nhiều tâm huyết cho nông thôn mới Hà Tĩnh, luôn được đồng nghiệp tin yêu, người dân mến phục.

Top