Gặp lúc trời yên, biển lặng, ngư dân miền Trung ra khơi trở về, với nhưng khoang thuyền đầy ắp lộc biển.
Nghệ An: Đánh bắt vùng lộng, thu 10 triệu đồng/3 giờ
Chỉ sau 3 giờ đánh bắt trên vùng biển lộng, nhiều ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã trúng đậm các loại cá, trong đó có một số thuyền được mẻ cá hố thu về cả chục triệu đồng.
Thuyền về, bà con ngư dân mang xe cải tiến chở từng bọc lưới lên bờ. Ảnh: Việt Hùng
Vào khoảng 6 giờ sáng, tại bãi biển xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), hàng chục thuyền cá của ngư dân địa phương đã trở về bờ sau khoảng 3 - 4 tiếng đánh bắt.
Ghi nhận cho thấy, thuyền nào cũng cá đầy lưới, nên bà con phải huy động thêm nhân lực để hỗ trợ việc gỡ cá, kịp thời bán cho thương lái.
Anh Nguyễn Văn Dương, chủ thuyền cá ở xã Quỳnh Nghĩa cho biết, sáng nay, anh ra biển từ lúc 3 giờ sáng và đến 6 giờ 30 thì anh cho thuyền quay về bờ. Chuyến ra khơi lần này, anh trúng đậm mẻ cá hố vùng lộng, cả 3 bọc lưới dính đầy cá hố.
Anh Dương cho biết, từ Tết đến nay, đây là chuyến đi gặp may mắn nhất, mẻ cá hố ước khoảng hơn 100 kg, cho thu nhập trên 10 triệu đồng, trong đó, chi phí xăng dầu chỉ mất khoảng 200.000 - 300.000 đồng.
Ngoài cá hố, ngư dân còn đánh bắt được cá trích, cá kìm, cá cháo, cá nhoái, cá vược... có giá trị cao trên 100.000 đồng/kg. Do được đánh bắt ở vùng lộng, cách bờ khoảng 1 - 2 km nên hải sản về bờ tươi sống, thương lái thu mua ngay và sau đó mang đi các chợ để bán.
Thời điểm này, ngư dân đang tập trung đánh bắt cá, và khoảng sau 1 tháng nữa bà con sẽ chuyển sang nghề lưới ghẹ và tôm tít. Đây là loại hải sản phục vụ cho mùa du lịch.
Với nghề đi biển ở vùng lộng, mỗi tháng ngư dân vùng ven biển Quỳnh Lưu thu nhập từ 15-20 triệu đồng/người/tháng.
Thanh Hoá: Nghề cào ngao nơi cửa biển
Hàng ngày, khi nước vừa rút, hàng trăm ngư dân từ già đến trẻ ven biển xứ Thanh lại hối hả ra biển để cào ngao. Công việc nặng nhọc, ngâm mình trong nước biển nhiều giờ, cho thu nhập khoảng 400-500 nghìn/ngày.
Ra biển cào ngao được xem là nghề truyền thống của ngư dân vùng biển xứ Thanh.
Chẳng kể nắng, mưa, giá rét, hàng trăm người dân vùng biển xứ Thanh ngày ngày mưu sinh theo con nước thủy triều, và hối hả chạy theo những con sóng. Ghi nhận tại bãi biển xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hoá), những ngày qua có rất đông người dân ra biển cào ngao.
Đây được coi nghề truyền thống của ngư dân vùng biển xứ Thanh, lưu giữ suốt nhiều đời qua. Họ cũng không biết nghề này có từ bao giờ. Người dân nơi đây còn gọi vui công việc này là nghề “đi giật lùi”, lý do đơn giản vì bất cứ ai đi làm nghề cào ngao đều phải đi lùi về phía sau.
Dụng cụ dùng để làm nghề cào ngao, là một cái cán tre, dài khoảng 1,5m, một đầu được chẻ tách làm đôi thành hình tam giác, rồi gắn một miếng sắt gọi là lưỡi nạo.
Nghề cào ngào tuy vất vả, tốn sức nhưng không mất nhiều vốn để sắm đồ nghề. Chỉ cần khoảng 100.000 đồng là đủ để sắm dụng cụ.
Ngoài cán tre và lưỡi nạo ra, những người đi cào ngao còn phải dùng một chiếc đai gỗ. Khi hành nghề, hai đầu của chiếc đai được buộc vào cán tre, phần thân đai được ghì sát vào hông người thợ rồi đi lùi kéo nạo về phía sau.
Cào ngao này cũng phải có kỹ thuật riêng. Khi cào ngao thì phải cúi khom người, hai tay nắm cán tre, dùng lực ấn mạnh lưỡi nạo xuống cát sâu, khoảng 10cm và kéo lùi về phía sau.
Cứ đi lùi như thế, nếu phía dưới lớp cát có ngao chạm vào, lưỡi nạo khưng lại, lúc đó người thợ sẽ biết có ngao.
Bà Lường Thị Thắng (70 tuổi, thôn Thu Hảo, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hoá) đi đò sang bãi ngao ở biển Hoằng Hoá (Thanh Hoá) để cào ngao. Bà cho biết, mỗi ngày ở vùng bãi ngao này có khoảng vài trăm người như bà ra đây để làm nghề.
Ngoài cào được các con ngao trắng thông thường, ở vùng biển Hoàng Hóa, mùa này có chủ yếu là ngao tự nhiên, loại ngao này bán được giá rất cao.
Một kg ngao loại này có giá bán từ 80-110 nghìn đồng (tuỳ thuộc kích cỡ). Trung bình một người sẽ cào được 3-4kg ngao, kiếm thêm thu nhập từ 400 – 500 nghìn đồng/ngày.
“Nghề này chủ yếu phụ thuộc vào con nước (thuỷ triều). Khi nước xuống thì chúng tôi đi cào, đến khi nước lên sẽ ra về. Chủ yếu là phụ nữ và người già đi làm nghề.” Chị Nguyễn Thị Sáu, một người cào ngao chia sẻ.
Tầm trưa, khi thủy triều lên, những “thợ” cào ngao sẽ rời biển về nhà.
Việc cào ngao đem lại nguồn thu nhập ổn định nên nhiều người phụ nữ ở vùng biển xứ Thanh . Cứ thế, cuộc sống mưu sinh thường nhật của người dân nơi đây như hòa vào tiếng sóng vỗ của biển cả. Ngày mai, khi nước triều rút, một cuộc mưu sinh mới nơi cửa biển lại bắt đầu.
Quảng Bình: Rộn ràng mùa đi biển đầu năm
Những ngày đầu năm mới, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân tại các làng biển trong toàn tỉnh đã tổ chức vươn khơi, bám biển khai thác thủy hải sản.
Cá tươi được thu mua ngay tại biển xã Nhơn Trạch .
Niềm vui đầu năm là những chuyến tàu đầy ắp cá tôm, báo hiệu một năm mới may mắn và no ấm sẽ về.
Có dịp về thăm các làng biển vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi cảm nhận được sự tất bật, nhộn nhịp cảnh mua bán hải sản và cả sự hối hả của những ngư dân đang chuẩn bị ngư lưới cụ để sẵn sàng ra khơi.
Tại các địa điểm, như: cảng cá Nhật Lệ (TP. Đồng Hới), chợ biển Nhân Trạch (Bố Trạch), cảng cá Cảng Gianh (Bố Trạch)… tàu thuyền tấp nập, tiếng nói, tiếng cười rộn vang.
Từng chuyến xe chở vật dụng, nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ nghề biển hối hả nối đuôi nhau ra, vào để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi mới, với nhiều hứa hẹn về một mùa biển bội thu.
Ngư dân Phạm Văn Đạo, thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch (Bố Trạch) cho biết, trước khi ra khơi, phần lớn các tàu đã bơm dầu, lấy đá, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho chuyến đi biển kéo dài. Sau nghi thức cúng “mở cửa" biển, các tàu thẳng tiến ra khơi.
Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm ở xã Nhân Trạch, sau Tết là thời điểm biển có nhiều luồng tôm, cá. Nên để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm suôn sẻ, ngay từ trước Tết Nguyên đán, ngư dân đã tu bổ tàu thuyền, ngư lưới cụ. Những tàu thuyền cỡ nhỏ đã trở về sau những chuyến biển đầu tiên với những mẻ “lộc biển” đầy hy vọng.
“Đây là thời điểm vùng biển gần bờ có nhiều loại hải sản truyền thống, do vậy, mấy ngày sau Tết, thuyền của gia đình tôi gặp may trúng được cá bè xước và ruốc.
Tàu đánh bắt được vài tạ đến vài tấn ruốc mỗi ngày ra khơi. Thương lái thu mua ngay tại bãi biển, với giá 1,5 triệu/tạ ruốc. Riêng mẻ cá bè xước 2,7 tạ, tôi bán được hơn 30 triệu đồng”, ông Đạo chia sẻ.
Không chỉ ở xã Nhân Trạch, sau chuyến vươn khơi đầu xuân mới, nhiều tàu thuyền của ngư dân huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn đã được mùa cá trích. Cá trích sau khi đánh bắt, được thương lái thu mua tận nơi với giá khá cao, tạo sự phấn khởi cho nhiều ngư dân.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) kể, năm nay, mùa cá trích đến sớm. Tàu chỉ cần ra khu vực biển cách bờ vài hải lý là thả lưới.
Mỗi ngày, đội tàu của ngư dân trong phường chỉ cần nổ máy ra biển khoảng vài tiếng đồng hồ là thu được từ 1-2 tạ cá trích. Có người gặp may còn kiếm được vài triệu mỗi ngày từ đi biển.
“Ngư dân chúng tôi lâu nay luôn xem trọng chuyến biển đầu năm, bởi đó là sự khởi đầu của một năm mới. Chính vì vậy, dù là ra khơi để “lấy ngày” nhưng tàu nào cũng muốn thu về những mẻ lưới đầy ắp cá, tôm để có một năm làm ăn thật thuận lợi”, anh Sơn chia sẻ.
Cũng như những vùng biển khác, những ngày này, hàng trăm ngư dân xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh) cũng đang nhộn nhịp dong thuyền ra khơi khai thác thủy hải sản.
Là vùng bãi ngang nên ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt vùng lộng gần bờ bằng tàu thuyền cỡ nhỏ. Những chuyến biển thường bắt đầu từ buổi tối đến rạng sáng ngày hôm sau, nhưng đã đem lại cho nhiều gia đình ngư dân niềm vui đầu năm.
Ngư dân Trương Văn Hoành, thôn Cửa Thôn, xã Hải Ninh đang sở hữu một tàu cá có công suất 20 CV. Tàu của gia đình anh từ sau Tết hầu như đêm nào cũng có mặt trên vùng biển cách bờ khoảng 7-10 hải lý.
Mỗi chuyến biển từ đêm đến sáng trở về, tàu đánh bắt được hàng chục ký cá các loại và ghẹ. Sau những ngày cỗ bàn đầy thịt, nhu cầu tiêu thụ các loại hải sản của người dân tăng cao, nên vợ anh chỉ mang ra chợ bán một lúc là hết.
“Bình quân mỗi ngày, tôi bán được hơn 1 triệu đồng từ tiền bán cá và ghẹ đánh bắt được. Với ngư dân chuyên dùng tàu nhỏ đi lộng như chúng tôi, thì mức thu nhập như thế là tạm ổn, để lo cho sinh hoạt gia đình, cũng như việc học của mấy đứa con”, anh Hoành phấn khởi cho hay.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản, cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, thời tiết thuận lợi nên đa số các tàu cá trên địa bàn tỉnh tranh thủ bám biển khai thác.
Hầu hết các tàu về bờ đều đạt hiệu quả, đánh bắt được sản lượng cao, chủ yếu là nghề câu khơi với các loại cá có giá trị, như: thu, hồng, cam, mực... Nhiều tàu thuyền ở xã Đức Trạch (Bố Trạch) và phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) vươn khơi bám biển xuyên Tết.
Những ngày đầu năm mới, nhiều tàu thuyền ở huyện Bố Trạch, TX. Ba Đồn, TP. Đồng Hới được mùa cá trích, cá cơm, ruốc biển…Sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6.430 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ (trong đó, cá các loại 5.678 tấn, tăng 6,1%; tôm các loại 96 tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác 656 tấn, tăng 5,4%).
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có gần 6.800 chiếc tàu thuyền. Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 87.280 tấn, vượt 5,9 % kế hoạch, tăng 5,6% so với năm 2019. Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, trở ngại do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp…nhưng bà con ngư dân vẫn kiên trì vươn khơi bám biển.
Thời điểm hiện tại, hầu hết các tàu thuyền đánh bắt ở những ngư trường lớn, đều đã vươn khơi bám biển. Với bà con ngư dân vùng biển, những chuyến ra khơi đầu năm, không chỉ giúp họ có thêm nguồn thu nhập đáng kể, mà còn có ý nghĩa khởi đầu cho một mùa biển mới, mang nhiều hy vọng và niềm tin thắng lợi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…