Từ đầu năm đến nay, giá thịt gia súc, gia cầm (GSGC), trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm mạnh và ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Do vậy, nhiều trang trại, gia trại không mặn mà với việc tái đàn, thậm chí bỏ trống chuồng để tránh thua lỗ.
Do giá heo thịt, heo giống hạ quá thấp khiến nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi ở Bình Định lầm vào cảnh khó khăn, thua lỗ nặng. Trong ảnh: Chăn nuôi heo theo mô hình an toàn sinh học tại xã Ân Nghĩa (Hoài Ân).
Người chăn nuôi thua lỗ nặng
Từ cuối năm 2016 đến nay, giá trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Ông Võ Công Khương, chủ một gia trại chăn nuôi gà ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (Tuy Phước) buồn rầu, cho biết: “Trứng gà công nghiệp hiện chỉ ở mức 1.500 - 1.600 đồng/quả, giảm 400 - 500 đồng/quả so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ từ 100 - 200 đồng/quả. Gia trại của tôi hiện nuôi 300 con gà siêu trứng, mỗi ngày phải gánh lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng”.
Cùng chung tâm trạng, ông Lê Xuân Đạt, chủ gia trại nuôi gà ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết thêm: “Thông thường mọi năm, từ rằm tháng hai âm lịch, giá trứng bắt đầu tăng mạnh, nhưng năm nay, giá trứng gia cầm giảm mạnh và kéo dài nên rất khó dự đoán. Thời điểm này, gia trại của tôi đang nuôi 1.400 con gà siêu trứng, nhưng với giá trứng ở mức từ 1.400 - 1.500 đồng/quả, mỗi ngày tôi phải gánh lỗ hàng triệu đồng. Mọi năm, cứ thời gian này, các gia trại, trang trại thường nuôi tái đàn với số lượng lớn, nhưng hiện nay do giá quá thấp, hầu như không có trang trại nào dám tái đàn, thậm chí nhiều hộ còn “treo” chuồng để tránh lỗ”.
Theo bà Văn Thị Minh Nguyệt, nhân viên Công ty TNHH Gà giống Cao Khanh (xã Cát Tân - Phù Cát), thời điểm này, giá gà giống của đơn vị đã hạ từ 18.000 đồng/con xuống còn 13.000 đồng/con nhưng vẫn khó tiêu thụ. Theo bà Nguyệt, do giá gà thịt xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nên rất ít trang trại, gia trại chăn nuôi nhập giống tái đàn. Thêm vào đó, nhiều người chăn nuôi cho rằng, nếu tái đàn vào thời gian này, đến tháng 7 âm lịch sẽ xuất chuồng; đây là thời gian người dân ăn chay nhiều, đầu ra của gà thịt sẽ rất khó khăn. Do đó, khả năng giá gà thịt sẽ tiếp tục ở mức thấp, vì thế, hầu hết các trang trại, gia trại không dám tái đàn.
Tương tự, từ cuối năm 2016 đến nay, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh thua lỗ nặng, thậm chí có nhiều hộ phải phá sản do giá heo giảm mạnh. Thời điểm này, giá heo hơi loại 1 (heo nạc, loại từ 80-100 kg/con) đang ở mức từ 30.000-33.000 đồng/kg; heo hơi loại 2, loại 3 (heo mỡ) chỉ từ 27.000 - 29.000 đồng/kg. Theo tính toán, với mức giá như hiện nay, mỗi tạ heo thịt người chăn nuôi đang lỗ từ 600.000 - 800.000 đồng.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, chủ gia trại nuôi heo ở xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết: “Vừa qua, gia đình xuất bán 10 con heo thịt với trọng lượng gần 1 tấn thịt hơi, chịu lỗ gần 5 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể tiền công chăm sóc, thuốc thú y, vắc-xin... Do giá heo xuống quá thấp, bây giờ tôi không dám tái đàn vì đã cạn vốn”.
Theo ghi nhận, giá heo thịt giảm mạnh kéo giá heo giống cũng giảm theo. Hiện, giá heo giống trên thị trường đã sụt giảm từ 70.000 - 80.000 đồng/kg xuống chỉ còn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Với mức giá thấp như vậy nhưng để bán được con giống vào thời điểm này cũng không dễ vì hầu hết các gia trại, trang trại hầu như “đóng” chuồng.
Giải pháp cứu ngành chăn nuôi?
Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định), cho biết, chưa có năm nào giá GSGC biến động mạnh và kéo dài như năm nay. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tình hình chung cả nước, nguồn cung thịt GSGC đang vượt cầu; trong khi đó, việc xuất khẩu gia súc sang Trung Quốc gặp khó khăn. Dự báo trong cả năm 2017, ngành chăn nuôi trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, giá GSGC còn tiếp tục ở mức thấp...
Theo ông Pháp, để chia sẻ một phần khó khăn đối với người chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã và đang tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn GSGC, hỗ trợ việc tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả, heo tai xanh,...; thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.
“Với giá GSGC xuống thấp, nếu để xảy ra dịch bệnh vào thời điểm này thì rất nguy khốn cho ngành chăn nuôi. Do vậy, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng thú y trong toàn ngành phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giữ ổn định cho chăn nuôi. Hiện nay, lực lượng thú y đã hoàn thành việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và lở mồm long móng cho đàn gia súc. Sắp tới, chi cục sẽ tiếp tục tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dịch tả và các bệnh “đỏ” trên đàn gia súc”, ông Pháp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trước tình hình giá GSGC ở mức thấp, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh khuyến cáo các địa phương trong tỉnh không phát triển tự phát theo phong trào để hạn chế việc cung vượt cầu; khuyến khích doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại có năng lực tập trung đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao về con giống, thiết bị chăn nuôi tiên tiến. Khuyến khích chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi từ việc phát triển chăn nuôi gắn với giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Chi cục cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Định cần quan tâm, xem xét tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi cho người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước việc ngành chăn nuôi lợn có nguy cơ “vỡ trận”, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa trình Chính phủ về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi nhằm cứu ngành này thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về giá và cung vượt cầu. Theo đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng và tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội..., cần tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng kiến nghị xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phụ tạng từ bên ngoài tạm nhập tái xuất qua Việt Nam để bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, chặn nguy cơ “thực phẩm bẩn” quay trở lại thị trường nội địa. Về lâu dài, cần triển khai các biện pháp tổng thế, trong đó có giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất sang các nước có tiềm năng. Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát điều chỉnh hạn chế mở rộng các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái,... Đồng thời, cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và HTX nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. |
Phú Mỹ
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…