Những ngày giáp Tết, các khu vườn trị giá nhiều tỷ đồng ở đất đào số một Việt Nam đang chào đón một mùa xuân phát đạt.
Những ngày này, không khí ở làng đào truyền thống Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) rất nhộn nhịp. Các chủ vườn cho biết phải 10 năm nay, đào mới được mùa như vậy. Đầu mùa đông, thời tiết ấm áp, người trồng đào mất ăn mất ngủ vì lo đào nở sớm. Tuy vậy, đợt rét đậm kéo dài từ cuối tháng 12 Âm lịch như đã cứu "một bàn thua" cho người nông dân. Nhờ vậy, đào nở đúng dịp Tết, bán được giá.
Giá đào năm nay cao hơn so với năm ngoái, dao động khoảng 2-40 triệu đồng, tùy gốc to nhỏ. Chủ vườn đào Vĩnh Tiến cho biết năm nay nhà anh có hơn 20 gốc đào cổ thụ bán với giá từ 20-40 triệu đồng. Theo đó để bán được với giá cao, các gốc đào này được chăm sóc kỹ ngay từ khâu chọn gốc đến khâu tỉa lá, cắt ghép, ủ ấm khi thời tiết rét buốt.
"Các gốc đào cổ thụ này chủ yếu bán cho những đại gia sành chơi, cơ quan đoàn thể mua về trang trí. Người dân thường chỉ mua các gốc từ 2-7 triệu đồng. Gốc đẹp nhất nhà tôi năm nay bán được 40 triệu đồng", chủ vườn đào Vĩnh Tiến nói.
Vị này còn tiết lộ cây đào đẹp nhất, giá đắt nhất làng đào Nhật Tân năm nay bán được trên 100 triệu đồng. Để bán được giá này, người chủ của cây đào trên đã phải mất nhiều công chăm sóc, tạo dáng cho đào. Theo đó, phải mua gốc đào rừng từ miền núi với giá 6-7 triệu đồng sau đó cắt ghép, chăm sóc khoảng 2-3 năm mới bán được. Dáng thế của các "con át chủ bài" cũng được ưu ái, tránh những dáng kiêng kỵ như bốn tay, thất tử…
"Cả làng đào chỉ được một vài cây bán được giá 80-100 triệu đồng cho các đại gia sành sỏi. Đôi khi gốc đào này trong mắt đại gia này thì 100 triệu đồng nhưng người khác chỉ 40-50 triệu, quan trọng là mắt người nhìn, độ chịu chơi của họ và không gian trang trí", chủ vườn cho biết.
Anh Nguyễn Kỳ Anh (45 tuổi) - chủ vườn đào Kỳ Anh cũng hồ hởi cho biết gốc đẹp nhất vườn bán được giá 70 triệu đồng. Đây đều là các gốc đào cổ thụ rất to, hoa đẹp, dáng thế hợp phong thủy và nhãn quan của các đại gia. Tuy vậy, cả vườn cũng chỉ được 2 cây, còn lại phổ biến ở mức giá dưới 10 triệu đồng. Ngoài ra vườn còn hơn chục gốc có giá từ 20-30 triệu đồng.
"Tôi phải mất 2-3 năm chăm sóc mới bán được giá đó. Gốc đào thì phải lên vùng Lạng Sơn, Sa Pa, Bắc Giang để tìm, giá mua vào cũng 6-7 triệu đồng chưa kể tiền chăm sóc, cắt ghép, thuê nhân công. Năm nay vào thời tiết nắng nóng vào tháng 6-7 nên người trồng đào khá vất vả", anh Kỳ Anh nói.
Thời điểm này, vườn đào đã bán gần hết, nhiều gốc đào đẹp đã được khách đặt mua chỉ chờ sát Tết là đến lấy. Dự kiến năm nay, vườn đào Kỳ Anh sẽ đạt doanh thu hơn một tỷ đồng với khoảng 1.000 gốc đào lớn nhỏ.
Dịch vụ cho thuê gốc đào nở rộ nên nhiều gốc đào to cũng được khách đặt thuê. Chủ vườn đào Kỳ Anh cho biết dịch vụ thuê đào chơi Tết năm nay nở rộ, lợi nhuận lớn hơn so với bán hẳn gốc. Theo đó, khách hàng chỉ việc đến chọn gốc và giá thuê, việc di chuyển chủ vườn sẽ lo. Khi hết Tết, chủ vườn sẽ tận dụng lại các gốc này để trồng mới.
Ông Trần Nguyên, chủ một vườn đào cho hay, nghề trồng đào như đánh bạc với thời tiết, ông trời ủng hộ thì thắng. "Muời năm trở lại đây năm là là năm đào thuận lợi nhất, đẹp nhất, người chơi được chơi nhiều nhất, người trồng đào được nhiều lợi nhuận nhất", ông Nguyên tiết lộ.
Những ngày này, đào Nhật Tân bắt đầu đổ bộ xuống phố. Tại chợ hoa Quảng Bá, phố Lạc Long Quân, đường Âu Cơ,…đào đã phủ kín vỉa hè. Khách mua đào từ mọi nơi đã tụ hội về đây chọn mua. Cây bán tại đây rất phong phú gồm đào rừng, đào phai, đào bích. Giá dao động từ vài trăm nghìn đến chục triệu đồng. Đào nở đúng dịp Tết khiến lòng người trồng đào và khách mua đều vui như hội. Nhiều dịch vụ ăn theo cũng được dịp nở rộ như chở đào, lao động thời vụ…/.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…