Nhiều hộ dân ở phường Phương Nam (TP.Uông Bí - Quảng Ninh) đang thu hoạch vụ vải sớm. Năm nay, vải được mùa được giá nên nhiều hộ thu lãi khá.
Ông Biểu bên vườn vải chín sớm của gia đình.
Phường Phương Nam nổi tiếng với đặc sản vải chín sớm, nhờ cây vải, nhiều hộ dân đã thực sự “đổi đời”. Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Công Biểu, ở khu Hồng Hải. Đôi tay thoăn thoắt hái những trái vải chín, ông Biểu khoe: “Vải năm nay được mùa, được giá nên bà con vui lắm”.
Nghỉ tay, ông Biểu dẫn chúng tôi tới bàn uống nước được kê ngay dưới gốc vải rồi tâm sự: “Sau khi xây dựng gia đình, hai vợ chồng tích cực khai hoang diện tích đất gần nhà. Tôi lặn lội lên tận đất vải Thanh Hà (Hải Dương) học hỏi cách trồng vải. Tôi đã chọn loại vải lai u trứng để trồng trong vườn nhà. Đến nay, tôi có 125 gốc vải trên diện tích 1ha”.
Ngoài kinh nghiệm sẵn có, ông Biểu còn tích cực áp dụng tiến bộ vào sản xuất. Năm 2012, khu Hồng Hải được chọn áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất vải, ông Biểu xung phong tham gia, đến nay, toàn bộ diện tích vải của ông đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. Lật từng trang cuốn nhật ký chăm sóc vải theo quy trình, ông Biểu cho biết, phải ghi chép đầy đủ thì mới nắm bắt được tình hình sinh trưởng, phát triển của cây vải để có hướng chăm sóc tốt.
Để vải cho năng suất cao, giá ổn định, ngoài việc tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng vải quả, ông Biểu còn tính toán cẩn thận chi phí chăm bón cho vải dù có hạ giá cũng không bị lỗ. Vì thế, ông chỉ tập trung chăm sóc vào từng thời điểm chứ không chăm sóc ồ ạt, tràn lan, vừa tốn kém lại vừa làm dư thuốc bảo vệ thực vật, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ gia đình ông Biểu, trên địa bàn phường Phương Nam còn có nhiều hộ giàu lên nhờ trồng vải như gia đình ông Đỗ Xuân Khương, Nguyễn Xuân Tuấn,…
Chị Trương Thị Phương, khu Phong Thái, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 200 gốc vải, số lượng quả ước tính khoảng 10 tấn. Đầu năm tôi đã tưởng mất mùa trắng tay, ai ngờ…”.
Theo ông Biểu, vải chín sớm ở Phương Nam quả to, vỏ mỏng, thịt quả nhiều, mọng nước, ngọt thanh, hạt nhỏ nên được nhiều người ưa chuộng.
Còn theo các thương lái, vải Phương Nam có ưu điểm chín sớm hơn hẳn so với các vựa vải nổi tiếng ở Hải Dương, Bắc Giang và rất được ưa chuộng ở thị trường phía Nam. Giá vải bán hiện nay cho thương lái 35.000 đồng/kg (giá bán vài tuần trước là 50.000 đồng/kg), ngang bằng so với cùng kỳ năm trước. Ông Bùi Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND phường, khẳng định: “Năm nay, toàn phường thu hoạch được khoảng 1.600 tấn vải, cao hơn năm trước (1.050 tấn) mà chúng tôi lại có thêm kinh nghiệm để khôi phục cây vải khi dùng phân bón vi sinh Bồ Đề 668 mà trước đó chỉ dùng cho cây lúa”.
Một tín hiệu vui đối với người trồng vải ở Phương Nam là sản phẩm đã được đầu tư xây dựng thương hiệu trong khuôn khổ chương trình “mỗi làng một sản phẩm” (OCOP) của TP.Uông Bí. Với bao bì nhãn hiệu và chất lượng đã được khẳng định, vải Phương Nam được thương lái đến tận vườn thu mua rồi đóng gói, sơ chế xuất đi các tỉnh lân cận như: Thái Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng...
Với hướng đi đúng, phát triển bền vững, hy vọng cây vải Phương Nam ngày càng phát triển, đem lại thu nhập cao, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Long Vũ
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…