Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 11 năm 2021 | 11:26

Nông dân Lai Châu khóc, cười với cây thảo quả

Nhiều năm trước đây, người dân Lai Châu coi cây thảo quả quý như vàng và được gọi với cái tên “vàng đỏ”. Bởi lẽ, đây là cây trồng mang lại hiệu quả giá trị kinh tế rất cao, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.

“Vàng đỏ” mất mùa, mất giá

Huyện biên giới Phong Thổ, 2 năm trở lại đây, “vàng đỏ” mất mùa, mất giá, khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn.

 

phong-tho-1.jpg

Người dân huyện Phong Thổ không bán được thảo quả vì giá thấp. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Trong chuyến thăm rừng chè cổ thụ ở xã Tung Qua Lìn, chúng tôi đi qua những nương thảo quả xanh bạt ngàn của người dân. Nghỉ chân ở một lán nhỏ, anh Giàng A Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn thở dài: Trước đây, vùng thảo quả này sai trĩu, đến mùa, bà con mang gùi lên nương thu hoạch; dưới mỗi gốc cây, từng chùm quả to, chín đỏ mọng, thích lắm. Thế nhưng năm 2015, do ảnh hưởng của mưa tuyết, nhiều diện tích thảo quả bị ảnh hưởng, vừa phục hồi cho thu sản phẩm được 2 năm thì đến năm 2020 lại bị ảnh hưởng mưa đá, rét đậm dẫn đến năng suất thấp; có khoảng hơn 10ha không thể khôi phục được. Cả xã có 85ha thảo quả, bình quân năm nay, năng suất thảo quả đạt 1 tạ quả khô/ha.

Nói rồi, anh Trung vạch dưới tán lá cây thảo quả, chỉ cho chúng tôi biết dấu hiệu cây nào cho quả, cây nào không. Tìm mãi cả một khoảnh đất nương cũng không có lấy quả nào.

Ông Vàng A Sử (ở bản Căng Ký) chia sẻ: Gia đình tôi trồng 3ha thảo quả cách đây hơn chục năm rồi. Trước đây, mỗi vụ, gia đình tôi thu được 60-70 bao quả khô, bán thu về gần 100 triệu đồng. Đây là cây trồng giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập cao để trang trải cuộc sống gia đình; có vốn để mua trâu, lợn về nuôi, mở cửa hàng tạp hóa. Năm nay, gia đình chỉ thu được hơn 8 bao, khoảng 3,5 tạ quả khô; năng suất kém mấy lần so với những năm trước.

Hiện, toàn huyện Phong Thổ có 1.038ha thảo quả, trồng tập trung tại các xã: Sin Suối Hồ, Sì Lở Lầu, Dào San, Bản Lang, Tung Qua Lìn, Lản Nhì Thàng, Mồ Sì San, Pa Vây Sử. Từ năm 2020 do mưa đá, băng tuyết đã làm ảnh hưởng đến 147ha diện tích trồng cây thảo quả trên địa bàn huyện. Mặc dù, người dân tích cực chăm sóc, phục hồi nhưng năm nay chỉ có hơn 1.000ha cây thảo quả cho thu hoạch với năng suất 1,63 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 168 tấn.

Thảo quả là cây thân ngầm, thích hợp với các loại đất tốt, nhiều mùn, giàu đạm, xốp, gần khe suối ẩm mốc quanh năm; ưa ẩm (nhiệt độ trung bình năm từ 15-20 độ C; trồng ở độ cao 1.000-2.000m so với mực nước biển. Năm nào mưa nhiều, năm đó thảo quả được mùa và ngược lại, năm nào khí hậu khô hạn kéo dài, năm đó sẽ bị mất mùa quả. Mấy năm nay, lượng mưa trên địa bàn huyện Phong Thổ ít, thêm vào đó, cũng giống như các loại cây khác, thảo quả trồng lâu năm, không được chăm sóc bằng phân bón đất trở nên khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng. Vì thế, quả chỉ sai ở những năm đầu trồng; năng suất giảm ở những năm sau.

Không chỉ mất mùa, thảo quả còn mất giá. Một trong những nguyên nhân chính là lượng thảo quả không xuất được qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng do từ năm 2020 phía nước bạn không có nhu cầu nhập. Mặt khác, các thương lái hạ giá để có thể xuất đi sang nước bạn qua cửa khẩu ở các tỉnh khác vì phí vận chuyển khá cao. Thêm nữa, thảo quả mấy năm trước được trồng, nhân rộng ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang… dẫn đến tình trạng cạnh tranh tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Anh Chẻo Phủ Căng (ở bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu) tâm sự: Gia đình tôi trồng được mấy nghìn mét vuông thảo quả. Thời điểm năm 2018, giá thảo quả 400-500 nghìn đồng/kg quả khô; năm đó gia đình tôi bán được hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, vừa mất mùa, giá thảo quả còn chưa đến 100 nghìn đồng/kg khô, vì vậy tôi để dành, lúc nào giá lên tôi mới bán. Bây giờ có bán cũng chẳng được bao nhiêu so với công sức bỏ ra từ thu hoạch, sấy khô cho đến vận chuyển từ trên rừng về dưới nhà qua nhiều đoạn đường vất vả, ngược dốc cao.

Theo lời chia sẻ của đồng chí Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ: Xã có diện tích thảo quả lớn nhất huyện với 232ha. Năng suất bình quân đạt 2 tạ quả khô/ha. Thảo quả là cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo khi mang lại nguồn thu nhập cao. Nhiều hộ gia đình trông chờ vào nguồn thu từ thảo quả vì diện tích đất cấy lúa, trồng ngô chỉ đủ đảm bảo lương thực cho gia đình; trong khi đó, có nhiều khoản phải chi tiêu, nhất là từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà con không thể đi làm thuê, nên không có thu nhập. Năm nay, thảo quả mất mùa, mất giá, thời điểm cao nhất thảo quả chỉ bán được với giá 120 nghìn đồng/kg quả khô; giảm 4 lần so với trước.

Nhìn những bao thảo quả của người dân được chất trên sàn nhà, gác bếp vì không bán do giá thấp mà lòng chúng tôi quặn lại. Cuộc sống của bà con huyện biên giới nghèo lại càng nghèo thêm.

Điều mong mỏi của người dân lúc này là cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, các cấp trong tỉnh sớm tìm ra giải pháp giúp bà con tiêu thụ thảo quả với mức giá phù hợp để ổn định cuộc sống trong thời điểm cả nước đang sống chung với đại dịch Covid-19. 

Ngọt thơm hương thảo quả Khun Há

Đến thăm các bản của xã Khun Há (huyện Tam Đường) một ngày giữa tháng 10, chúng tôi cảm nhận được hương thơm ngọt ngào của thảo quả và cả những giọt mồ hôi, nụ cười hạnh phúc của bà con nông dân khi thành quả bao ngày chăm sóc đã vào mùa thu hoạch.

Cùng cán bộ xã Khun Há, chúng tôi đi bộ hơn 10km vào sâu trong rừng già - nơi bà con đang thu hái, sấy khô thảo quả. Trên đường đi, anh Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há chỉ cho chúng tôi những rừng cây to, cao, tỏa tán sum suê, thích hợp cho thảo quả phát triển. Toàn xã có 420ha thảo quả với tổng sản lượng đạt trên 60 tấn thảo quả khô mỗi năm.

 Anh Sơn cho biết: “Trước đây, một số người dân nhận thức hạn chế khi trồng thảo quả vô tình chặt cây rừng mới tái sinh khiến diện tích rừng của xã có nguy cơ già hóa. Thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con trồng thảo quả phải bảo vệ cây non mới nẩy mầm để tạo tán thành rừng già. Đến nay, 100% người dân trong xã hiểu việc bảo vệ rừng để được hưởng lợi kép từ rừng và thảo quả”.

 

khun-ha.jpg

Cán bộ xã Khun Há (huyện Tam Đường) kiểm tra sản lượng thảo quả. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Mải trò chuyện, chúng tôi đã đến khu trồng thảo quả của xã Khun Há, những chùm thảo quả đỏ mọng. Bà con dựng lán, ăn, ở tại rừng, sấy khô thảo quả. Mùi hương thảo quả lan tỏa khắp khu rừng. Tiếng bà con cười nói rôm rả vang vọng núi rừng. Năm nay, thảo quả của bà con được mùa, quả to. Mỗi năm, hộ trồng ít thu nhập trên 10 triệu đồng, gia đình trồng nhiều thu trên 300 triệu đồng. Hiện người dân đang thu hái, sấy khô và vận chuyển thảo quả về nhà, bán cho tư thương với giá ổn định từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với trước đây 80 nghìn đồng/kg. Tuy vậy bà con vẫn thu nhập khá ổn định từ thảo quả, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ thảo quả, người dân nơi đây giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2021, toàn xã có 40 hộ thoát nghèo nhờ cây thảo quả.

Anh Cứ A Châu - Trưởng bản Ngài Thầu Cao đang chở những bao tải thảo quả khô về anh, gặp chúng tôi, anh dừng xe tâm sự: “Từ nhiều năm qua, cây thảo quả đã gắn bó với gia đình tôi và người dân trong xã cho thu nhập ổn định và được ví như “phao cứu sinh”, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng tiền bán thảo quả. Nhờ đó, gia đình mua sắm tivi, tủ lạnh, xe máy và xây dựng nhà mới khang trang”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, bản Lao Chải 1 (xã Khun Há) được mệnh danh là “xứ sở thảo quả”. Toàn bản có 41 hộ, bảo vệ 180,6ha rừng tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi cho 100% hộ dân trong bản trồng thảo quả dưới tán rừng. Mỗi hộ trồng từ 1-5ha thảo quả. Nhờ độ ẩm cao, diện tích thảo quả của bản sinh trưởng, phát triển khá tốt. Mỗi năm, bà con trong bản thu trên 4 tỷ đồng từ loại cây này. Điển hình gia đình ông Cứ A Dư thu hoạch 30 bao thảo quả, trị giá 120 triệu đồng. Vừa trồng, ông vừa học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cho cây thảo quả bén rễ, hồi xanh. Đến nay, ông có 4ha thảo quả dưới tán lá rừng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng từ tiền bán thảo quả.

Đến thăm ngôi nhà gỗ thưng ván vững chắc mang đậm nét đẹp dân tộc Mông của gia đình ông, chúng tôi ngây ngất bởi mùi thơm hương thảo quả khô vừa được chuyển về nhà. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Dư tâm sự: “Để đảm bảo tiến độ, gia đình tôi có 3 lao động thường xuyên ở trên rừng thu hái, sấy khô, vận chuyển thảo quả về bản. Năm nay, gia đình tôi thu trên 30 bao thảo quả khô (gần 1,2 tấn, tăng 4 tạ so với vụ trước). Nhờ thảo quả, gia đình tôi có thêm thu nhập, ngày càng cải thiện cuộc sống gia đình”.

Thời điểm này, từ sáng sớm đến tối muộn bà con trong bản luôn nhộn nhịp với hoạt động thu hoạch, mua, bán thảo quả. Bà con tập trung nhận lực vào rừng thu hái, đắp lò, đốt lửa, sấy khô thảo quả ngay tại rừng. Nhờ gắn kết giữa bảo vệ rừng với trồng, chăm sóc thảo quả, nông dân xã Khun Há hưởng lợi nhuận kép, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Cây thảo quả ở xã biên giới Hua Bum

Xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) có 26.064ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 63,1%. Đây là lợi thế cho việc trồng một số loại cây dược liệu (thảo quả, tam thất…) dưới tán rừng để nâng cao thu nhập cho người dân. Từ việc trồng thảo quả, nhiều hộ dân xã Hua Bum đã có thu nhập ổn định.

Theo giới thiệu của cán bộ UBND xã Hua Bum, chúng tôi về Chang Chảo Pá - bản trồng nhiều thảo quả nhất xã, với trên 50ha. Càng vào sâu trong rừng, chúng tôi thấy ở những khu đất ẩm, lạnh, dưới tán rừng, thảo quả quả to và sai hơn. Những cây đã cho thu hoạch cao gần 2m, tán rộng. Dưới gốc, thảo quả mọc thành chùm, đỏ mọng. Thảo quả là loại cây dễ trồng, sinh trưởng ở độ ẩm cao, sau 5 năm trồng sẽ cho thu hoạch. Việc chăm sóc khá đơn giản, ít chi phí, mỗi năm chỉ cần phát cỏ xung quanh gốc 1 - 2 lần, thời gian thu hoạch vào tháng 10 - 11. Ngoài tăng thêm thu nhập, trồng thảo quả còn góp phần chống cháy rừng trong mùa khô, bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, sử dụng đất lâm nghiệp bền vững.

 

hua-bum.jpg

Người dân bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) kiểm tra sự phát triển của thảo quả. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Ông Phùng Chừ Giá – Trưởng bản Chang Chảo Pá cho biết: Bản được giao quản lý bảo vệ 2.591ha rừng. Thay vì lớp thực bì để không dưới tán rừng, mùa khô mỗi năm phải phát dọn đề phòng cháy rừng thì từ những năm 2000, bà con bắt tay trồng cây thảo quả. Bảo vệ thảo quả cũng chính là bảo vệ diện tích rừng nên bà con có ý thức giữ rừng hơn, các thành viên trong tổ phòng cháy chữa cháy của bản thường xuyên, kiểm tra nhắc nhở người dân bảo vệ và chăm sóc rừng. Vì vậy, nhiều năm qua bản không để xảy ra cháy rừng.

Dẫn chúng tôi đi xem những cây thảo quả trồng dưới tán rừng từ nhiều năm nay, ông Phùng Xò Hừ, bản Chang Chảo Pá cho biết: Năm 1996, tôi lập gia đình ra ở riêng, được bố mẹ chia cho một ít đất nương để trồng lúa, ngô, sắn, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, nhưng không mấy dư giả. Năm 2000, nhận thấy cây thảo quả ưa bóng mát, thích nghi với độ ẩm cao, dễ trồng, chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, bản có khí hậu, đất đai rất phù hợp với cây thảo quả nên tôi mua 50 gốc cây giống và 2kg quả về ươm trồng thử nghiệm. Thấy cây thảo quả phát triển tốt, năm 2005, tôi tiếp tục trồng thêm 200 gốc nữa. Bây giờ, gia đình tôi đã có 3ha cây thảo quả cho thu hoạch. Vụ năm 2020, gia đình thu được hơn 2 tạ quả khô với giá bán dao động từ 110 – 130 nghìn đồng/kg, các thương lái ở xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) ra mua, thu về hơn 20 triệu đồng.

Nhờ trồng cây thảo quả mà gia đình ông Hừ cũng như hộ các ông: Phùng Hừ Giá, Phùng Ché Lòng ở bản Chang Chảo Pá; Lò A Lơi, Lò A Lải ở bản Pa Cheo… mỗi năm thu về 10 – 25 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống.

Theo kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, ông Phùng Xò Hừ chia sẻ thêm: “Để cây thảo quả sinh trưởng và phát triển tốt, sau mỗi vụ thu hoạch phải phát cỏ, dọn sạch xung quanh gốc, chặt bỏ những gốc cây già, trồng thay thế những cây bị chết như vậy diện tích thảo quả mới không bị giảm”.

Ông Pờ Ha Lòng - Phó Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: Hiện, xã có 78ha cây thảo quả, tập trung ở các bản: Chang Chảo Pá, Pa Cheo, Pa Mu. Những bản này có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và diện tích rừng bao phủ lớn, phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây thảo quả. Vụ năm nay, toàn xã ước sản lượng đạt hơn 150 tạ quả khô, với giá bán bình quân từ 110 – 130 nghìn đồng/kg, mang nguồn thu khoảng 1,5 tỷ đồng cho bà con. Từ số tiền đó, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, xây dựng nhà khang trang, đầu tư chăn nuôi, trang bị máy móc phục vụ sản xuất của gia đình...

Tuy nhiên, những năm gần đây giá thảo quả thấp, không ổn định. Nguyên nhân là mua, bán thảo quả phụ thuộc vào tư thương và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng thảo quả. Nếu như những năm trước giá bán 300 nghìn đồng/kg thảo quả khô thì vài năm trở lại đây giá thu mua đang ở mức hơn 100 nghìn đồng/kg. Trước thực trạng đó, mong muốn chung của các hộ trồng thảo quả là chính quyền địa phương có cơ chế chính sách bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thảo quả để bà con yên tâm gắn bó với loại cây dược liệu này.

Khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, chính quyền địa phương xã Hua Bum tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; kêu gọi và tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư chế biến thảo quả, từng bước hỗ trợ đầu ra cho người trồng thảo quả trên địa bàn xã nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.

Hiện nay, thảo quả là một trong những cây trồng mang nặng tính tự phát của bà con, đặc biệt ở những khu vực có diện tích rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh lớn, có tán cây và độ ẩm cao. Trước đây, tỉnh có chủ trương hỗ trợ giống, phân bón cho người dân trồng thảo quả nhưng vài năm trở lại đây, tỉnh không khuyến khích trồng, chỉ chỉ đạo sản xuất ở mức độ bình thường bởi số lượng người trồng không nhiều, chỉ tập trung ở những bản xa, dân cư thưa thớt. Mặt khác, qua kiểm tra cho thấy, người dân để có đất trồng thảo quả đã phá nhổ các loại cây nhỏ dưới tán rừng dẫn đến phá vỡ diễn thế sinh thái rừng. Do vậy, tỉnh cũng khuyến cáo bà con trồng thảo quả nhưng không được phát dọn, chặt phá các loại cây con và chỉ trồng thảo quả ở những khe suối, khu vực đất ẩm.

Dù đây là cây xóa đói giảm nghèo hữu ích đối với đời sống của bà con các dân tộc vùng cao với những ưu điểm vốn có như ít phải đầu tư công chăm sóc, phân bón; bán với giá cao. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ đang được đặt ra khi thị trường thu mua phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và rất bấp bênh. Đây cũng chỉ là mặt hàng nông sản được vận chuyển tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, không mang lại doanh thu cho tỉnh. Mặt khác, khi thu hoạch thảo quả xong, bà con nông dân thường đào lò, sấy ngay tại rừng và phải chặt phá cây rừng làm củi với khối lượng lớn. Với những lí do nêu trên, tỉnh có chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng thảo quả mà chỉ trồng với tỷ lệ thích hợp. Có như thế, người dân mới vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa giữ được rừng.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top