Thời tiết những ngày Tết thuận lợi khiến nông dân các địa phương phấn khởi xuống đồng gieo cấy vụ xuân, với hy vọng sẽ có mùa vụ bội thu.
Lào Cai: Bà con nô nức xuống đồng
Nông dân xã Võ Lao làm đất sản xuất vụ xuân. Ảnh: Báo Lào Cai
Sau 3 ngày nghỉ Tết, sáng mùng 4 Tết, nông dân các huyện vùng thấp, như Bảo Thắng, Văn Bàn phấn khởi xuống đồng, để kịp thời vụ sản xuất.
Trên cánh đồng thôn Nhuần 4 - “vựa lúa” của xã Phú Nhuận (Bảo Thắng), ngay từ sáng sớm, nông dân trong thôn đã xuống đồng, người làm đất, người kiểm tra mạ. Bà Hoàng Thị Hin cho biết: Ngày 25 tháng Chạp năm Canh Tý, gia đình đã xuống 5 kg giống. Hiện, thóc đã nảy mầm, nhưng chim sẻ kéo về nhiều, ăn thóc, phá hoại mạ, nên gia đình phải làm hình nộm để đuổi chim. Mấy ngày nữa, gia đình sẽ tập trung cấy hết mạ cho kịp thời vụ.
Cách đó không xa, anh Hoàng Văn Khoái, thôn Nhuần 1 đang khẩn trương thu hoạch ngô đông, để giải phóng đất làm vụ xuân. Anh Khoái cho hay: Do dịch Covid-19, các con đi làm xa không về được, nên nhà thiếu lao động, đành phải làm vụ xuân muộn hơn so với các hộ trong thôn. Khoảng 2 ngày nữa, gia đình sẽ thu hoạch xong ngô vụ đông và sẽ thuê máy để cày bừa, đẩy nhanh tiến độ làm đất cấy lúa xuân.
Do chủ động được lao động, đồng thời tranh thủ nguồn nước tưới, nên nhiều hộ nông dân thôn Phú An 2 (xã Phú Nhuận) đã tập trung cấy lúa xuân ngay sau Tết. Với họ, cấy lúa sớm sẽ có thêm thời gian chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và tất sẽ có mùa vụ bội thu.
Được mệnh danh là “vựa lúa” không chỉ của huyện Văn Bàn, mà còn của cả tỉnh, hết 3 ngày Tết, nông dân các thôn của xã Võ Lao đã khẩn trương xuống đồng. Dù đã cao tuổi, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Tiến Mạnh, thôn Chiềng 3 vẫn miệt mài với công việc đồng áng. Do ruộng của gia đình chỗ thấp chỗ cao, nên ông bà phải dùng xẻng để xới đất ở những chỗ cao, tạo mặt bằng để máy bừa đất thuận lợi. Ông Mạnh tâm sự: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 6 sào lúa. Hiện, gia đình đã xuống 7 kg thóc giống, sử dụng hoàn toàn bằng giống lúa thuần chất lượng cao (BC 15). Chỉ mất 2 ngày làm đất, sau đó gia đình sẽ tập trung nhân lực để cấy lúa, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Không chỉ nông dân xã Võ Lao, mà nông dân các xã vùng thấp của huyện Văn Bàn đã đồng loạt xuống đồng sản xuất vụ xuân. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Vụ xuân 2021, huyện Văn Bàn gieo cấy 3.345 ha lúa, tăng 5 ha so với vụ xuân 2020. Đến thời điểm này, người dân đã gieo gần 120 tấn thóc, đảm bảo đủ mạ để cấy hết diện tích. Cơ cấu giống tập trung vào các giống lúa thuần chất lượng cao, như BC 15, Thiên ưu 8. Hiện, người dân đã làm đất được 1.338 ha (đạt 40% diện tích), tập trung chủ yếu tại các xã: Võ Lao, Dương Quỳ, Minh Lương, Chiềng Ken, Liêm Phú, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ… Ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, người dân trong huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ làm đất, bắt đầu cấy lúa từ ngày 20/2 và kết thúc gieo cấy trước ngày 25/3. Nét mới vụ xuân 2021 của huyện Văn Bàn đó là diện tích cánh đồng một giống chiếm trên 80% tổng diện tích gieo cấy.
Nông dân Nam Định rộn rã xuống đồng đầu xuân
Nông dân xã Đại An, Vụ Bản trồng lạc ngày đầu năm mới. Ảnh: Công Luật
Dù không khí Tết vẫn còn ngập tràn trong mỗi gia đình, làng quê nhưng ngay trong ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Tân Sửu, tranh thủ thời tiết ấm áp, bà con nông dân các địa phương tại tỉnh Nam Định đã nô nức xuống đồng sản xuất, bảo đảm khung lịch thời vụ. Khí thế lao động hối hả ở khắp mọi vùng quê hứa hẹn một vụ chiêm xuân thắng lợi. Vụ xuân năm 2021, tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 72.100ha lúa, các địa phương cấy từ ngày 16/2 và phấn đấu hoàn thành trước ngày 25/2.
Cẩm Giàng: Nông dân ra đồng đầu Xuân, đảm bảo gieo cấy kịp thời vụ
Ngày 13/2 (tức mùng 2 Tết), nông dân một số xã thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã xuống đồng làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân 2021.
Mặc dù huyện Cẩm Giàng đang trong giai đoạn thực hiện phong tỏa, cách ly y tế để phòng chống dịch Covid-19, nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, sáng mùng 2 Tết, nông dân xã Cẩm Vũ đã rải rác xuống đồng đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy lúa Xuân. Trong quá trình làm việc, bà con nông dân thực hiện bảo đảm giãn cách và tuân thủ những quy định phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, tính đến ngày 10/2, toàn huyện đã làm đất được khoảng 3.300 ha, đạt trên 83% diện tích, gieo cấy được khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở thị trấn Lai Cách và các xã Tân Trường, Cẩm Vũ, Cẩm Văn, Cẩm Đoài, Định Sơn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19, việc thu hoạch rau màu vụ Đông của các địa phương trong huyện vẫn diễn ra bình thường, nông dân và các thương lái thu mua rau màu tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Đến nay, Cẩm Giàng đã thu hoạch 850 ha rau vụ Đông, chiếm khoảng 74% diện tích. Do tác động của dịch bệnh nên giá bán rau các loại giảm so với thời điểm đầu vụ.
Tương tự, nông dân các nơi khác trong tỉnh cũng đang song song “vừa sản xuất, vừa chống dịch” để đảm bảo gieo cấy kịp thời vụ, đúng như yêu cầu thực hiện nhiệm vụ “kép” của Thủ tướng đã đưa ra. Tại thị xã Kinh Môn, để đảm bảo tiến độ đổ ải, làm đất, Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi Kinh Môn bố trí cán bộ, công nhân trực Tết để đảm bảo vận hành các trạm bơm, khi nông dân thu hoạch hành tỏi đến đâu sẽ kịp thời đưa nước đổ ải đến đấy, phấn đấu hoàn thành đổ ải trước ngày 20/1 âm lịch. Thành phố Chí Linh hiện nay cũng đã cơ bản hoàn thành việc đổ ải.
Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, tỉnh Hải Dương phấn đấu gieo trồng 55.750 ha lúa. Thời gian đổ ải bắt đầu từ ngày 10/1 đến 25/2.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, thời gian qua, các địa phương trong tích đã tích cực tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc để lấy nước. Đến ngày 13/2, diện tích có nước toàn tỉnh đã đạt gần 50.400 ha, đạt khoảng 91% kế hoạch diện tích gieo cấy; trong đó, có 6 huyện đã đạt 100% kế hoạch. Sau khi có nước, tiến độ làm đất rất nhanh nhờ các máy móc, phương tiện làm đất tương đối dồi dào, đến nay đạt 81%, đảm bảo phục vụ kịp thời cho gieo cấy.
Tính đến ngày 11/2, toàn tỉnh đã gieo cấy được 20.872 ha, đạt 37,4%. Dự kiến, đến 28/2, các địa phương trong tỉnh cơ bản gieo cấy xong.
Nông dân Thái Bình xuống đồng ngày xuân
Ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã ra đồng thu hoạch hành, tỏi. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng năm nay thời tiết cơ bản thuận lợi, diện tích trồng hành, tỏi được mùa, các gia đình vui Tết, đón Xuân cũng phấn khởi.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên bà con đã biết làm mạ khay (mạ gieo trên khay ở sân nhà). Khi thu hoạch xong hành, tỏi cũng là lúc cây mạ được đưa xuống các chân ruộng nước để gieo cấy kịp thời vụ. Ảnh: baotintuc.vn
Các xã ven biển như Thụy Trường, Thụy An, Thụy Lương, Thụy Tân của huyện Thái Thụy có truyền thống trồng hành, tỏi nhiều năm nay. Không chỉ có hành, tỏi, ở vùng đất này còn trồng thuốc lào, một trong những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Sau khi thu hoạch hành, tỏi, bà con tiếp tục chăm sóc thuốc lào.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…