Nhờ áp dụng mô hình nhà lưới để trồng táo, nông dân xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã nâng cao được chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam cho biết, với 1ha táo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có đầu tư nhà lưới ngăn sâu bệnh và ruồi vàng thì sau 2 - 3 năm nông dân thu về trên 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí, người nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/năm/ha. Vì vậy, táo là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.
Để có được "trái ngọt" như ngày hôm nay, người nông dân nơi đây đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn trong việc tìm ra cách trồng phù hợp. Cây táo được đưa về trồng tại xã Cam Thành Nam từ năm 2004, đến năm 2007 là thời kỳ cây táo phát triển và cho thu nhập cao. Lúc này, diện tích trồng táo được mở rộng, phát triển ồ ạt.
“Thấy cây táo mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ai cũng trồng táo, thậm chí có nhiều người ở địa phương khác đến đây thuê đất để trồng. Thế nhưng, chỉ vài năm sau nhiều người nghèo đi vì cây táo. Lý do bởi tình trạng ruồi vàng làm hại quả xảy ra khắp nơi và không thể khắc phục được. Nông dân có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng không ăn thua gì với ruồi vàng, hình như loài này lờn thuốc luôn vậy” – ông Cường nói.
Tình trạng ruồi vàng đục quả cộng thêm đầu ra sản phẩm không nhiều nên nhiều nông dân đã phá bỏ vườn táo, dẫn đến diện tích trồng thu hẹp lại. Hiện nay, diện tích trồng táo ở địa phương chỉ còn hơn 40ha. Trong đó, Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam có 12 thành viên với diện tích 7ha.
Tìm cách bám trụ và khắc phục tình trạng ruồi vàng hại quả táo, các thành viên của hợp tác xã bắt đầu tìm hiểu về mô hình nhà lưới. “Chúng tôi ấp ủ mô hình nhà lưới này lâu lắm rồi, nhưng chưa hình dung được phải thực hiện như thế nào. Sau đó, nhờ có mô hình thí điểm trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP nên nông dân đã bắt đầu áp dụng màng lưới chống ruồi vàng. Nhờ màng lưới này đã mang lại hiệu quả cao cho người trồng táo” - ông Cường cho biết.
Thế nhưng không phải có mô hình là làm được ngay mà nông dân ở đây phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, tốn công sức và tiền bạc. Ban đầu, theo nghiên cứu thì tập quán của ruồi vàng bay lên cao không quá 4m nên nông dân dùng lưới chắn từ dưới lên khoảng chiều cao đó. Vụ đầu chỉ thử nghiệm trên 1ha nên thành công. Thấy vậy, nông dân nhân rộng mô hình ra các diện tích khác. Tuy nhiên, khi giăng lưới tất cả vườn trồng táo thì nhà lưới lại vô hiệu vì ruồi vàng vẫn tìm cách bay lên và chui vào đục quả.
Quyết tâm thử lần nữa, năm 2016, sau khi gọi điện hỏi thăm nhiều đơn vị chuyên về sản xuất lưới, ông Cường quyết định đặt may 5.000m2 lưới về thử nghiệm. Vì chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm, ông làm nhà lưới cao như nhà ở, trong khi Cam Ranh là vùng đất nắng và gió rất nhiều nên lưới bị gió xé rách. Ngoài ra, nhà lưới bao trùm vườn táo dẫn đến cây bị ngộp nóng.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau nhiều lần áp dụng, cuối cùng nông dân của xã cũng tìm được mô hình nhà lưới phù hợp cho cây táo với chiều cao lưới chỉ cần 3,5m và điều chỉnh nước tưới phù hợp bằng phương pháp tưới tia.Không chỉ áp dụng nhà lưới, nông dân xã Cam Thành Nam cũng thực hiện trồng cây táo theo hướng VietGAP.
Theo đó, từ năm 2018, khi còn là Tổ liên kết sản xuất táo Cam Thành Nam sản phẩm táo của địa phương đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sau khi thành lập hợp tác xã vào năm 2019, các thành viên mạnh dạn đầu tư để trồng cây táo theo hướng VietGAP. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng và giá cả đều tăng, cây táo mang lại thu nhập tốt cho người nông dân ở địa phương. Mùa thu hoạch quả sẽ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm.
Gia đình ông Hồ Văn Niệm (thôn Quảng Hòa) có 7.000m2 đất trồng táo. Ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng để làm nhà lưới ngăn ruồi vàng và côn trùng gây hại. Theo ông Niệm, trồng táo bằng nhà lưới mang lại hiệu quả cao vì không bị côn trùng, ruồi vàng làm hư hại quả. Nhờ vậy, giá cả ổn định hơn vì quả không bị hư hao, ít tốn tiền thuốc men. Với diện tích trên, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về khoảng 250 triệu đồng, so với những cây trồng khác thì cây táo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo một số người trồng táo, để khắc phục tình trạng này ngoài thời gian cây cho quả, nông dân sẽ vén màn lưới lên và sử dụng nước tưới hợp lý để điều hòa nhiệt độ. Đồng thời tranh thủ thời gian mát mẻ trong ngày để chăm sóc vườn táo.
Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, hợp tác xã đang dự tính thực hiện mô hình nông nghiệp du lịch từ vườn táo. Hiện nay, đơn vị cũng đang làm hồ sơ để công nhận sản phẩm táo của hợp tác xã là sản phẩm OCOP.
Được biết, thị trường tiêu thụ của táo Cam Thành Nam hiện nay không chỉ ở trong tỉnh Khánh Hòa mà còn được phân phối tại nhiều nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh. Táo của địa phương bán được giá cao vì thổ nhưỡng phù hợp nên trái táo ngọt, bảo quản được lâu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…