Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 10 năm 2019 | 17:25

Quảng Bình: Làm giàu từ biển, kiếm 200 triệu đồng/chuyến ra khơi

Phần lớn người dân xã Hải Ninh sinh sống dựa vào nghề biển. Đây là nghề đã tạo việc làm ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Trong đó, điển hình là gia đình cựu chiến binh (CCB) Mai Văn Tuấn, sinh năm 1973, ở thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)

 

qb-33-99.jpg

Nhờ tàu vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67, anh Tuấn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Theo đó, anh Tuấn không những được biết đến là một ngư dân kỳ cựu của nghề đánh bắt xa bờ, sở hữu trong tay chiếc tàu đánh bắt có công suất lớn nhất xã Hải Ninh hiện nay, mà còn là một thuyền trưởng giỏi nghề, can trường với sóng gió.

Anh Tuấn cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, đông anh em, nên kinh tế luôn túng trước, hụt sau. Anh em đều phải nghỉ học giữa chừng. Năm 16 tuổi, tôi được một người bà con trong thôn, cho đi biển để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bao nhọc nhằn, gian khó và cả hiểm nguy của cuộc mưu sinh, trên các con tàu đánh bắt xa bờ, tôi đã từng nếm trải”.

Năm 1991, anh Mai Văn Tuấn tham gia quân ngũ, công tác ở Trường Sa; năm 1993, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, anh lại quyết tâm bám biển, vừa làm giàu, vừa bảo vệ biển đảo.

Sau khi làm thuê trên những chuyến tàu ngoài khơi xa, anh nghĩ, cứ làm thuê mãi thì biết khi nào mới thay đổi số phận được, nên anh quyết định vay vốn, đóng tàu.

Năm 2013, anh đóng mới tàu gỗ công suất 370CV, mua sắm ngư cụ cần thiết, với tổng trị giá hơn 4,1 tỷ đồng. Những chuyến biển tràn đầy cá thu, cá hố, cá ngừ… đã mang lại niềm vui vô bờ cho anh.

Nhờ đó, anh không chỉ trả hết nợ, mà còn quyết tâm sắm thêm tàu lớn để vươn khơi xa.

Hơn 30 năm bám biển,  anh Tuấn cùng anh em đi biển nhiều lần “chìm nổi” nơi đại dương, có lúc tưởng như sắp mất cả sinh mạng và phương tiện mưu sinh.

Anh nhớ lại: “Năm 2015, khi tàu đang ở giữa biển thì gặp bão lớn, không kịp đưa tàu vào đảo để trú ẩn. Sóng to, gió mạnh khiến cho con tàu ngả nghiêng như sắp bị đánh úp.

Bằng kinh nghiệm đi biển nhiều năm, CCB Mai Văn Tuấn và các ngư dân trên tàu, bình tĩnh cùng các tàu khác, đang đánh bắt gần đó, liên kết lại với nhau, rồi dùng dây neo buộc, kết chặt các phương tiện lại như một cái bè lớn. Nhờ vậy, cả 5 con tàu đều không bị gió bão nhấn chìm”.

Nhờ những chuyến biển bội thu, đầu tháng 3 năm 2016, anh tiếp tục đóng thêm 1 chiếc tàu vỏ sắt trên 21 tỷ đồng, công suất 829CV theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Chiếc tàu vỏ sắt mang số hiệu QB 9499TS của anh có thân tàu dài 28m, rộng 7,2m và cao 3,2m.

Tàu có giàn ngư cụ gần 4 tấn, trang bị các trụ đỡ, hệ thống ròng rọc kéo lưới, giàn câu, 100 bóng đèn siêu áp, và nhiều máy móc trị giá từ hàng chục triệu đồng đến hai, ba trăm triệu, như: máy dò cá, máy thông tin tầm xa HF, định vị, đàm dài, đàm ngắn.

Với công suất máy và kết cấu thân vỏ tàu như thế, con tàu sẽ chịu được sóng gió trên cấp 6, cấp 7 nên có thể đi biển quanh năm.

Anh Tuấn chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, vì vừa phải lo trả lãi ngân hàng, vừa phải lo mưu sinh để bảo đảm đời sống anh em bạn thuyền. Nhưng may mắn là mình có được sự nhiệt tình, cố gắng của anh em, giúp tôi vượt qua khó khăn”.

Từ một thanh niên nghèo với hai tay trắng, giờ đây, anh Tuấn đã trở thành một trong những ngư dân tỷ phú ở làng biển Xuân Hải, xã Hải Ninh, lợi nhuận thu được từ một chuyến biển xa, từ 150-200 triệu đồng/tàu/chuyến.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tạo việc làm cho 40 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Đồng thời, anh luôn động viên anh em, tích cực đánh bắt xa bờ, tại ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Ông Nguyễn Viết  Cường, Chủ tịch Hội CCB xã Hải Ninh cho biết: “Anh Mai Văn Tuấn là ngư dân điển hình vượt khó, giàu nghị lực, làm giàu từ hai bàn tay trắng. 5 năm liền, CCB Mai Văn Tuấn đạt danh hiệu CCB sản xuất giỏi cấp Trung ương, nhận được nhiều giấy khen của Hội CCB tỉnh, huyện và là tấm gương sáng của CCB Hải Ninh”.

Nghệ An: Xuất khẩu ruốc “một nắng” sang Trung Quốc, thu 100  triệu đồng/ngày

Những ngày gần đây, ngư dân Nghệ An đang nhộn nhịp vào mùa khai thác ruốc biển. Hàng tấn ruốc được vận chuyển vào bờ để sơ chế, đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, đem lại nguồn thu nhập “khủng”.

 

ruoc-3.jpg

 Ruốc được phơi một nắng sau đó thu gom  để sơ chế. Ảnh: Việt Hùng

 

Khi bình minh lên cũng là lúc hàng chục chiếc thuyền đánh ruốc của ngư dân xã Quỳnh Lập, Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) từ ngoài biển quay về. Người thân của họ mang từng khay nhựa, chờ sẵn trên bờ, đón  thành quả thu được sau 1 đêm khai thác.

Vui mừng khi về bờ được nhiều ruốc, ông Hồ Văn Hoàng, xã Quỳnh Liên cho biết: “Lâu rồi mới đánh được nhiều ruốc như hôm nay, cả đêm đi khai thác được gần 2 tạ ruốc, cho thu nhập  4 triệu đồng. Mong những chuyến sau cũng vậy”.

Hàng tấn ruốc đánh bắt được, ngoài bán cho thương lái, các ngư dân còn tự tay sơ chế thành ruốc “một nắng”, để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, ruốc phải được phơi ở nền xi măng sạch sẽ, mới không bị ẩm và nhanh khô. Với thời tiết nắng vừa, chỉ sau 2 giờ phơi là có thể thu gom.

Ruốc khi phơi khô, phải sàng lọc, loại bỏ những hạt sạn như ốc, đá, cát. Làm sạch sẽ, thương lái mới thu mua, và dễ dàng xuất khẩu.

“Hơn 1 tuần nay, tại tuyến đường du lịch biển, nối từ bãi ngang Quỳnh Lưu đến thị xã Hoàng Mai, ngày nào bà con cũng nhộn nhịp sơ chế ruốc một nắng” - bà Linh cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thảo, có chồng đi thuyền khai thác ruốc nói: “Chuyến về bờ sáng nay được 2,5 tạ ruốc tươi, sau khi phơi dưới nắng sẽ còn lại khoảng 70 kg khô.

Do lâu rồi mới được mùa ruốc, nên giá cao hơn trước, hiện, giá ruốc tươi 20.000 đồng/kg, ruốc khô 70.000 đồng/kg. Sau 1 ngày tất bật sơ chế, thu hơn 4 triệu đồng”.

Sau khi ruốc được sơ chế, sàng lọc sạch sẽ, bà con đóng gói cho vào bao ni lông để xuất bán cho thương lái. Mỗi ngày, ngư dân các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai); Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) xuất đi Trung Quốc hàng chục tạ ruốc “một nắng”, thu về cả trăm triệu đồng.

Ngoài sơ chế ruốc “một nắng”, ngư dân Nghệ An còn chế biến ra các loại mắm truyền thống. Ông Hoàng Văn Đông, xóm 5, xã Quỳnh Liên (T.X Hoàng Mai), cho biết, từ đầu năm đến nay, đã thu mua khoảng 20 tấn ruốc tươi, về chế biến thành các loại mắm. 

Được biết, mùa khai thác ruốc thường diễn ra quanh năm, tuy nhiên mùa chính thường tập trung từ tháng 4 - 9 âm lịch.

La Gi: Sản lượng khai thác hải sản tăng

9 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác hải sản của thị xã La Gi được 50.120 tấn, đạt 80,1% kế hoạch, tăng 0,8 % so cùng kỳ năm trước.

 

b-th-666.jpg

 Tàu cá trên bến cảng La Gi

 

Mặt khác, sản lượng hải sản nuôi trồng trên toàn thị xã cũng thu hoạch được 610 tấn, đạt 61% kế hoạch.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đầu năm đến nay, La Gi đã phát hiện và xử lý 76 trường hợp vi phạm, giảm 99 trường hợp so với cùng kỳ, thu nộp ngân sách 39,4 triệu đồng.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, khai thác vùng biển xa, tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện, đã có 220 lượt tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ, với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Thị xã đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu âu, về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tập trung ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Song, vẫn còn 5 tàu cá/32 ngư dân các phường Phước Hội, Phước Lộc và xã Tân Tiến khai thác trái phép ở nước ngoài.  

Xuất hiện đàn cá heo ở vùng biển Cửa Đại  

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP.Hội An) Quảng Nam, cho biết, chiều 4.10 đơn vị đã cử một số nhân viên túc trực, bảo vệ đàn cá heo xuất hiện ở vùng biển Cửa Đại.

 

 ca-heo-333.jpg

Đàn cá heo hàng trăm con, xuất hiện trên vùng biển Cửa Đại

                                                                                                    

Theo ông Vũ, sáng 4.10, một số du khách di chuyển bằng ca nô từ cảng Cửa Đại ra đảo Cù Lao Chàm, thì nhìn thấy một đàn cá heo đang bơi trên vùng biển Cửa Đại.

Du khách dùng điện thoại quay lại cảnh đàn cá heo liên tục ngụp lặn rồi ngoi lên mặt nước. Ước chừng, đàn cá heo này, có thể lên đến cả trăm con.

Vì vậy, lực lượng Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, phải túc trực xung quanh khu vực đàn cá heo đang bơi, nhằm bảo vệ, tránh tình trạng tàu cá, hay ca nô, trong lúc di chuyển có thể va phải đàn cá.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top