Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 1 năm 2021 | 21:18

Ra khơi cận Tết Nguyên đán, ngư dân miền Trung thắng to

Tranh thủ ngày lặng gió, ngư dân miền Trung tích cực ra khơi, mở hướng làm giàu từ biển, thu nguồn lộc lớn, kịp đón Tết Tân Sửu 2021.

Nghệ An: Hàng trăm tấn cá trỏng tươi rói đón Tết 2021

Dịp cuối năm, hải sản đánh bắt được chủ yếu là cá trỏng, tàu nhiều nhất  được 8 tấn cá, ít nhất 2 tấn. Ông Phạm Hữu Lập - chủ tàu cá NA 92678 TS, xã Quỳnh Nghĩa cho biết, chuyến biển này đánh bắt được hơn 8 tấn cá trỏng, thu về trên 100 triệu đồng, trừ chi phí 50 triệu đồng, còn lãi khoảng 60 triệu đồng. Cá trỏng được thương lái thu mua cho ngư dân với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg.

 

ca-9.jpg

 Tàu cá cập cảng Ảnh: Xuân Hoàng

 

Thông thường, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, ngư dân bám biển tối thiểu 4 ngày, tối đa 12 ngày. Những tàu gặp may đánh bắt được sớm thì quay về sớm, thu lãi nhiều; tàu đi nhiều ngày trên biển thì lãi ít, thậm chí lỗ, nếu đánh bắt được ít hải sản

Bình quân mỗi tàu cá mang về trên 3 tấn cá trỏng. Khi tàu cập cảng, thương lái săn đón thu mua hết, vì đang trong đợt cao điểm sản xuất vụ Tết.

Đống thời, những ngày này, thương lái cũng đánh ô tô về tận cảng thu mua hải sản cho bà con với giá tùy từng thời điểm. Theo ban Quản lý cảng cá lạch Quèn, trong 3 ngày (từ 23 - 25/1), đã có 90 tàu cá về các bến cảng, với sản lượng gần 300 tấn hải sản, trong đó, cá trỏng là chủ yếu.

Dịp này, cá trỏng được thu mua nhiều để chế biến nước mắm phục vụ Tết, số còn lại được hấp, sơ chế, xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.

Hà Tĩnh: Thu 600 triệu đồng/một đêm buông lưới

Ngư dân Lê Xuân Tiến (thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) vừa trúng đậm mẻ cá chim vàng, thu về khoảng 600 triệu đồng. Đây là mẻ cá chim vàng lớn nhất trong mấy chục năm qua ở vùng biển cửa Nhượng.

 

ht-12.jpg

Chỉ sau 3h đồng hồ cập bến, mẻ cá chim vàng đã được bán hết sạch.

 

Theo đó, trong lúc đánh cá gần bờ, tại cửa biển xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), thuyền của ngư dân Lê Xuân Tiến đã đánh được mẻ lưới trên 200 con cá chim vàng (tên thường gọi là cá vàng dương).

Cá chim vàng có màu sắc óng ánh như vàng, mỗi con có trọng lượng từ 7 - 12 kg. Thịt cá chim vàng chắc và ngon, là đặc sản hiếm gặp đối với ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng. Ngay khi cập bến, chỉ sau 3h đồng hồ, mẻ cá chim vàng đã được bán hết sạch.

Với giá 300.000 đồng/kg, ngư dân Lê Xuân Tiến thu về khoảng 600 triệu đồng. Trừ chi phí đánh bắt, mỗi bạn thuyền thu trên 40 triệu đồng chỉ sau một đêm

 Nước mắm truyền thống Cẩm Nhượng “đắt hàng” dịp Tết

Mùi vị thơm ngon, chất lượng đảm bảo, nước mắm truyền thống xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên Hà Tĩnh) đã “ghi điểm” trên thị trường. Càng cận Tết Nguyên đán, các cơ sở lại tất bật đóng gói, vận chuyển sản phẩm để phục vụ khách hàng khắp mọi miền.

 

ht-33.jpg

Thị trường cận Tết nhiều khởi sắc là động lực để các HTX bước vào vụ sản xuất mới hứa hẹn thắng lợi.

 

Thị trường của HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Thu Hùng (xã Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên) chủ yếu cung cấp cho khách du lịch biển Thiên Cầm. “Ban đầu họ chỉ mua dùng thử, sau cảm nhận được độ ngon nên thành khách quen.

Mùi vị đặc trưng đã được cơ quan chuyên môn kiểm duyệt nên nước mắm Thu Hùng ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.

Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, đơn hàng tăng đột biến, ngoài khách lấy trực tiếp, mỗi ngày chúng tôi còn xuất lượng lớn đi Hà Nội, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Nguyên… Riêng tháng 12 âm lịch này, dự kiến, trên 3.000 lít nước mắm, trị giá trên 300 triệu đồng” – bà Hồ Thị Thu, Giám đốc HTX Thu Hùng chia sẻ.

Thời điểm này, công nhân HTX Thiên Phú (xã Cương Gián – Nghi Xuân) cũng rộn ràng đóng gói, vận chuyển sản phẩm ra thị trường. Anh Ngô Trung Trực – Giám đốc HTX Thiên Phú cho hay: “Thương hiệu nước mắm Lạch Kèn đã không còn xa lạ với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, kết nối mạng, là khách hàng có thể biết được xuất xứ sản phẩm, nên thị trường không ngừng mở rộng. Tết này, HTX đã nhận đơn 4.000 lít nước mắm. Nhiều đại lý ở Đắk lắk, Ninh Bình, Nam Định... đã đặt hàng từ sớm. Hiện, công nhân đang tích cực đóng chai, dán nhãn để chuyển hàng đúng hẹn”.

Không khí tại HTX Thu mua chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh) cũng nhộn nhịp không kém. Bà Đặng Thị Luận - Giám đốc HTX cho biết: “Đây là thời điểm tiêu thụ nước mắm mạnh nhất trong năm, gấp 3 - 4 lần ngày thường. Hơn nữa, năm 2020, nước mắm Luận Nghiệp được nâng hạng từ OCOP 3 sao lên 4 sao, nên càng hút khách hàng.

Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, nhiều người đã đặt hàng, đặt cọc tiền. Riêng tháng 12 âm lịch, trung bình HTX bán ra 500-600 lít/ngày, nhân công thường xuyên phải tăng ca, đóng hàng tới nửa đêm mới kịp giao hàng”.

Năm 2019, nước mắm Phú Khương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, trở thành bước ngoặt của HTX Phú Khương (xã Kỳ Xuân Kỳ Anh). Thương hiệu nước mắm Phú Khương đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Dịp Tết này, nhịp độ sản xuất tại HTX lại càng khẩn trương, hối hả.

Bà Lê Thị Khương – Giám đốc HTX chia sẻ: “Từ đầu tháng Chạp lại nay, nhu cầu tăng đột biến, mỗi ngày, HTX xuất ra thị trường khoảng 1.000 lít nước mắm các loại, trị giá khoảng 100 triệu đồng. Do vậy, ngoài lượng lao động cố định, HTX tuyển thêm 20 lao động thời vụ để kịp đóng gói, vận chuyển phục vụ khách”.

Cũng theo bà Khương, hiện, ngư dân Kỳ Anh đang trúng đậm cá và ruốc nên bên cạnh việc phân phối sản phẩm, HTX cũng tiến hành thu mua nguyên liệu để bước vào vụ sản xuất mới. Năm 2021, dự kiến thu mua trên 500 tấn nguyên liệu, muối 250.000 lít nước mắm các loại.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh thông tin: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 40 HTX, tổ hợp tác, cơ sở chế biến nước mắm. Được hỗ trợ của Nhà nước, nhiều đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cho sản phẩm thơm ngon, đảm bảo vệ sinh ATTP. Đặc biệt, có HTX đầu tư hàng tỷ đồng, lắp dây chuyền đóng chai tự động.

Mặt khác, nhiều thương hiệu nước mắm được công nhận sản phẩm

OCOP như: Phú Khương, Luận Nghiệp, Lạch Kèn, Đỉnh Miện, Thu Hùng, Ánh Hồng... nên giá bán tăng so với trước. Thị trường cận Tết nhiều khởi sắc là động lực để các HTX bước vào vụ mới hứa hẹn nhiều thắng lợi”.

Quảng Trị: Mở hướng làm giàu ở vùng bãi ngang

Nhiều năm trước, khi nhắc vùng biển bãi ngang là nhiều người mường tượng ngay đến sự vất vả, nghèo đói, khó phát triển. Nhưng nay, ngư dân bãi ngang đã biết chuyển đổi ngành nghề phù hợp thời vụ, để có thể ra khơi đánh bắt thủy sản quanh năm.

 

ghe-69.jpg

Ngư dân huyện Gio Linh phấn khởi vì đánh bắt được nhiều ghẹ. Ảnh: Trần Tuyền

 

Nhờ vậy, cuộc sống của họ khấm khá hơn, nhiều người giàu có và trở thành “chủ nợ” của ngân hàng. 

Ngư Trương Xuân Thiệt (79 tuổi) thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, cho biết: “Bây giờ trong thôn hầu hết đều có nhà to cửa rộng, xe máy, ti vi đầy đủ. Con cái được ăn học đàng hoàng, không đứa nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng hơn hai chục năm về trước, vùng cát trắng bạc màu này, mùa hè thì khô hạn, gió Tây Nam thổi suốt mấy tháng liền. Còn mùa đông thì mưa trắng trời, thối đất, không trồng được cây gì.

Vì vậy, người dân một là đi biển, hai là trồng cây ngắn ngày chịu hạn như khoai lang, sắn, đậu xanh… để tự cung cấp lương thực. Chỉ có cây phi lao là chịu được thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Song, gió quăng quật quanh năm nên thân cây vặn xoắn lại, để khỏi gãy đổ”.

Theo ông Thiệt, với vị trí địa lý đặc thù, giao thông cách trở, nên nhiều năm trước, ngư dân mỗi khi đánh bắt được tôm, cá, chủ yếu dùng làm mắm, muối. Một số phụ nữ siêng năng gánh cá lên chợ xã, chợ huyện để bán thì tôm, cá cũng đã… ươn tự bao giờ.

“Đất khô cằn không trồng trọt được. Tôm cá đánh bắt về cũng khó bán, nên đời sống của người dân bãi ngang thuở trước gặp vô vàn khó khăn, hộ khá giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Con em trong làng lớn lên cũng vì quá nghèo khó, chỉ học hết trung học phổ thông là nghỉ học vào miền Nam làm công nhân”.

Song, ngư dân bãi ngang huyện Gio Linh thực sự thoát nghèo khi nhà nước đầu tư đường quốc phòng nối Cửa Việt - Cửa Tùng và “làn gió mới” XDNTM thổi qua. Từ đó, người dân bãi ngang có điều kiện giao lưu văn hóa, thông thương kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đặc biệt, gần đây, thôn Cang Gián, xã Trung Giang và Thôn 4, xã Gio Hải là 2 thôn phát triển mạnh về khai thác thủy sản gần bờ. Nhờ nghề biển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc.

Ông Thiệt cho biết thêm: “Có 2 điều kiện để ngư dân bãi ngang thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đó là, tính chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó, vững vàng, kiên gan như cây phi lao trước gió.

2 là, vùng biển bãi ngang được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt, giúp người dân có điều kiện thuận lợi để làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống.

Ngoài ra, từ khi có Chương trình XDNTM, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đồng bộ, tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Nhờ vậy, thủy hải sản được thương lái về tận nơi thu mua, giúp tăng giá trị kinh tế…”.

Ông Thiệt kể thêm: “Mặc dù ngư dân bãi ngang chỉ đi thuyền nhỏ, lưới ngắn, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, đã trang bị các loại như: Lưới 2, lưới 3, lưới rũ, lưới chim, giã ruốc, vây nậu, lưới xăm, lưới rê đáy, lưới chét…

Đặc biệt, nghề đánh bắt cá bè, cá chim (2 loại có giá trị cao) bằng lưới chim đã thành thương hiệu của người dân Cang Gián. Ngoài ra, còn có nghề lưới tôm, câu mực ống, nhờ linh hoạt chuyển đổi nghề phù hợp ngư dân Cang Gián có cuộc sống ấm no, thu nhập cao”.

Trưởng thôn Cang Gián Phan Văn Dũng cũng cho biết, toàn thôn có 179 hộ/770 nhân khẩu. Ngư nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện, thôn có 77 thuyền, thúng, với 96 lao động biển.

Năm 2020, sản lượng thủy sản toàn thôn ước đạt 300 tấn/năm, tổng thu khoảng 6 tỉ đồng. “Nhờ mạnh dạn mua sắm máy móc, ngư lưới cụ, mở thêm nghề mới, cuộc sống của ngư dân ngày càng cải thiện. Nếu năm 2018 có 14 hộ nghèo, đến cuối năm 2019 chỉ còn 7 hộ. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng”.

Ở thôn 4, xã Gio Hải, ngư dân có nghề đánh bắt tôm bạc, một loại thủy sản có giá trị cao, bình quân 1 kg khoảng 400-500 ngàn đồng.Trưởng thôn 4 Trần Quang Xiềng, cho hay, đánh bắt trê biển là nghề của thôn. Toàn thôn hiện có 85 chiếc tàu, thuyền các loại, trong đó có 12 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là thuyền nhỏ gần bờ, với trên 250 lao động biển.

Cũng như thôn Cang Gián, ngư dân Thôn 4 khoảng 10 năm nay đã nâng cấp tàu thuyền, mua thêm ngư lưới cụ, du nhập nghề mới để chuyển đổi theo thời vụ, đánh bắt quanh năm, không bị động thời tiết như trước.

Ngoài ra, ngư dân Thôn 4 còn có thêm nghề lưới chim. “Lưới có thể đánh bắt được cả cá chim, cá bè, là 2 loại có giá trị cao, 1 kg khoảng 800 - 1 triệu đồng. Vì vậy, nhiều chủ thuyền đã đầu tư”, anh Xiềng nói.

Hiện, thu nhập bình quân đầu người của Thôn 4 đạt 42 triệu đồng/năm,trong đó, thu nhập từ nghề biển khoảng 80%. Năm 2020, sản lượng khai thác của thôn đạt 1.000 tấn/năm.

“Mỗi khi tàu thuyền cập bờ, thương lái đưa xe đông lạnh thu mua tại bến, nhờ nghề biển người dân xây được nhà to, mua sắm thiết bị điện hiện đại. Trẻ em được đến trường, đặc biệt, gần đây, tỉ lệ con em thi đậu  đại học, cao đẳng khá đông” - anh Xiềng cho biết thêm.

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top