Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 3 năm 2019 | 21:11

Rau an toàn của HTX Thành Lợi được bày bán tại siêu thị Vinmart

Sau nhiều nỗ lực, rau an toàn của HTX Thành Lợi (Vĩnh Phúc) đã được bày bán tại hệ thống siêu thị VinMart.

Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, những vườn rau, củ, quả, của HTX Rau an toàn Thành Lợi xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) từng bước chinh phục thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là mô hình nông nghiệp mới hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

rau-66.jpg

 Rau an toàn Thành Lợi khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng sản phẩm. Ảnh Nguyễn Lượng 

 

Do đam mê làm nông nghiệp sạch, tháng 6/2018, anh Đào Văn Mạnh cùng bạn bè góp vốn thành lập HTX Sản xuất Rau an toàn Thành Lợi, trên diện tích 10 ha đất bãi, thuê lại của xã Vĩnh Ninh và một số hộ dân trong, ngoài xã, chủ yếu trồng các loại rau ăn lá, khoai tây, khoai lang Nhật.

Vừa bắt tay xây dựng nhà xưởng, khu sơ chế không lâu, đúng lúc nước sông Hồng lên cao, phần lớn diện tích canh tác của HTX bị ngập úng, nên phải 2 tháng sau mới trồng rau được.

May mắn là ngay trong vụ đầu tiên, tại những vườn thử nghiệm, gần 3 ha, HTX đã thu trên 50 tấn rau gia vị, các loại rau ăn lá như: Muống, cải ngọt, mồng tơi…

Đến thăm vườn mồng tơi xanh mướt của HTX, đang độ thu hoạch, anh Đỗ Văn Đạt, cho biết: "Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, ngoài việc duy trì gần 2 ha rau các loại, còn có 3.000 m2 rau mồng tơi trong nhà lưới, để cung cấp cho Công ty VinEco

1,5ha khoai lang Nhật cũng được ký hợp đồng bao tiêu, diện tích còn lại được HTX bố trí khoai tây Alantic, theo hợp đồng đã ký với Công ty PepsiCo Việt Nam.

Do đất phù sa màu mỡ, tơi xốp, cộng với thời tiết đẹp, nên vườn mồng tơi lá trầu gần 5.000 m2, cả trong và ngoài nhà lưới, phát triển mạnh.

"Để có sản phẩm rau, củ an toàn đến tay người tiêu dùng được truy xuất nguồn gốc, ngay khi thành lập, HTX đã lấy mẫu đất, nước phân tích; xây bể chứa nước dự trữ mùa cạn, hệ thống tưới phun mưa tự động.

Có sổ nhật ký ghi chép thời gian gieo trồng, thu hoạch rõ ràng, đảm bảo  quy trình sản xuất rau VietGAP; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, đúng thời gian cách ly.

Ngay sau khi thu hoạch, các loại rau được đưa vào khu sơ chế, đảm bảo giữ độ tươi, ngọt, vệ sinh an toàn thực phẩm, trước khi chuyển hàng cho khách. Với quy trình sản xuất khắt khe, nghiêm ngặt, các sản phẩm rau ăn lá đã được Công ty VinEco tiêu thụ, khoai tây được Công ty PepsiCo Việt Nam thu mua, nên HTX không lo đầu ra, giá ổn định "- anh Đạt cho biết thêm.

Hiện, các sản phẩm rau ăn lá, rau gia vị của HTX đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị Vinmart, Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup, và được người tiêu dùng đón nhận, từng bước khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng sản phẩm.

Chỉ tính riêng sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày, HTX cung ứng hàng tạ rau mồng tơi vào chuỗi siêu thị này. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, và 40 lao động thời vụ  130 nghìn đồng/ngày.

Kết quả bước đầu của HTX, ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, và mong rằng, Thành Lợi sẽ có những bước đi mới, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Thời gian tới, ngoài việc duy trì các loại rau, củ hiện có, HTX còn mở rộng các vườn rau ăn lá, củ, quả mới như: Bí đỏ hồ lô, bầu, mướp... và liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp, để rau an toàn Thành Lợi có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bắc Kạn: Dong riềng vào vụ mới

Năm 2019, Bắc Kạn trồng 820ha dong riềng, giảm gần 200ha so năm 2018. Huyện trồng nhiều nhất là Na Rì 450ha; Ba Bể 200ha, Bạch Thông 70ha, Chợ Đồn 60ha, Chợ Mới 40ha…

 

dong-33331.jpg

 Phòng Nông nghiệp Na Rì, hướng dẫn bà con trồng dong riềng

Vụ dong riềng năm 2018, giá củ dong thấp, có khi chỉ còn 900 đồng/kg; lúc cao nhất 1.300 đồng, chưa đạt giá ký hợp đồng với người trồng dong (1.500 đồng/kg).

Không những thế, có huyện không có đầu ra, đơn vị bao tiêu; hoặc đã ký bao tiêu nhưng khi thu hoạch lại hạ giá, có khi không mua, dẫn tới nhiều địa phương giảm diện tích.

 Mặc dù vậy, Na Rì luôn dẫn đầu tỉnh về sản xuất, tiêu thụ dong riềng.

Được biết, diện tích năm 2019 đạt 450ha, giảm 50ha so 2018. Kế hoạch trồng, tiêu thụ được xây dựng cụ thể. Theo đó, sẽ trồng rải vụ từ tháng 12/2018 - tháng 3/2019, để giảm áp lực chế biến, ùn ứ tinh bột vào một thời điểm.

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã phối hợp với cơ sở chế biến lên phương án bao tiêu củ dong cho người dân.

Ông Phạm Ngọc Thịnh- Trưởng phòng Nông nghiệp Na Rì, cho biết: Huyện đã tổ chức hội nghị phân bổ chỉ tiêu cho 13 xã và thời gian, kế hoạch trồng rải vụ từng địa bàn.

Trồng rải vụ sẽ giúp chủ động thu mua, chế biến, tránh tình trạng ồ ạt trong một thời điểm như năm ngoái. Hiện, toàn huyện đã trồng được gần 150ha dong.

Cũng là địa phương có thế mạnh sản xuất, chế biến dong riềng và miến dong, nhưng năm 2019, huyện Ba Bể chỉ xây dựng kế hoạch trồng 200ha, giảm 160ha so năm 2018. Trong đó, diện tích trồng dong riềng địa phương 150ha, còn lại trồng giống lai.

Ông Đồng Văn Dược- Chủ tịch xã Mỹ Phương cho biết: Xã được giao chỉ tiêu 29ha, nhưng giá dong năm 2018 quá thấp, nên bà con mới đăng ký 13ha. Chúng tôi đã làm việc với cơ sở miến dong Nhất Thiện để chốt giá bao tiêu, và làm biên bản cam kết thu mua với giá 1.300 đồng/kg. Hiện, xã đang vận động bà con tiếp tục trồng.

Phú Thọ: Trồng ngô sinh khối trên đất Hạ Hòa

Trồng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh, cung ứng cho nhà máy chăn nuôi gia súc là nhu cầu bức thiết hiện nay. Ngô làm thức  ăn, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, vừa đem lại hiệu quả sản xuất cho nông dân...

 

ngo-99.jpg

 Trồng ngô sinh khối đạt 50 tạ/ha

 

Hạ Hòa là huyện có diện tích ngô lớn nhất, nhì tỉnh: 1.300 ha/năm, chủ yếu trồng đất bãi, đất 2 lúa. Năng suất 42 tạ/ha.

Vụ Xuân 2017, huyện bắt đầu trồng ngô sinh khối tại xã Lang Sơn và Y Sơn, diện tích 24ha/ 457 hộ tham gia.

Huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật I Trung ương,  tập huấn cho các hộ trồng ngô sinh khối: Giới thiệu mô hình, lợi nhuận so trồng ngô lấy hạt, giảm công lao động, tăng thu nhập.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc, gieo hạt, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh. Theo đó, huyện hỗ trợ100% giống; 50 % phân bón, thuốc BVTV và các vật tư thiết yếu phục vụ mô hình; 100% kinh phí tập huấn, tuyên truyền...

Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật 1 cung cấp giống ngô lai đơn F1 PSC-102, tỷ lệ nảy mầm 95%, ngô sinh trưởng, phát triển tốt. Qua theo dõi cho thấy, ngô lai đơn F1 PSC-102 nảy mầm cao, sinh trưởng nhanh, chiều cao vượt trội, trỗ cờ, phun râu tập trung.

Đặc biệt, chiều dài bắp vượt trội so giống ngô đối chứng, trung bình 19,5cm, đường kính bắp 4,9cm. Sau 90 ngày đã cho thu hoạch, năng suất 50 tạ/ha.

Nếu thu hạt đạt 8,64 tấn/ha. So giống ngô đối chứng, ngô lai đơn F1 PSC-102 cao hơn 0,3 tấn/sào. Chênh lệch thu nhập 9.240.000 đồng/ha.

Ngoài ra, ngô sinh khối có ưu điểm: Rút ngắn thời gian mùa vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh được ảnh hưởng  của thời tiết, thu hoạch nhanh, gọn, tốn ít công lao động, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao..

Quảng Bình: Lão nông tiên phong phủ xanh đất trống, đồi trọc

Sau cơn bão lớn năm 2013, cơ ngơi sản xuất của Nguyễn Văn Diệm, Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch bị tàn phá gần như hoàn toàn. Song, ông Diệm đã vượt qua, để định hình lại trang trại như ngày nay.

 

lao-3939.jpg

 Ông Diệm đang  chăm sóc hồ tiêu

 

Theo đó, cuối năm 1993, tình cờ được biết Nhà nước có chương trình khuyến khích phủ xanh đất trống, đồi trọc, ông cùng gia đình lên vùng kinh tế mới thuộc TT. Nông trường Việt Trung nhận đất trồng rừng.

Tháng 5-1994, ông được giao gần 12ha đất đồi, toàn cây hoang dại chằng chịt hố bom. Nhờ ý chí, lòng đam mê, ông Diệm đã hình thành mô hình trang trại tổng hợp, với 10ha cao su, 1ha hồ tiêu, 0,2ha ao cá và trên 0,3ha đai rừng chắn gió.

Sau gần 10 năm đầu tư chăm sóc, vườn cao su và một số cây khác đã cho thu hoạch. Doanh thu đạt khoảng 100 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho trên 10 lao động thường xuyên,15 lao động thời vụ, mức lương bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Song, cơn bão năm 2013 đã “xóa sổ” gần như hoàn toàn trang trại của ông; gần 8/10ha cao su thời kỳ thu hoạch bị gãy đổ; tài sản, công trình  khác cũng tổn thất lớn.

Lúc đó, thiếu vốn là khó khăn chung của các trang trại. Song, ông Diệm đã vượt qua, từng bước ổn vực dậy trang trại tổng hợp như mong muốn.

Ông Diệm chia sẻ, sau năm 2013, ông đã cùng Hội Nông dân đi khảo sát nhiều vùng trên cả nước. Đến những nơi có khí hậu khắc nghiệt như Quảng Bình, nhưng năng suất cao như: cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Khe Mây (Hà Tĩnh), cam, măng tây xanh (Thái Hòa, Nghệ An), tiêu Quảng Trị, cây bơ ở một số tỉnh Tây Nguyên...

Qua khảo sát, ông đã tìm ra một số mô hình thích hợp, trồng hồ tiêu, cây ăn quả trên đất cao su.

Năm 2017, ông thu được 2 tấn hồ tiêu, năm 2018 trên 3 tấn, dự kiến năm 2019 trên 5 tấn. Ngoài ra, ông còn nuôi 20 đàn ong, 10  con hươu sao, 10 con lợn rừng...

Tổng doanh thu năm 2018, trên 750 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Đặc biệt, ông còn đi đầu trong sản xuất tiêu sạch, theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Rau sạch được thu mua ổn định; tích cực trồng dong riềng; trồng ngô sinh khối đạt 50 tạ/ha; lão nông tiên phong làm giàu, là tin địa phương tuần qua.

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top