Nghệ An được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc, tiêu biểu gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Những sản phẩm đó không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà sâu xa trong mỗi sản phẩm OCOP đều lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống nhất định.
Mang nét riêng của vùng miền
Câu thơ “Ta đi nhớ nhút Thanh Chương/ Bánh đa xúc hến Đô Lương thơm lừng” đã đi vào lòng người dân xứ Nghệ từ bao đời nay, gắn với đặc sản nổi tiếng có tuổi đời hàng trăm năm nay.
Tương truyền, nghề làm bánh đa ở xứ Lường (Đô Lương) đã được truyền đời tiếp nối qua nhiều thế hệ trong làng. Đến nay, tuổi đời làng nghề Vĩnh Đức đã hơn 300 năm. Người làm bánh đa lâu năm nhất ở đây cũng không biết được nguồn gốc của làng nghề này có từ khi nào. Họ chỉ nhớ rằng, mình được ông bà, cha mẹ truyền lại cách thức làm bánh đa ngon nhất.
Năm 2020, sản phẩm bánh đa của làng được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An. Đó là niềm tự hào, góp phần lưu giữ “vị quê”, gìn giữ nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Làng hiện có hơn 100 hộ sản xuất bánh đa quanh năm. Nhà nào cũng tất bật, đỏ lửa tráng bánh, mùi khói thơm từ việc nướng bánh lan tỏa khắp vùng rộng lớn. Những chiếc bánh đa được người dân tỉ mỉ làm ra qua nhiều công đoạn, tuy bé nhỏ nhưng đã trở thành hương vị quê nhà khó quên với bao người con xứ Nghệ. Bánh đa Đô Lương không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu.
Trà sen quê Bác không chỉ là loại trà được kết hợp từ những bông hoa sen còn tươi, ướp trà Shan tuyết (Mường Lống, huyện Kỳ Sơn), ở độ cao 1.485m và được sấy nguyên bông với công nghệ sấy thăng hoa mà sản phẩm còn mang theo niềm tự hào của quê hương Bác Hồ. Không dừng lại ở phát triển các sản phẩm, HTX Sen quê Bác còn kết hợp với xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo cảnh quan nhằm thu hút du khách trải nghiệm, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của sen khi đến quê hương Bác Hồ.
Hiện nay, HTX Sen quê Bác cho ra đời 8 sản phẩm chế biến sâu về sen, trong đó có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của tỉnh Nghệ An. Có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen. Gần đây, sản phẩm trà ướp bông sen của HTX lọt vào “mắt xanh” của một đơn vị phân phối tại thị trường Mỹ. Đơn vị này đã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm với HTX và dự kiến trong thời gian tới sản phẩm trà sen mang tên “Sen Quê Bác” sẽ xuất hiện tại những siêu thị lớn của thị trường khó tính này.
Không chỉ sản phẩm bánh đa Đô Lương, Trà sen quê Bác, hiện Nghệ An có 113 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 26 sản phẩm 4 sao, 89 sản phẩm 3 sao... Nhiều sản phẩm là đặc sản vùng miền, mang đậm dấu ấn về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Việc các sản vật được công nhận đạt chuẩn OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa lan tỏa giá trị văn hóa gắn với tên đất, tên người, trở thành “sứ giả” văn hóa của mỗi địa phương… Nhiều sản vật, đặc sản nức tiếng gần xa như: Các sản phẩm Dệt thổ cẩm của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiễn, Rượu Men lá Đôn Phục, Chè Hoa vàng Quế phong; Cam xã Đoài, Nhút Thanh Chương; Tương Nam Đàn; giò me Nam Nghĩa; Tảo xoắn Quỳnh Lưu; Lạc Sen Diễn Châu; các sản phẩm gỗ, mây tre đan; Nước mắm, Mực một nắng Cửa Lò; Hải sản chế biến Quỳnh Phương; Dược liệu Phù Mát…
“Câu chuyện sản phẩm” - chắp cánh OCOP “bay xa”
Mỗi sản phẩm OCOP đều có câu chuyện riêng, khai thác “Câu chuyện sản phẩm” chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP, chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.
Sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX Làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiễn (huyện Quỳ Châu) không phải ngẫu nhiên được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, có mặt trên thị trường nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, mà còn được xuất sang Nhật Bản và nhiều quốc gia ở châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Ý..., chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Bởi thổ cẩm dệt Hoa Tiễn là sự kết tinh của giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, cùng sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cộng đồng người Thái trong hành trình giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống.
Từ khung dệt thổ cẩm thô sơ được tạo thành từ những thanh tre, ống nứa…, người phụ nữ Thái đã dệt nên những miếng thổ cẩm để sử dụng làm đồ dùng trong gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, là món quà dành tặng khách du lịch khi ghé thăm bản mường. Con gái Thái từ 6 đến 7 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải; 12-13 tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người con gái Thái. Với cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.
Chị Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm HTX Làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến, chia sẻ: Mỗi loại hoa văn trên từng tấm thổ cẩm đều gắn với truyền thống văn hóa Thái, được các thành viên của HTX tỉ mỉ dệt nên. Sản phẩm thổ cẩm dệt tay của chúng tôi ngày càng được khách hàng tin tưởng. Đặc biệt, sản phẩm thổ cẩm của HTX đều được nhuộm bằng các loại cây rừng nên có màu sắc tự nhiên, không giống với bất kỳ sản phẩm của các vùng miền khác và trên mỗi sản phẩm đều có nét lưu giữ các bản sắc dân tộc của người Thái để gửi gắm đến du khách. Khách du lịch, nhất là khách quốc tế, rất thích các sản phẩm như khăn, túi xách…
Năm 2019, thổ cẩm dệt tay của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, góp phần nâng tầm sản phẩm, quảng bá truyền thống văn hóa của người Thái tới muôn nơi. Hiện nay, bản Hoa Tiến có hơn 120 hộ tham gia dệt thổ cẩm, đem lại thu nhập cho mỗi gia đình trung bình 60 - 70 triệu đồng/năm.
Chị Lương Thị Thơ cho biết: “Trước đây, tôi chỉ nghĩ, sản phẩm vải của bản Hoa Tiến chỉ đơn thuần là làm đồ cho những người trong bản mình sử dụng. Nhưng sau này, qua những câu chuyện, tôi mới biết đây là những giá trị văn hóa mà khá nhiều người yêu thích thổ cẩm dân tộc quan tâm và mua để sử dụng. Chúng tôi rất tự hào vì đồng bào ta không chỉ giữ được những nếp truyền thống văn hóa từ thuở xa xưa của dân tộc mà còn không ngừng làm cho sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc mình vươn xa”.
Có thể khẳng định, “Câu chuyện sản phẩm” chính là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, là lý do tạo nên sự khác biệt và cuốn hút mọi người, là điểm then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường. Để sản phẩm OCOP “ bay xa”, cần phải khai thác tiếp cận thị trường theo một cách riêng, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. Với OCOP, thông điệp đó còn mang cả niềm tự hào, nét đặc sắc văn hóa của các vùng quê đã tạo nên sản vật đó.
“OCOP chính là các sản phẩm chủ lực của từng làng quê Nghệ An. Nó có thể có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra nó. Chính vì vậy, có thể khẳng định, mỗi sản phẩm OCOP là “sứ giả” văn hóa của một vùng quê, bởi nó mang đầy đủ hồn cốt, nét truyền thống văn hóa và tập quán sinh hoạt của người dân vùng đó”, ông Nguyễn Văn Hằng, Phó Chánh văn phòng NTM tỉnh Nghệ An, chia sẻ.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.