Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, đá quý.
Hôm nay (16/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 468/474 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 94.18% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết).
Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản
Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Cụ thể, tại Điều 99 của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định chung về đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây:
Kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ; Đầu tư kim khí quý, đá quý; Đầu tư tài sản cố định vô hình, trừ trường hợp phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp, chi nhánh;
Đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm và từ danh mục đầu tư chứng khoán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đang nắm giữ.
Không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Một số ý kiến khác đề nghị giữ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, cụ thể: Phương án 1: Không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Đồng ý: 250/498 chiếm 50,20%); Phương án 2: Giữ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Đồng ý: 167/498 chiếm 33,53%); Không chọn phương án: 00/498 chiếm 0,00%); Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu theo hướng không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tại dự thảo Luật. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý và sử dụng số dư của Quỹ tại điều khoản chuyển tiếp (khoản 5 Điều 157).
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng, khoản 1 nên bổ sung quy định Nhà nước phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm thay vì chỉ quy định Nhà nước khuyến khích hoặc tạo điều kiện. Do đó, đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước phải có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ đối với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Báo cáo, giải trình ý kiến này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, các chính sách để bảo vệ bên mua bảo hiểm đã được quy định cụ thể tại các điều, khoản trong dự thảo Luật (Quy định tại khoản 1 Điều 21 về quyền của bên mua bảo hiểm; Điều 24 về giải thích hợp đồng bảo hiểm; khoản 2 và khoản 4 Điều 26 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm; khoản 1 Điều 28 về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; các điều 30, 31, 35, 36, 37… của dự thảo Luật).
Tiếp đó, có ý kiến đề nghị làm rõ vì sao chỉ có ba loại hình bảo hiểm. Hiện nay, dư địa để phát triển thị trường trong nước còn rất nhiều loại hình bảo hiểm. Thời gian qua, tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm tương đối tốt và có nhiều tiềm năng để phát triển. Tương lai sẽ có nhiều loại hình khác phát triển nếu quy định cứng 3 loại hình như dự thảo Luật là không phù hợp.
Theo ông Vũ Hồng Thanh báo cáo, việc phân chia các loại hình bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, sức khoẻ là căn cứ trên tính chất đặc thù hoạt động, đối tượng bảo hiểm của mỗi lĩnh vực cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong tương lai, nếu có sản phẩm bảo hiểm thương mại mới thì các sản phẩm này cũng chỉ thuộc một trong ba loại hình bảo hiểm là nhân thọ, phi nhân thọ hoặc sức khỏe.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.