Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 5 năm 2017 | 4:13

Sức bật vùng đất anh hùng

Long Mỹ (Hậu Giang) tự hào là địa phương có nhiều di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu như Căn cứ khu ủy Tây Nam Bộ, đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, khu Di tích chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch... Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng quê hương, thời gian qua, đặc biệt là từ khi chia tách địa giới hành chính (tháng 5/2015) đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Long Mỹ đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gặt hái được nhiều thành tựu khá toàn diện.

Huyện Long Mỹ tập trung làm đường giao thông nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nhân lực dồi dào, nông dân chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, Long Mỹ đã và đang phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững. Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (diện tích trên 5.200ha), là dự án đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở này, huyện sẽ phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả với gần 50 tổ hợp tác và 23 hợp tác xã nông nghiệp và trang trại; nâng cao mô hình trang trại và cải tạo vườn tạp... Năm 2016 , tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long Mỹ đạt 9,5%, thu nhập bình quân gần 30 triệu đồng/người/năm.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị được Long Mỹ thực hiện đồng bộ. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn năm qua đạt 950 tỉ đồng, vượt 14,5% so với chỉ tiêu; xây dựng trên 86.600m2 đường giao thông nông thôn, đạt gần 540% kế hoạch. Nhiều công trình, dự án được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, phát huy tốt hiệu quả như: chợ Xà Phiên và tuyến đường Cái Rắn thuộc xã Xà Phiên; hai tuyến đường Củ Tre và kênh 13 thuộc xã Vĩnh Viễn; tuyến đường Tô Ma, xã Lương Tâm; nhà khách huyện Long Mỹ; Trường Tiểu học Thuận Hưng 2..., góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác xây dựng nông thôn mới được đầu tư cả chiều rộng lẫn bề sâu, trong đó 2 xã điểm (Lương Tâm, Vĩnh Thuận Đông) dành được nhiều ưu tiên hơn.

Vấn đề phát triển đô thị cũng được Long Mỹ  chú trọng. Theo đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng trung tâm xã Xà Phiên theo tiêu chí đô thị loại V; phối hợp với tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng xã Vĩnh Viễn theo tiêu chí thị trấn; phấn đấu đến năm 2020, xã Vĩnh Viễn được công nhận là thị trấn; triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi đầu tư vào trung tâm hai xã Lương Nghĩa và Vĩnh Thuận Đông. Tiếp tục xây dựng cũng như khai thác hiệu quả việc phục vụ du khách ở các tuyến du lịch miệt vườn, du lịch tâm linh và khu Di tích chiến thắng Chương Thiện Đền thờ Bác Hồ.

Chính sách an sinh xã hội được thường xuyên chú trọng. Đến nay, 8/8 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Trong năm 2016, đã khám và điều trị cho gần 152.000 lượt người bệnh, trao tặng gần 200 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách với tổng trị giá trên 7 tỉ đồng.

Chính sách chăm lo đời sống kinh tế và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực; huyện đã đầu tư gần 10 tỉ đồng thực hiện các dự án, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt Chương trình 135 với việc làm đường giao thông nông thôn và hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất tại 2 xã Xà Phiên và Lương Nghĩa với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng. Tỷ lệ hộ dân toàn huyện được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 97%; sử dụng điện đạt trên 99,5%.

Thời gian tới, Long Mỹ tiếp tục tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng thích ứng và chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng ngày càng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; ưu tiên cho cây lúa, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, mở rộng mô hình liên kết 4 nhà, cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉnh trang nâng cấp trung tâm đô thị xã Vĩnh Viễn; triển khai xây dựng thị trấn huyện lỵ Long Mỹ. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trọng tâm là giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, từng bước hình thành các cụm kinh tế - xã hội. Tích cực chăm lo cho người nghèo, người thiếu việc làm, thu nhập thấp; giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, người hoạt động kháng chiến và các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phát huy dân chủ; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Nguyễn Văn Bớt - Thanh Hải

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top