Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 8 năm 2021 | 17:21

Tầm nhìn mới về nông nghiệp số, nông nghiệp đô thị

Định hướng phát triển tầm nhìn mới về nông nghiệp số là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

unnamed-3.jpg
Ảnh minh họa.

Hà Nội: Cần một tầm nhìn mới, tư duy mới về nông nghiệp

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm tạo động lực nội tại hướng đến sự phát triển bền vững

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, cần một tầm nhìn mới về nông nghiệp đô thị Hà Nội.

Quá trình đô thị hóa của Hà Nội nói riêng cũng như các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung đang diễn ra trên diện rộng, các yếu tố kinh tế đô thị có vai trò động lực cho đô thị hóa phát triển chưa tương xứng. Nói cách khác, chúng ta đang phát triển đô thị theo chiều rộng mà chưa chú trọng vào chiều sâu. Do vậy, phát triển các loại hình kinh tế đô thị nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây thật sự là một động lực nội tại thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

Với việc phát triển nông nghiệp đô thị, Hà Nội không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp chuyên biệt để cung ứng dịch vụ cho đô thị như: Cây xanh, thực phẩm an toàn cho khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng…

Nông nghiệp đô thị có chức năng môi trường, điều hòa không khí, do vậy phải phát triển nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn; nông nghiệp tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh ven đô, ao hồ điều hòa… Những sản phẩm nông nghiệp đô thị này không chỉ làm mới không gian đô thị mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”… Đây là xu hướng phát triển tất yếu và cũng là mục tiêu mà thành phố hướng tới.

Nông nghiệp đô thị không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu mà còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề trong tiến trình đô thị hóa. Mặt khác, đây chính là nguồn lực nội tại, là động lực và cũng là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp Hà Nội.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội hướng đến xây dựng đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị và những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản. Trước hết, chúng ta phải thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng quy hoạch - từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết, các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh. Quy hoạch cần hài hòa với các quy hoạch khác để trở thành đô thị sinh thái, nơi đáng sống.

Ở đây cũng phải nói thêm, nếu không có tư duy quản lý và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đúng tầm thì chúng ta chỉ có những mảnh ghép. Và như thế, người nông dân sẽ loay hoay bên thửa ruộng của mình; nhà khoa học sẽ ấp ủ mãi kết quả nghiên cứu và nhà quản lý luôn có lỗi với người nông dân vì không đưa ra được lời giải cho “bài toán” nông nghiệp đô thị.

Mục tiêu chung để phát triển nông nghiệp đô thị là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển bền vững, thời gian tới, chúng ta cần quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi chủ yếu; công khai phổ biến các quy hoạch dựa trên cơ sở khoa học về phát triển sản xuất nông nghiệp đến các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân để các chủ thể yên tâm đầu tư.

Mặt khác, bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị; hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, con chất lượng; xây dựng chính sách phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh; tăng cường hợp tác liên kết kinh tế vùng và toàn quốc.

Đặc biệt, cần triển khai các dự án cụ thể để phát triển được nông nghiệp đô thị gồm nông nghiệp ven đô và trong nội đô. Khai thác hiệu quả hệ thống sông, hồ thủy lợi để có đủ nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị, điều hòa khí hậu… Với các khu chung cư cao tầng cần có giải pháp về nông nghiệp như đề nghị chủ đầu tư cần có đủ diện tích trồng cây xanh, hoa cây cảnh, dự án nông nghiệp trên sân thượng.

Thanh Hóa: Tạo đột phá, thu hút DN đầu tư phát triển nông nghiệp

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh. Ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp.

 

177d6194241t73592l0.jpg
Khu trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức.

 

Thông qua thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu hút doanh nghiệp, hiện toàn tỉnh có 924 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 177 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt, 36 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, 130 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, 46 doanh nghiệp đầu tư thủy sản, 535 doanh nghiệp đầu tư tổng hợp. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các doanh nghiệp là 18.480 người. Bình quân mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng khoảng 20 lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2021, đã kêu gọi, thu hút được 12 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với tổng mức đầu tư hơn 8.155 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp với quy mô lớn. Đơn cử như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình, huyện Nông Cống, do Công ty TNHH HTV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Tập đoàn TH True Milk) đầu tư, với tổng số mức đầu tư 3.800 tỷ đồng, quy mô nuôi khoảng 20.000 bò sữa và nhà máy chế biến sữa tập trung công suất 300 tấn/ngày. Dự án này được quy hoạch sử dụng 1.354 ha đất; trong đó, đất trang trại và xây dựng nhà máy chế biến sữa 165 ha, đất trồng cỏ 1.189 ha.

Ngoài ra, Tập đoàn TH cũng phát triển vùng nguyên liệu ở các huyện Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Thạch Thành...; liên kết cùng các huyện hỗ trợ máy thu hoạch lúa để bán rơm cho tập đoàn chăn nuôi bò sữa. Hiện, dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng và dự kiến đưa bò vào nuôi vào quý II-2022. Hay như dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc do Công ty CP Xuân Thiện Thanh làm chủ đầu tư. Hiện, dự án đã hoàn thành các thủ tục về đầu tư và đang xây dựng chuồng nuôi lợn thịt, lợn nái, với khối lượng xây dựng đạt 80%, chuồng nuôi lợn cai sữa đạt 75%; chuồng nuôi lợn cụ kỵ đạt 50%...

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo đúng định hướng quy mô lớn, công nghệ cao.

Hưng Yên: Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản trên môi trường số

Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong tỉnh đã ảnh hưởng lớn tới việc tiêu thụ nhãn qua các kênh tiêu thụ truyền thống. Đây là khó khăn, song cũng là động lực thúc đẩy nông dân trong tỉnh chuyển đổi, mở rộng tiêu thụ nhãn trên môi trường số thông qua kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

 

nhan_bd_result_20210728080800.jpg
Những thùng nhãn lồng Hưng Yên đầu tiên được Vietnam Post tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử postmart.vn

 

Để giúp nông dân tiêu thụ nhãn trên môi trường số, từ tháng 6.2021, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã xuống trực tiếp các nhà vườn để hướng dẫn người dân từ cách mở gian hàng, tối ưu hóa gian hàng, chụp ảnh sản phẩm, đăng bán sản phẩm, theo dõi đơn hàng đến cách đóng gói, bảo quản, vận chuyển nhãn đi các tỉnh, thành phố… Do là năm đầu tiên triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử nên những băn khoăn thường trực của người dân trồng nhãn là làm sao để có thể giới thiệu được sản phẩm và giao dịch thành công, đồng thời đóng gói vận chuyển nhãn bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Vietnam Post đã tư vấn, giải thích và đưa ra các phương án hỗ trợ cụ thể, do đó đã tạo được lòng tin để các nhà vườn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Đến ngày 15.7, đã có hơn 400 nhà cung cấp là những hộ gia đình, hợp tác xã trồng nhãn của tỉnh tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử postmart.vn.

Ngoài nhãn quả tươi, các nhà cung cấp còn đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn các sản phẩm khác như: Long nhãn, mật ong hoa nhãn… Năm 2021, Vietnam Post dự kiến sẽ hỗ trợ nông dân trong tỉnh tiêu thụ khoảng 3-5% sản lượng nhãn, tương đương 1.500 tấn nhãn qua sàn thương mại điện tử postmart.vn.

Cùng tham gia chương trình hỗ trợ tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên, Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) đặt ra mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ khoảng 300 tấn nhãn trên sàn thương mại điện tử voso.vn. Hiện nay, nhân viên Viettel Post đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình các bước trong thực hiện đưa sản phẩm lên sàn cũng như đóng gói, vận chuyển hàng đi tiêu thụ. Để thúc đẩy tiêu thụ nhãn qua sàn thương mại điện tử voso.vn, Viettel Post dự kiến áp dụng mức phí vận chuyển nhãn lồng Hưng Yên đồng giá trên toàn quốc theo combo 15 nghìn đồng/5kg nhãn; 25 nghìn đồng/10kg nhãn và 44 nghìn đồng/20kg nhãn. Viettel Post cũng cam kết, người tiêu dùng trên toàn quốc sẽ nhận được đơn hàng nhãn Hưng Yên trong thời gian không quá 48 tiếng từ thời điểm đặt hàng.

Các sàn thương mại điện tử khác như: shopee.vn, sendo.vn… cũng tích cực tham gia hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn trên các sàn thương mại điện tử. Những đơn hàng nhãn đầu tiên được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đã đến tay người tiêu dùng bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, việc tiêu thụ nhãn trên môi trường số còn được nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhãn thực hiện thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tiêu thụ nhãn trên môi trường số vừa góp phần đáp ứng yêu cầu giao thương hàng hóa, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng thuận lợi, an toàn vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử là bước tiến, hướng đi mới để người nông dân nói chung và người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng có thêm kênh phân phối nông sản trên môi trường số. Tuy nhiên, do đây là kênh tiêu thụ mới nên nhiều hợp tác xã, hộ gia đình còn lúng túng. Các gian bán hàng nhãn lồng Hưng Yên (sản phẩm nhãn quả tươi) trên các sàn thương mại điện tử chưa nhiều, thông tin về sản phẩm chưa đầy đủ, rõ ràng. Một số gian hàng giới thiệu còn chung chung, chưa mô tả rõ mẫu mã, chất lượng sản phẩm…

Do vậy, cùng với việc tập huấn, hướng dẫn nhằm thúc đẩy việc đưa nhãn lồng Hưng Yên lên các sàn thương mại điện tử, cần hỗ trợ người dân trong việc xây dựng uy tín của gian hàng thông qua việc giới thiệu, mô tả sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng... Ngoài ra, do quả nhãn tươi có vỏ mỏng dễ bị hỏng, nếu không được đóng gói và vận chuyển cẩn thận nên để quả nhãn tươi đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, bảo đảm độ tươi ngon nhất, các nhà vườn cần lựa chọn đơn vị vận chuyển uy tín, trách nhiệm. Với việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp bưu chính, hy vọng sẽ giúp nhãn lồng Hưng Yên tiêu thụ thuận lợi trên các sàn thương mại điện tử, từ đó, mở ra kênh tiêu thụ an toàn, bền vững và có một tầm nhìn mới về nông nghiệp số góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top