Chú trọng chế biến và liên kết chuỗi sản xuất cây ăn trái đang được bà con Tây Nguyên áp dụng đạt hiệu quả cao.
Lâm Đồng: Chế biến nhiều sản phẩm từ hạt mắc ca
Chỉ mới xuất hiện trên thị trường hơn 2 năm nhưng các sản phẩm: hạt mắc ca sấy khô, chocola mắc ca, tinh dầu mắc ca, sữa mắc ca… được làm từ hạt mắc ca Di Linh, do chị Mai Thị Dược (thôn 8, xã Gia Hiệp) sản xuất đã khẳng định uy tín với khách hàng.
Cơ sở mắc ca Mai Thao đang dần khẳng định thương hiệu.
Huyện Di Linh hiện có 1.100 ha mắc ca trồng thuần và xen, trong đó diện tích thu hoạch 110 ha, năng suất 1,6 tấn/ha. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, đa phần mắc ca được trồng bằng cây ghép, cho thu hoạch 2 - 3 tấn/ha.
Đồng thời, đã xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp, HTX đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất như máy xay, máy sơ chế, phòng bảo quản… để chế biến hạt mắc ca.
Một trong những người đi tiên phong, đó là chị Mai Thị Dược, chủ cơ sở Mắc ca Mai Thao thôn 8, xã Gia Hiệp. Hịện, chị Dược có hơn 500 cây mắc ca trồng xen trong 2 ha cà phê, mỗi năm thu về hơn 2 tấn quả.
Mặc dù mắc ca Lâm Đồng chất lượng tốt, nhưng đầu ra khá hạn chế, trong khi các sản phẩm nhập khẩu bán với giá rất cao.
Chị nghĩ: “Tại sao mình không khai thác nguồn mắc ca sẵn có để chế biến thành sản phẩm?”. Thế là chị gây dựng thương hiệu mắc ca của riêng mình.
Từ việc chỉ trồng mắc ca bán cho thương lái, chị Dược đã nghiên cứu quy trình sản xuất các sản phẩm mắc ca, và tìm hiểu thị trường tiêu thụ. Sau đó, chị quyết định đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hạt mắc ca sấy nứt.
Chị kể, ban đầu mua lò nướng nhỏ, song sản phẩm không đạt chất lượng, mẻ thì cháy, mẻ bị vỡ gần hết, rồi những hạt nhìn ngoài rất đẹp nhưng bên trong bị đốm màu.
Hàng gửi đi bị khách trả lại, do vậy, may thì hòa vốn, không thì lỗ, đã có lúc thấy nản, nhưng rồi cũng rút được kinh nghiệm và bí quyết cho riêng mình.
Cuối năm 2018, lại tìm hiểu kỹ thuật, thị trường và mua máy móc chế biến mắc ca lần nữa.
Chế biến hạt mắc ca không khó, nhưng đòi hỏi công phu trong từng công đoạn. Khi mua hạt về phải phân loại để, chọn hạt đồng đều, bảo quản trong kho lạnh, sau đó rang sấy.
Đầu năm 2019, lô mắc ca sấy thương hiệu Mắc ca Mai Thao lần đầu tiên tung ra thị trường.
Khởi đầu từ một cơ sở nhỏ, thương hiệu còn mới, trong khi thị trường đã có vô số sản phẩm mắc ca có tên tuổi, nên chị luôn đề cao sản phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý để.
Theo đó, mắc ca của chị được sấy ở nhiệt độ 55 độ C, kéo dài trong 80 tiếng, nhờ đó, sản phẩm giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Hiện, cơ sở đang hoạt động với 4 máy sấy: 1 máy 660 kg/lần sấy, 2 máy công suất 75 kg/lần, và 1 máy 40 kg/lần sấy. Nhờ đó, chỉ sau gần 2 năm hoàn thiện quy trình sản xuất, mỗi năm cơ sở Mắc ca Mai Thao cung ứng gần 20 tấn mắc ca thành phẩm.
Ngoài ra, còn mạnh tay đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, nghiên cứu thêm các sản phẩm khác như: chocola, tinh dầu, và sữa mắc ca… tất cả, đều được thị trường đón nhận.
Để chủ động nguyên liệu chế biến, Mắc ca Mai Thao đang liên kết với người dân xã Gia Hiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, diện tích trên 100 ha, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, nhà xưởng và vườn cây.
Đồng thời, xây dựng một cửa hàng trưng bày sản phẩm trên quốc lộ 20 tại Gia Hiệp, để khách hàng tham quan, mua sắm.
Hạt mắc ca có thể dùng trực tiếp, hoặc chế biến bánh, kẹo, mỹ phẩm có giá trị. Từ lợi thế đó, Di Linh đã có nhiều cơ sở, HTX, doanh nghiệp đầu tư máy xay, máy sơ chế, phòng bảo quản để chế biến hạt mắc ca.
Ông Vũ Hồng Long - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết: Cùng với cà phê, chè, trái cây thì mắc ca đã được Di Linh xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, gắn chuỗi liên kết sản phẩm.
Hiện, Di Linh đang có khoảng 10 thương hiệu mắc ca, trong đó, một số cơ sở đã thiết kế bao bì, mẫu mã và đem sản phẩm đăng ký thương hiệu, xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, và tham gia chương trình OCOP của tỉnh.
Bảo Lâm: Bao tiêu 100% sản phẩm sản xuất của nông dân
Mùa sầu riêng năm 2020 ở Lâm Đồng, giữa đại dịch COVID-19, khiến thị trường xuất khẩu bị ách tắc, song, nhờ mạnh dạn chế biến cấp đông, Công ty TNHH Long Thủy, huyện Bảo Lâm vẫn bao tiêu 100% sản lượng liên kết chuỗi với nông dân, đảm bảo lợi nhuận khá.
Công ty Long Thuỷ chế biến, cấp đông 2 -3 tấn sầu riêng/ngày
Anh Võ Hữu Long, chủ nhân Công ty TNHH Long Thủy, cấp đông múi sầu riêng công suất 10 tấn/ngày. Thực tế, nhà xưởng này đã hoạt động từ năm 2016 để sơ chế sầu riêng nguyên quả, đóng gói, trước khi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tính riêng 4 tháng vụ mùa sầu riêng năm 2019, Long Thủy xuất khẩu đều đặn 1 - 2 container/ngày (18 tấn/container).
Năm 2020, bắt đầu từ tháng 8 Công ty nhận tin Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu đường tiểu ngạch vì dịch COVID-19. Không thể để sầu riêng sản xuất liên kết bị ứ đọng, giảm giá sâu, Long Thủy quyết định chi nhiều tỷ đồng chế biến cấp đông với công nghệ hiện đại. Thời gian cất trữ đến một tháng, vẫn giữ được chất lượng, hương vị tự nhiên.
Hiện, sầu riêng nguyên quả của nông dân Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng được Công ty tách vỏ, lấy múi, đựng trong thùng chuyên dụng, cấp đông tại chỗ.
Kết quả Long Thủy đã chế biến cấp đông 2 - 3 tấn múi sầu riêng/ngày, bằng 7 - 10,5 tấn sầu riêng nguyên quả.
Sản phẩm múi sầu riêng cấp đông đầu tiên của Long Thủy đầu năm 2020 được chào hàng đến Malaysia, Thái Lan, Đài Loan... và các văn phòng đại diện trong nước, cam kết ký hợp đồng sản lượng lớn cho cả năm 2020. Nhờ vậy, giao thương “thuận buồm xuôi gió”, giá ổn định và tăng dần theo từng thời điểm.
Ước tính, vụ sầu riêng năm 2020, Long Thủy bao tiêu toàn bộ diện tích khoảng 20 ha cho nông dân Lâm Đồng, năng suất 40 tấn/ha. Trước đó, tháng 8 và 9, khoảng 15 ha, năng suất hơn 30 tấn/ha. Tỷ lệ sầu lấy múi cấp đông đạt hơn 70%; gần 30% còn lại sơ chế nguyên quả, phân phối trong nước theo hợp đồng.
Như vậy, sản lượng sầu riêng năm 2020 ở Lâm Đồng tương đương năm 2019. Mặc dù thị trường giảm từ 10% trở xuống, nhưng nông dân Lâm Đồng nhờ liên kết chuỗi ổn định, vẫn đạt lợi nhuận khá nhờ bao tiêu sản phẩm gắn sơ chế, chế biến, đặc biệt là việc chế biến cấp đông múi sầu riêng nói trên.
Điều này khẳng định, vai trò đầu tàu của doanh nghiệp liên kết chuỗi với nông dân, hết sức quan trọng, bức thiết trong cơ chế thị trường hiện nay.
Gia Lai: Triển vọng lớn từ cây ăn trái
Vài năm trở lại đây, do giá cả một số nông sản như cà phê, cao su xuống thấp, nên nhiều nông dân huyện Đăk Hà chuyển hướng trồng cây ăn trái, hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn.
Trái cây HTX Tây Bắc có tem nhãn truy xuất rõ ràng. Ảnh: TH
Huyện Đăk Hà có hơn 830ha cây ăn trái, tập trung ở các xã Ngọc Wang, Đăk Hring, Hà Mòn, Đăk Pxi… chủ yếu là cam, quýt, bơ, sầu riêng, mít Thái, chuối.
Bà con chú trọng trồng cây ăn trái thâm canh, xen canh trong cà phê. Chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến tạo sản phẩm năng suất, chất lượng cao. Việc mở rộng diện tích cây ăn trái, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Anh Trần Văn Dũng (thôn 7, xã Ngọc Wang) chia sẻ: Thấy cây có múi phù hợp, thị trường tiêu thụ thuận lợi, từ năm 2015, tôi quyết định đầu tư 0,5ha cam, quýt xen canh trong cà phê.
Lứa đầu tiên được thu, thấy lợi nhuận cao, tôi dành riêng một mảnh chuyên canh cam, quýt, khoảng 1.000 cây nữa. Năm ngoái, sản lượng đạt 35 tấn, cho thu hơn 200 triệu đồng. Năm nay, chắc chắn sẽ nhiều hơn, vì cây đã trưởng thành năng suất, sản lượng cao hơn.
Không chỉ trồng rải rác quy mô hộ gia đình, gần đây, có những HTX, doanh nghiệp mạnh dạn trồng cây ăn trái quy mô lớn chất lượng cao, không chỉ phục vụ trong tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu.
Điển hình như Htx Nông nghiệp công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring) với 16ha: chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan, cam, quýt, mít Thái, bơ, sầu riêng… theo quy trình VietGAP, sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản.
Chị Bùi Thị Thúy - Giám đốc HTX cho biết: Thấy nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn ngày càng cao, HTX mạnh dạn góp vốn, đất trồng trái cây hữu cơ, từ những vườn cao su hết chu kỳ khai thác, đất trồng mì bạc màu…
Chú trọng cải tạo đất, giống chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, tạo trang trại trái cây đa dạng, phong phú. Chuối đã thu hoạch năm 2019, các cây khác năm nay bắt đầu thu, năng suất cao, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu. Chúng tôi chưa tính toán chi li, chỉ riêng chuối đã thu trên 2 tỷ đồng/năm.
Cũng sản xuất trái cây sạch, năm 2018, Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (xã Đăk Pxi) trồng 230ha mít Thái xen sầu riêng, tiêu chuẩn GlobalGAP.
Năm 2020, lứa mít đầu tiên xuất khẩu sang Châu Âu, từ năm thứ 5 trở đi, khi bắt đầu thời kỳ kinh doanh, sẽ thu ổn định trên 2 tỷ đồng/ha/năm.
Vì vậy, Đăk Hà vận động người dân đầu tư, mở rộng diện tích. Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông huyện mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng.
Mặt khác, Đăk Hà chú trọng ứng dụng KHKT, công nghệ sinh học để có trái cây chất lượng cao; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020, xây dựng chuỗi trái cây được ưu tiên hàng đầu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…