Nhờ trồng rau hữu cơ, các thành viên phụ nữ Tổ hợp tác Tu Tra có thu nhập cao khá cao.
Iem Gõh - Tu Tra cùng với những cái tên Me Yến, Me Sam... của phụ nữ xã Tu Tra (Đơn Dương - Lâm Đồng) luôn được in sẵn, dán trong từng túi rau, củ trong quá trình đóng gói rau cho khách. Các chị giải thích, trong tiếng Churu, Iem Gõh có nghĩa là hữu cơ.
Các thành viên THT tự đóng gói, cập nhật số lượng rau của mình mỗi lần thu hái
Phụ nữ Churu cung cấp những sản phẩm rau hữu cơ do chính mình sản xuất, và thoăn thoắt cân, tính tiền, đóng gói trao tay khách. Chúng tôi tìm đến họ, theo địa chỉ in trên tờ hướng dẫn: Tổ hợp tác (THT) rau hữu cơ Iem Gõh, thôn Ma Đanh, xã Tu Tra.
Iem Gõh của phụ nữ Ma Đanh sau 3 năm hoạt động, có 14 thành viên. Ban đầu, dưới sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt, về nông nghiệp bền vững, hướng tới sức khỏe cộng đồng.
Nhờ sự giúp đỡ này, THT tìm được đầu ra ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, giá sản phẩm được tính dựa trên chi phí về giống, đầu tư, công lao động...
Nghĩa là, do chính các hộ đưa ra, không bị phụ thuộc biến động thị trường. Điều này cũng đã thỏa thuận với đơn vị tiêu thụ, nên các thành viên đều thoải mái, không bị áp lực.
Tự thu hái, đóng gói, vào sổ số lượng, tham gia kiểm tra chéo, để đánh giá, kiểm soát chất lượng rau của từng thành viên...
Chị Ma Đậm - Tổ trưởng THT cho biết: Tất cả các mặt hàng được hái vào thứ hai và thứ năm hằng tuần. Đồng thời, phải thông báo mặt hàng sẽ thu hoạch trong tuần để tổ trưởng THT thông báo đơn vị thu mua.
Các sản phẩm cam kết không sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích... Đa phần họ tự chăn nuôi, ủ phân chuồng để bón...
Nhờ đó, các chị có thu nhập đều đặn mỗi tháng 1,5 - 2 triệu đồng.
“Từ ngày không sử dụng phân thuốc, thì cũng không thường đau ốm, nhất là không hay tụt huyết áp như trước đây.
Tính về năng suất thì rau hữu cơ kém hơn, nhưng bây giờ mình mới dám ăn rau mình làm ra một cách vô tư”, vừa nói, chị Ma Đờng vừa hái một trái dưa leo trên giàn, cắn một cách ngon lành.
Tư duy thay đổi không vì lợi ích vật chất, những người phụ nữ Churu giờ đây đã biết quan tâm sức khỏe của chính mình và người tiêu dùng.
Lạc Dương: Rau thủy canh xuất khẩu qua Hàn
Khi rau thủy canh bão hòa, anh Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, xã Lát, Lạc Dương (Lâm Đồng) đã chọn hướng xuất khẩu.
Rau thuỷ canh rộng đường xuất khẩu. Ảnh H.Yên
Hiện, rau thuỷ canh Lâm Đồng đã lên tới trên 20ha. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, rau thủy canh bắt đầu hạ nhiệt, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi trồng rau thủy canh, đòi hỏi đầu tư ban đầu khá tốn kém, không dưới 600 triệu đồng/1.000m2, nhiều thiết bị phải nhập ngoại.
"Chi phí ban đầu cao, giá 1 kg rau thủy canh gần 25.000 đồng, trong khi giá sản xuất không đổi, khiến người trồng rau thủy canh gặp khó", anh Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, chia sẻ.
Vì vậy, anh tích cực tìm kiếm thị trường nước ngoài. Qua tìm hiểu, thấy mùa Đông xứ Hàn kéo dài từ tháng 1- 3, thời tiết lạnh giá có thể xuống âm nhiều độ.
Trong khi Đà Lạt và các vùng phụ cận thời tiết dịu mát, ít mưa, thuận lợi trồng rau nhà kính.Nắm bắt cơ hội đó, Công ty đã chủ động kết nối, xuất khẩu rau thủy canh Đà Lạt. Tháng 3/2018, Công ty đã xuất 4,5 tấn xà lách đến Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc đã cử đoàn cán bộ sang khảo sát, lấy mẫu đất, nước và mẫu rau đưa về trung tâm khoa học của 2 nước Việt - Hàn để phân tích.
Khi có kết quả an toàn, Trường Phúc mới xuống giống, từ thu hoạch, sơ chế, đóng gói đều được giám sát thường xuyên, chặt chẽ của phía Hàn Quốc...”
Hiện, rau thủy canh của công ty đạt 300 tấn/năm, trong đó 80% tiêu thụ trong nước, còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc với giá 55.000 đồng/kg.
Anh Dũng cho biết, nhu cầu xuất khẩu lớn, trong khi quy mô sản xuất của doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nhiều hộ sản xuất theo chuỗi liên kết mới đủ cung ứng.
Ngoài Hàn Quốc, các đối tác từ Singapore, Nhật Bản cũng đã đặt vấn đề thu mua các loại xà lách thủy canh của Công ty Trường Phúc, dự kiến nhiều đơn hàng xuất khẩu sẽ được triển khai trong thời gian đến.
Đắk Song: Liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ bền vững
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Huyện ủy Đắk Song (Đắk Nông) về phát triển hồ tiêu bền vững, Đắk Song đã từng bước hình thành vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ, kết nối thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện, trên địa bàn huyện có 15.216 ha hồ tiêu.
Thời gian qua, huyện đã triển khai 18 mô hình điểm, sử dụng chế phẩm sinh học, phát triển hồ tiêu bền vững; 8 điểm mô hình tưới nhỏ giọt.
28 nông dân của 2 xã Nam N’Jang và Thuận Hạnh được học tập sản xuất hồ tiêu sạch, theo đơn đặt hàng tại Bình Phước và Đồng Nai.
Huyện đã phối hợp Trung tâm xúc tiến đầu tư Đắk Nông, mời các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào, và thu mua sản phẩm, tổ chức hội nghị liên kết, phát triển chuỗi hồ tiêu, thu hút 240 nông dân tham gia.
Huyện còn phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo chuyên đề canh tác hồ tiêu bền vững với 280 nông dân tham dự.
Các cơ quan chuyên môn, phối hợp với doanh nghệp, tổ chức 60 lớp tập huấn, sản xuất tiêu bền vững, cho 2.400 nông dân.
Giai đoạn 2016-2019, đã hỗ trợ thành lập 9 HTX cung ứng vật tư sản xuất hồ tiêu bền vững, hỗ trợ HTX hồ tiêu Thành Tâm và HTX Thuận Phát xây dựng chứng nhận VietGAP, với diện tích 138 ha.
Hiện, người dân ngày càng chú trọng sử dụng các biện pháp sinh học để phát triển hồ tiêu bền vững. Tổng diện tích hồ tiêu sinh học trên địa bàn đã đạt 3.700 ha.
Huyện đã bố trí trên 920 triệu đồng để xây dựng, nhân rộng mô hình. Người dân đầu tư 30 lò sấy thường, 2 lò sấy hồng ngoại, để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một số trang trại, HTX còn tổ chức chế biến tiêu đỏ, tiêu sọ, tạo sự đa dạng sản phẩm.
Điển hình, niên vụ 2016-2017, HTX Thuận Phát, đã ký hợp đồng bán 20 tấn hồ tiêu với giá 110.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường 58.000 đồng/kg.
Niên vụ 2017-2018, Công ty Hương Sơn Hà, tiếp tục thu mua 151 tấn hồ tiêu an toàn sinh học, giá 90.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường 45.000 đồng/kg. Năm 2019, công ty và HTX đang tiếp tục ký kết bao tiêu sản phẩm.
Hiên, Công ty Cổ phần Haprosimex đang liên kết nhóm nông hộ tại xã Nâm N’Jang, phát triển tiêu theo hướng bền vững, an toàn, với việc hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Quy mô khoảng 250-300 ha, sản lượng 700-1000 tấn tiêu đen/năm, với 250 hộ tham gia, và đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliane.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp Đắk Song, huyện đang tiếp tục kết nối với các công ty, để họ trực tiếp làm việc với người dân về quy trình sản xuất, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Gia Lai: Thu nhập khá nhờ xen canh cây ăn quả
Anh Nguyễn Quang Vũ được coi là một điển hình làm kinh tế giỏi ở làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông.
Hiện, mỗi năm anh lãi hơn 200 triệu đồng, từ 1,8 ha đất trồng cà phê xen bơ, sầu riêng.
Anh Vũ bên vườn sầu riêng sai quả .Ảnh: N.H
Năm 2009, tốt nghiệp Khoa Điện-Điện tử (Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh), anh xin vào làm tại một doanh nghiệp xây dựng cầu đường miền Nam.
Công việc vất vả, thu nhập không cao. Năm 2012, anh quyết định về quê làm nông. Khi địa phương có đợt khám nghĩa vụ quân sự, anh tình nguyện nhập ngũ.
Năm 2015, xuất ngũ về địa phương, anh lập gia đình, rồi bắt tay làm kinh tế. “Thời gian quân ngũ, giúp tôi rèn tính tự lập, chịu khó. Nhờ đó, tôi đã thành công khi đưa kinh tế gia đình phát triển”-anh Vũ chia sẻ.
Anh Vũ cho biết, xuất phát điểm của anh khá thuận lợi, do bố mẹ cho 1,8 ha cà phê. Để cà phê cho năng suất, chất lượng tốt, anh đã phải học hỏi rất nhiều.
Đặc biệt, anh còn trồng xen bơ, sầu riêng vào vườn cà phê, để nâng cao thu nhập. Nhờ chăm sóc tốt, năng suất vườn cây đạt cao, mỗi năm cho 7 tấn cà phê nhân, 2 tấn bơ và 3,5 tấn sầu riêng.
Trừ chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm, anh Vũ cho biết: Cà phê cần đảm bảo nước tưới, bón phân phù hợp; cắt tỉa cành già, chồi không cần thiết. Cây bơ cần bón đủ phân, tỉa bớt quả nhỏ.
Riêng sầu riêng, thời điểm ra hoa, quả non thường thiếu dinh dưỡng, vì vậy, cần cấp thêm kali, tránh rụng quả”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.