Hoa, cây cảnh được xác định là ngành công nghiệp không khói, đem lại siêu lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên, phát triển hoa, cây cảnh cũng chịu nhiều rủi ro từ thời tiết, thị trường. Người trồng hoa phải liên tục thay đổi, cập nhật xu hướng thị trường, nếu không sẽ bị tụt hậu...
Nhiều người trồng hoa mất Tết vì hoa ly nở sớm. |
"Cú ngã"hoa ly
Ngay những ngày cận tết này, người trồng hoa ly tại Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn đang loay hoay với cú sốc về giá hoa ly chưa năm nào hạ đến như vậy. Ít ai biết được chỉ cách đây khoảng 2 tháng, giá hoa ly đang rất cao nhưng nhà vườn lại không có nhiều hoa để tiêu thụ. Nguyên nhân là do, trong khoảng tháng 12 đã có đợt thời tiết nắng nóng bất thường, kéo dài, khiến 70% số hoa ly nở sớm...
Chị Trần Thị Hoa, người trồng hoa Tây Tựu cho biết: “Chúng tôi có 4 sào hoa ly để bán Tết, nhưng năm nay trời nắng nóng nên hoa nở sớm. Chúng tôi đã bán gần hết với giá rẻ 5.000-7.000 đồng/cành. Những ngày gần đây, giá hoa tăng trở lại nhưng không còn nhiều hoa để bán. Mỗi củ hoa ly giống có giá khoảng 15.000 đồng. Trong khi đó, phải bán hoa với giá 5.000-7.000 đồng/cành. Tiền bán hoa không đủ tiền mua giống, chưa tính tới công chăm sóc, phân, thuốc trừ sâu, dụng cụ che chắn…”.
Theo thống kê từ UBND phường Tây Tựu, người dân dành 30 ha để trồng hoa ly phục vụ thị trường Tết. Nhưng do thời tiết nắng nóng bất thường, nhiều gia đình thiệt hại nặng, trung bình mỗi sào lỗ khoảng 35-40 triệu đồng, tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Đây là bài học kinh nghiệm cho người trồng hoa ly, chúng ta phải cẩn thận từ khâu chọn giống, ví dụ, giống được nhập từ Hà Lan được bảo quản như thế nào, đã bảo quản bao lâu, phải cung cấp cho bà con đầy đủ thông tin cây giống. Không phải cứ nhập về là đem bán ngay cho người nông dân. Bên cạnh đó, bà con nên trồng nhiều trà hoa khác nhau, thay vì trồng đại trà. Kinh nghiệm cho thấy, thúc hoa nở dễ hơn nhiều so với việc hoa đã nở rồi hãm lại”.
Trong khi đó, “nhiều cơ sở sản xuất hoa chuyên nghiệp, họ có thông tin về thời tiết, dự báo được nhu cầu nên đã huy động hết công suất các kho chứa lạnh để giữ hoa ly, khi thời tiết thích hợp mới đem ra để trồng đón Tết. Như vậy, chắc chắn sẽ thắng lợi”, ông Đông cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Trần Huy Đường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết, để giảm phụ thuộc vào thời tiết là rất khó, vì người trồng hoa còn thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Ví dụ, mỗi ha nhà kính của công ty Dalathasfarm giá khoảng 7-8 tỉ đồng, Công ty Apolo đầu tư 3 triệu USD cho mỗi ha nhà kính. Thấp nhất cũng phải đầu tư 5 tỉ đồng cho một ha nhà kính. Do vậy, người sản xuất chỉ biết trông chờ vào vay vốn trung và dài hạn của Nhà nước.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): “Quy mô sản xuất hoa, cây cảnh của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ. Không sản xuất được các loại giống chất lượng cao, thường phải nhập khẩu. Đầu tư cho sản xuất hoa, cây cảnh cần vốn lớn, vượt quá khả năng đầu tư của nông dân. Trong khi đó, lại chưa có sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Ngoài ra, khi Việt Nam hội nhập càng sâu sẽ có sự cạnh tranh càng lớn từ các nước trong khu vực”.
Cập nhật xu thế và kỹ thuật
Ngành hoa, cây cảnh đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 22.000 ha hoa, cây cảnh, giá trị sản lượng đạt 450 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 100 triệu USD/năm. Trồng hoa, cây cảnh đang cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, hiệu quả trông thấy rõ rệt, kéo theo nhiều ngành sản xuất phát triển như: Làm bình, chậu, hoa khô, chế biến hoa… nhưng để biến ngành trồng hoa trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn lại không đơn giản.
Theo các chuyên gia về hoa, cây cảnh, trồng hoa cũng như người thợ may, phải liên tục thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, mùi thơm… của hoa để hợp thị hiếu và xu thế thị trường. Nếu cứ trồng các giống hoa cũ sẽ rất khó cạnh tranh.
“Hoa hồng ngoại năm nay được ưu chuộng, giá bán từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng/cây. Được nhập nguyên cây về từ Pháp, Anh, Thái Lan… Hồng ngoại được ưu chuộng vì có thể leo được, màu sắc, hương thơm đều hơn hồng nội. Trong khi đó, hoa hồng Mê Linh (Hà Nội) chỉ vài trăm nghìn một cây cũng khó bán”, chị Lê Thị Thu Hằng, chủ cửa tiệm hoa Hằng Ruby tại một hội chợ xuân cho biết.
Cùng quan điểm này, ông PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết Viện đã dùng công nghệ để tạo ra giống hoa đào bạch rất độc đáo, có giá bán 1,5-3 triệu đồng/cây. Giá cao hơn các loại đào truyền thống nhưng có rất nhiều người đặt mua vì tính độc đáo của nó. Viện Nghiên cứu rau quả sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra nhiều giống hoa, cây mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phân tích: "Để biến miền Bắc thành trung tâm xuất khẩu hoa lớn không hề đơn giản, phải mất nhiều năm nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt. Hàng xóm của chúng ta có khu vực Côn Minh (Trung Quốc) lạnh quanh năm, dễ trồng hoa là một đối thủ đáng gờm. Trung tâm xuất bán hoa lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là Đà Lạt cũng chỉ xuất khoảng 10%, trong đó Hasfarm Đà Lạt chiếm tới 90%, chủ yếu tiêu thụ tại TPHCM".
Trước mắt, theo ông Trần Huy Đường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng để giúp ngành trồng hoa vươn lên. Đầu tiên cần coi hoa là sản phẩm chủ lực, có chính sách thuế hợp lý. Ví dụ, nếu doanh nghiệp hoa Đà Lạt nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc bị thuế suất 17%, EU là 20%. Cộng với thuế VAT 10% nữa thì cả doanh nghiệp và nông dân trang trại bị cản trợ đầu tư công nghệ hơn là khuyến khích”.
Thực tế, sản xuất hoa công nghệ cao tức là theo dây chuyền liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. “Về mặt này chúng ta rất cần hỗ trợ và chuyển giao. Hơn nữa, hầu hết các giống hoa ở Việt Nam được nhập về không có bản quyền nên khó xuất khẩu, chỉ khoảng 20% hoa tại Đà Lạt có bản quyền. Do vậy, đã đến lúc cần nghiêm túc thay đổi, để biến hoa thành ngành công nghiệp có lợi nhuận cao”, ông Đường cho biết thêm.
Còn theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hoa, cây cảnh là một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, mức tiêu thụ hoa của người dân Việt Nam vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Muốn ngành hoa, cây cảnh phát triển trước hết phải kết nối giữa sản xuất với thị trường, để người sản xuất nắm bắt được xu thế của thị trường qua các trung tâm giao dịch hoa. Ngoài ra, cần hình thành các hiệp hội hoa ở các vùng trọng điểm được quy hoạch nhằm hỗ trợ nhau trong khoa học, công nghệ và thị trường.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…