Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 9 năm 2020 | 12:22

Tin 24/7: Nông nghiệp xuất siêu hơn 6 tỷ USD

Bộ NN&PTNT thông tin sau 8 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

1.jpg

Theo đó, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 7/2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 7,8%), lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD (tăng 1,0%), thủy sản đạt 800 triệu USD (tăng 0,5%) và chăn nuôi đạt 31 triệu USD (giảm 18,4%),…

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 26,15 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25,0%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; lâm sản chính đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10,3%;

Về nhập khẩu, tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 16 tỷ USD, giảm 5,2%.

Như vậy, 8 tháng năm 2020, ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, báo cáo thường xuyên biến động giá cả, tình hình cung cầu một số mặt hàng nông sản thiết yếu (tập trung vào mặt hàng thịt lợn, lúa gạo, rau quả), theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, đối chiếu với các kịch bản về nguồn cung thực phẩm để kịp thời tham mưu cho Chính phủ.

Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.

Riêng về thuỷ sản sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh Châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. 

Về lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, tình hình thời gian tới khá khó lường bởi diễn biến dịch COVID-19 vẫn tương đối phức tạp tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu…

“Dù vậy, nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì dự báo ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch COVID-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Để đạt được mục tiêu 41 tỷ USD, Bộ NN&PTNT đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản. Ngoài ra, Bộ xác định đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Đồng thời, tìm các giải pháp khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực…

Giá gạo Việt đạt đỉnh sau 9 năm

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 8 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn.

Cụ thể, trong tháng 8/2020, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 380-385 USD/tấn lên 383-389 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm Thái Lan tăng từ 463-485 USD/tấn lên mức 480-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2020.

Gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480-490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

 

2.jpg

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 35,3% thị phần. Trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Các thị trường có trị giá xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal (gấp 19,8 lần), Indonesia (gấp 3,1 lần) và Trung Quốc (tăng 84%). Trong khi thị trường có trị giá xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq (giảm 61,2%).

Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin thêm, giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn tại Châu Á đang có chiều hướng tăng tích cực. Trong đó, gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng cao do ảnh hưởng của lũ lụt và sự lan rộng của dịch COVID-19 khiến hoạt động logistics bị gián đoạn.

Trong tháng 8/2020, một trong những điểm nhấn đáng lưu ý nhất là mức giá xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8. 

Với xuất khẩu, dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13-13,5 triệu tấn thóc).

Theo thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 8/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,7 triệu tấn, giảm khoảng 0,2% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,9 triệu tấn, tăng khoảng 1,4% so với năm 2019.

Sẽ xuất lô gạo ngon nhất sang châu Âu với giá cao vào tuần tới

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tuần tới Việt Nam sẽ xuất lô gạo đầu tiên, loại gạo ngon nhất sang thị trường châu Âu với mức giá cao.

Phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra chiều tối 4/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng khẳng định, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế, có thể giữ đà tăng trưởng năm 2020 với mức 2,6-2,8%.

Ông Mai Tiến Dũng cho hay, riêng xuất khẩu nông nghiệp năm nay phấn đấu cao hơn năm ngoái với khoảng 41 tỷ USD. "Sang tuần tới sẽ xuất lô gạo đầu tiên, loại gạo ngon nhất sang thị trường châu Âu với mức giá cao. Đây được nhìn nhận là một thị trường tiềm năng", người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin.

Hiện, gạo xuất khẩu sang châu Âu bắt đầu hưởng lợi về giá. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cũng như kết quả khả quan cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Âu.

Gạo ST20 đang được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi thời điểm trước đây, gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn. Khi thuế suất giảm về 0%, giá bán lẻ của gạo Việt sẽ giảm tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường châu Âu với các quốc gia xuất khẩu gạo khác.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu còn đang ở mức thấp, đạt khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD năm 2019, trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của châu Âu trong khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 – 2020.

Cả nước có 19 tỉnh, thành phố còn dịch tả lợn châu Phi

Tại hội nghị Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 3/9 tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi; trong đó 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019, 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 43.150 con với khoảng 2.157 tấn.

Hiện nay, cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Cả nước có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn.

Trong năm 2020 bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn có 114 xã có dịch, Cao Bằng có 85 xã có dịch, Bắc Kạn có 64 xã có dịch, tỉnh Quảng Nam có 99 xã có dịch.

Theo ông Phạm Văn Đông, các ổ dịch chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi lớn, gia trại, trang trại bảo đảm an toàn sinh học không để xảy ra dịch bệnh và có tốc độ tăng đàn, tái đán tốt.

Việc phòng, chống dịch bệnh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 17/6/2019 của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện nay, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được thực hiện theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025”.

Về hỗ trợ, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ tổng cộng 6.232 tỷ đồng cho phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (trong đó năm 2019 đã cấp 4.970 tỷ đồng; năm 2020 đã cấp 1.262 tỷ đồng). Các địa phương hỗ trợ khoảng 7.000 tỷ đồng. Hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch năm 2020.

Vụ lúa Hè Thu ở Quảng Bình đạt năng suất cao dù hạn hán kéo dài

 

3.jpg
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân ra đồng thu hoạch lúa Hè Thu

 

Mặc dù vụ Hè Thu năm nay, tỉnh Quảng Bình trải qua nắng hạn kỷ lục nhưng năng suất lúa tại tỉnh Quảng Bình đạt cao hơn năm ngoái. Phấn khởi khi lúa được mùa, hiện nông dân tỉnh này tranh thủ thu hoạch dứt điểm diện tích vụ Hè Thu.

Năm nay, tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 14.000ha lúa vụ Hè Thu và chăm sóc 6.000ha lúa tái sinh cho năng suất khá. Đến nay, tỉnh này đã thu hoạch trên 12.000ha lúa, đạt hơn 80% diện tích, năng suất ước đạt hơn 50 tạ/ha, cao hơn 7,5 ta/ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, các địa phương vận động bà con tiến hành thu hoạch nhanh trước mùa mưa lũ nhằm hạn chế thiệt hại. Theo ông Minh, nhờ chủ động nước tưới và tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ Đông Xuân để ưu tiên nước cho vụ Hè Thu nên lượng nước đủ tưới cho cây lúa phát triển.

“Quảng Bình vừa đối diện với nắng nóng kỷ lục, gần 60 ngày không có 1 giọt mưa. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động ngay từ đầu vụ do đó ngành phối hợp với các địa phương chỉ đạo bà con nông dân tận dụng các nguồn nước tại chỗ, thực hiện các chế độ tưới luân phiên, tưới tiết kiệm, đưa bộ giống cực ngắn và ngắn ngày vào sản xuất vụ Hè Thu. Do đó, đến thời điểm này, có thể khẳng định đây là vụ Hè Thu tương đối thắng lợi”, ông Minh khẳng định.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top