Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 9 năm 2020 | 20:23

Tin Ngư nghiêp: Nghệ An xử phạt 3 tàu cá đánh bắt sai tuyến biển

Đoàn liên ngành công tác Nghệ An ra quân kiểm tra tuyến biển từ Thị xã Cửa Lò đến Nghi Sơn (Thanh Hoá).

Để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát đánh bắt thủy sản trên các vùng biển ven bờ năm 2020, đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An gồm Chi cục Thủy sản, Biên phòng và đại diện UBND huyện Diễn Châu, TX. Cửa Lò đã ra quân kiểm tra tuyến biến từ TX. Cửa Lò đến Nghi Sơn (Thanh Hóa).

 

ca-91.jpgTuyên truyền cho bà con thủ tục ra vào cảng trên tàu đánh bắt xa bờ ở TX. Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải.

 

So với các lần kiểm tra trước, lần này đoàn liên ngành Nghệ An hoạt động xa bờ hơn, và chú trọng ra vùng lộng, nên đã phát hiện được một số tàu lớn vi phạm. 

Trên cơ sở phát hiện, đoàn đã truy đuổi, bắt giữ và xử phạt 3 tàu, trong đó có 2 tàu mang biển kiểm soát KG 1756-TS và tàu KG 90739-TS của ngư dân Kiên Giang. Đồng thời, xử phạt 25 triệu đồng/tàu; 1 tàu cá mang biển kiểm soát TH- 91998-TS của ngư dân Thanh Hóa bị phạt 36 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chính của tàu cá dẫn đến bị xử phạt là, đánh bắt sai tuyến biển, không ghi nhật ký khai thác, đối với tàu có chiều dài dưới 24m; trong đó đáng chú ý, tàu của ngư dân Thanh Hóa, ngoài lỗi không ghi nhật ký đánh bắt, còn viết biển số đăng ký tàu cá không đúng quy định.

Trên tàu có từ 3-5 thuyền viên làm việc không có bảo hiểm thuyền viên, nên mức xử phạt cao hơn.

Trước đó, trên cơ sở kiểm tra của Tổ công tác liên ngành ven bờ, rà soát, gỡ thẻ vàng, cuối tháng 8, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã xử phạt 2 tàu cá mang biển số NA-95989-TS của ông Hồ Bá Đoàn và tàu mang biển số NA-96668-TS của ông Trương Phi Ngọ, đều đánh bắt xa bờ ở xóm 2, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) mỗi tàu 3,5 triệu đồng vì lỗi “Không thông báo cho cảng cá trước khi vào cảng”.

Với việc 3 tàu cá ngoại tỉnh bị phạt vì đánh bắt sai vùng biển, không ghi nhật ký đánh bắt, Chi cục Thủy sản và các lực lượng liên ngành tỉnh đang quyết tâm đưa hoạt động khai thác đánh bắt vào khuôn khổ theo quy định của Luật Thủy sản và Nghị định của Chính phủ.

Sắp tới, song song với tuyên truyền, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra để xử phạt, nhằm răn đe để người dân từng bước có ý thức chấp hành quy định về đánh bắt trên biển.

Bình Thuận: Giải pháp ngăn chặn triệt để nghề cào nhám 

Những năm gần đây, hoạt động cào nhám trái phép, diễn biến rất phức tạp, đặc biệt, khu vực biển thị xã La Gi, đã gây thiệt hại rất nhiều về tài sản, cũng như ngành nghề khai thác hải sản khác, của ngư dân nơi đây.

Do đó, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới.

 

bt-3.jpg

 Hoạt động cào nhám thường lén lút vào ban đêm ở La Gi

 

Cách đây khoảng 4 – 5 năm, hoạt động giã cào nhám lén lút vào ban đêm, diễn ra rầm rộ ở vùng biển La Gi, đây là ngành nghề mang tính “tận diệt”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản.

Hiện, đang là thời điểm sò nhám xuất hiện dày đặc ở các vùng ven biển (từ tháng 7 - 11 hàng năm), nên số lượng tàu hành nghề cũng tăng đáng kể.

Khi sò nhám ở La Gi dần cạn kiệt, ngư dân địa phương này bắt đầu di chuyển ngư trường sang vùng biển Tuy Phong, khiến ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ rất bức xúc.

Trước tình hình cào nhám có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại một số vùng biển ven bờ, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển, tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, chấm dứt tàu thuyền hành nghề cào nhám trên vùng biển Bình Thuận.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá hoạt động nghề cào nhám, để có giải pháp vận động, tuyên truyền ngư dân tự giác chấm dứt hoạt động này, chuyển đổi sang nghề khác, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, điều động thêm phương tiện và tăng cường lực lượng thanh tra thủy sản cho Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản La Gi, để cùng với Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến tại các cảng cá.

Với sự chỉ đạo của tỉnh Bình Thuận và sự vào cuộc của ngành chức năng, các địa phương ven biển, tình hình tàu cá hoạt động cào nhám trái phép ở một số nơi đã được ngăn chặn, giảm thiểu, số vụ vi phạm năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vậy, tình trạng hành nghề cào nhám trái phép vẫn lén lút xảy ra. Thời gian hoạt động của các tàu này là từ 20 giờ tối đến 2 giờ sáng, nên rất khó phát hiện.

Các đối tượng thường xuyên đối phó, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, theo dõi, thông tin cho nhau khi phát hiện có lực lượng tuần tra.

Để có giải pháp ngăn chặn và chấm dứt hoàn toàn tình trạng này, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND địa phương ven biển, đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân, về tác hại của nghề cào nhám đối với môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Tích cực vận động ngư dân chuyển sang ngành nghề khác, thân thiện với môi trường và mang tính bền vững. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, thường xuyên thay đổi linh hoạt phương thức hoạt động.

Có phương án bố trí, tăng cường lực lượng, phương tiện cho Trạm Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản La Gi, vào những thời điểm cao điểm, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm  hoạt động khai thác thủy sản, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp và kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá hoạt động cào nhám theo Nghị định số 42/2019 của Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương trình Đề án “Kiện toàn tổ chức, tăng cường hiệu lực, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động lực lượng kiểm ngư tỉnh Bình Thuận”.

Yêu cầu bổ sung nhân lực, phương tiện tuần tra, kiểm soát, đảm bảo các điều kiện hoạt động, để thực thi đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng chấp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển của tỉnh. 

Quảng Ngãi: Gần 40 năm làm nghề dẫn thuyền vươn khơi

Gần 40 năm nay, ông Nguyễn Tiến, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) được ví như người anh cả của ngư dân vùng biển Sa Cần.

 

qn-61.jpg

Hằng ngày, ông Nguyễn Tiến xã Bình Thạnh vẫn chèo thúng, dẫn lối cho tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Cần. Ảnh: M.Duyên.

 

Bởi tại cửa Sa Cần luồng lạch ra vào nhỏ hẹp, thường xuyên bị bồi lấp nên ông Tiến nhận làm nhiệm vụ dẫn lối cho tàu thuyền tránh nạn.

Đồng hành cùng ông Tiến chinh chiến vượt cửa biển Sa Cần chỉ là một chiếc thúng chai. Ông Tiến hào sảng cho hay: “Thúng nhỏ, nhưng mà dẫn đầu đàn anh, băng qua bao con sóng đấy”.

Ông Tiến kể lại: “Từ năm 15 tuổi, tôi đã gắn bó với nghề lênh đênh trên biển cả. Cửa biển Sa Cần quá đỗi quen thuộc rồi, tôi đúc kết kinh nghiệm từng con nước thủy triều, biết rõ địa hình của cửa biển, nên tôi hướng dẫn tàu thuyền ra, vào để tránh mắc cạn, hoặc đâm phải đá ngầm, đỡ gây thiệt hại cho ngư dân”. 

Sau một hồi neo đậu thuyền kiên cố, ngư dân Trần Văn Trưởng, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cùng bạn thuyền lên bờ tìm gặp ông Tiến, nói lời cảm ơn, vì đã trợ giúp cho chuyến vào cửa Sa Cần suôn sẻ.

Anh Trưởng cho biết: “Ngư dân ở đây sợ nhất là khi ra vào cửa biển Sa Cần, luồng lạch nhỏ hẹp hết sức khó khăn. Nhờ có ông Tiến đi trước chỉ hướng mà tàu thuyền ra vào mới tránh được nạn”.

Biết ơn tấm lòng của ông Tiến, nhiều ngư dân quý mến thường mang đặc sản ngon của biển, hay gửi chút tiền để ông Tiến mua vài gói trà, gói bánh ăn lấy thảo.

Ông Tiến bộc bạch: Cái vui của việc dẫn thuyền vươn khơi là nhận được tình cảm quý mến của anh em làng chài. Mặc dù quen việc, nhưng mỗi chuyến dẫn lối cho tàu thuyền ra vào là mỗi thử thách.

Như chuyến vào bờ của tàu anh Trưởng, mùa này nước cạn, thủy triều rút rất nhanh, nên tôi phải tranh thủ hướng dẫn tàu thuyền tiến, lùi cẩn thận, khi qua được cửa lạch tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.

Ông Tiến thường pha trò với pha trò với các bạn thuyền, ngư dân, mình là người bình thường, nhưng điện thoại réo liên tục. “Alo, tôi nghe đây.

Giờ con nước thủy triều đang lên, nếu anh em chuẩn bị xong rồi, chúng ta xuất phát trước 11 giờ, để kịp con nước lớn ra cửa lạch cho thuận lợi, tôi đang ở cửa biển chờ”, giọng ông Tiến sang sảng giữa sóng gió ầm ào nơi cửa biển.

Sau ngày giải phóng, người dân làng chài vùng biển Sa Cần hùn vốn đóng tàu thuyền ra khơi. Ngày ấy, tàu thuyền nhỏ, chứ không to như bây giờ, trong khi luồng lạch Sa Cần lúc đó lại nhỏ hẹp.

Bởi vậy, không ít trường hợp các tàu thuyền khi trở về bến gặp nạn, do bị mắc cạn, các ngư dân phải “bấm bụng” thả hàng tấn cá xuống biển để cứu tàu, sau đó vất vả kéo tàu ra khỏi bãi cạn.

Từ đó, ông Tiến "nhận nhiệm vụ" dẫn lối cho tàu thuyền ra vào cửa lạch được thuận lợi. Cho đến hôm nay, gần cả cuộc đời gắn bó với biển, giờ tóc đã điểm bạc, nhưng hằng ngày người "anh cả" của vùng biển vẫn vững tay chèo, vượt bao con sóng đưa nhiều lượt tàu vươn khơi.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top