Có doanh nghiệp phản ảnh đã bị đối tác nước ngoài gửi thư đòi trả tiền cọc và tiền bồi thường do không thể vận chuyển gạo đúng hẹn.
Liên quan đến việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch trong tháng 4/2020, nhiều doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn khi xuất khẩu gạo; trong đó có những bất cập trong thủ tục thông quan mới, gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có trụ sở tại Cần Thơ thông tin, đang có số lượng lớn gạo tồn cảng từ ngày 23/3 nhưng vào ngày 12/4, khi Hải quan tiếp nhận mở tờ khai, doanh nghiệp này chỉ đăng ký được một phần rất nhỏ.
Số container hàng đã đăng ký được tờ khai hiện nay cũng đang phải thực hiện thủ tục kiểm hóa theo quy trình: cân container, mở container, đưa gạo ra ngoài kiểm tra rồi đóng container lại.
Điều này vừa mất thời gian do vừa phải cử nhân sự tham gia và hơn hết là chi phí phát sinh lớn. Theo thông tin doanh nghiệp này phản ánh, tổng chi phí cho việc kiểm hóa một container là 1.955.000 đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Công ty Phước Thành 2 (Long An) cho biết, ngay thời điểm ngày 10/4 doanh nghiệp đã hoàn tất đóng hàng gạo vào container và vận chuyển về Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) tổng cộng hơn 1.000 tấn gạo để trả cho các hợp đồng xuất khẩu giao hàng trong tháng 3 và tháng 4.
Thế nhưng và thời điểm cổng hải quan điện tử tiếp nhận tờ khai, doanh nghiệp chỉ mở được tờ khai xuất khẩu cho 119 tấn gạo.
Trước đó, phía Hải quan đã tiến hành phân luồng đỏ cho toàn bộ tờ khai hải quan xuất khẩu gạo được mở trong ngày 12/4 để rà soát, đối chiếu thông tin về số container, số seal trên tờ khai hải quan với hàng hóa thực có tại cảng.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay tại các cảng, hải quan đang cho kiểm hóa một cách rất thủ công. Theo đó, các container dù đã được sắp xếp trong bãi chờ chuyển lên tàu đều phải cẩu xuống, cân lại, mở seal, đưa gạo ra để... nhìn, sau đó lặp lại quy trình đóng hàng, sắp xếp lại container.
“Với hàng nghìn container gạo đã đóng tại cảng từ trước ngày 23/3 cho tới nay, nếu cứ kiểm tra thủ công như vậy thì chắc phải vài tháng nữa cũng chưa kiểm xong. Chưa kể hải quan và doanh nghiệp phải huy động nhân sự để làm thủ tục và tham gia quá trình kiểm hóa. Toàn bộ chi phí cho quá trình này doanh nghiệp đều phải chi trả trong khi trước đó đã phải gánh rất nhiều phí lưu container, phí lưu bãi tại cảng suốt gần 1 tháng,” ông Khoa chia sẻ.
Một số doanh nghiệp đề xuất, việc rà soát, đối chiếu thông tin là cần thiết để đảm bảo sự minh bạch và tránh các trường hợp gian lận trong mở tờ khai hải quan.
Tuy nhiên, cơ quan hải quan hoàn toàn có thể thực bằng cách đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan với chứng thư giám định hàng hóa cấp cho container đang lưu cảng.
Nếu thông tin số container, số seal hai bên trùng khớp có thể cho thông quan. Chỉ những tờ khai hải quan không đủ thông tin về số container, số seal hoặc không xuất trình được giấy tờ cho thấy hàng đã có mặt tại cảng thì mới tiến hành kiểm hóa thực tế.
Như vậy vừa tiết kiệm được thời gian, nhân lực của hải quan, doanh nghiệp vừa giảm bớt gánh nặng chi phí phát sinh.
Liên quan tới hoạt động xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, công ty vừa bị một đối tác nước ngoài gửi thư đòi trả tiền cọc và tiền bồi thường do không thể vận chuyển gạo đúng hẹn.
Số tiền mà Trung An phải trả theo yêu cầu của khách hàng là 497.000 USD (gần 12 tỷ đồng).
Còn ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ (Long An) cho biết, công ty vừa có “đơn cầu cứu trước bờ vực phá sản” gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính...
Cụ thể, Công ty Dương Vũ chuyên chế biến gạo nếp và tấm nếp xuất khẩu, đã có thương hiệu và là một trong 20 doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng đầy đủ các các quy định xuất khẩu gạo chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Hiện, công ty đang thu mua, chế biến lúa nếp phục vụ xuất khẩu gạo nếp và tấm nếp chủ yếu vào thị trường Trung Quốc với tổng sản lượng trung bình 220.000 tấn/năm, tạo công ăn việc làm cho trên 400 cán bộ, công nhân viên.
Công ty đang bao tiêu sản phẩm lúa nếp cho nông dân hai tỉnh Long An và An Giang trên diện tích khoảng 50.000ha.
Về quyết định áp dụng hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020, doanh nghiệp này cho biết hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đặt vấn đề an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu.
Tuy nhiên, công ty đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) và lưu từ ngày 20/3 nhưng chưa kịp xuất khẩu do đặc thù hàng đi Trung Quốc phải khử trùng trong container tại kho 5 ngày.
Việc dừng xuất khẩu từ ngày 24/3 đã gây thiệt hại cho công ty vì thời gian hàng hóa lưu trong container hơn 23 ngày, nay tiếp tục lại không thể khai báo hải quan vì hạn ngạch đã hết.
Nếu kéo dài đến tháng 5, chất lượng hàng hóa sẽ xuống cấp, đồng thời khách hàng yêu cầu bồi thường và hủy hợp đồng nếu không giao hàng kịp trong tháng 4/2020… Hiện nhà máy phải dừng hoạt động.
Đối với vấn đề của Công ty TNHH Dương Vũ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3083/VPCP-KTTH về việc xử lý kiến nghị liên quan đến xuất khẩu gạo. Theo đó, văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Văn bản số 0499/PTM-PC ngày 16/4/2020 và Công ty TNHH Dương Vũ về các kiến nghị liên qua đến xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Dương Vũ để tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ngày 20/4/2020 .
Theo số liệu cập nhật về tình hình xuất khẩu gạo trên trang web của Tổng cục Hải quan, đến 18 giờ 30 ngày 17/4, đã có 6.810 tấn trong tổng số hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4 được thông quan.
Trước lùm xùm về xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm đại diện Cục an ninh kinh tế tổng hợp - Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Hiệp hội lương thực Việt Nam) làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị tiếp tục xuất khẩu gạo nếp
Mặt hàng lương thực dự trữ là thóc tẻ, gạo tẻ. Gạo nếp không nằm trong danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia được quy định tại Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 2629/BNN-TT phản hồi Công văn 2666/BCT-XNK của Bộ Công Thương về việc xuất khẩu gạo nếp. Trong công văn phản hồi này, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ đông xuân 2019-2020.
Trước đó, ngày 15/4, Bộ Công Thương đã gửi Công văn 2666/BCT-XNK tới Bộ Nông nghiệp và PTNT trong đó đề cập tới vấn đề: Gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không? Tác động, ảnh hưởng của gạo nếp được trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia.
Trả lời vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ Quốc gia. Theo đó, mặt hàng lương thực dự trữ là thóc tẻ, gạo tẻ. Gạo nếp không nằm trong danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia được quy định tại Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, vụ hè thu 2019, tỉnh Long An gieo trồng khoảng 64.000 ha, sản lượng ước 305.000 tấn lúa nếp, tương đương 183.000 tấn gạo nếp. Tại tỉnh An Giang, diện tích gieo trồng khoảng 27.000 ha, sản lượng ước 155.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 93.000 tấn gạo nếp.
Tổ chức nước ngoài hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu thanh long, chanh dây
IFC sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật mở rộng xuất khẩu những loại trái cây đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam, như thanh long và chanh day (chanh leo).
Mới đây IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) để hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây chất lượng cao của Việt Nam, giúp tăng thu nhập cho nông dân.
Theo thỏa thuận, trong 4 năm tới, IFC sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cải thiện khung pháp lý và các dịch vụ công để mở cửa các thị trường xuất khẩu mới cho 2 loại trái cây chủ lực của Việt Nam là thanh long và chanh dây.
Hai bên cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm của thanh long và chanh dây bằng cách cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khi thuế không còn là rào cản thương mại do các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, việc đáp ứng yêu cầu vệ sinh và kiểm dịch thực vật là vô cùng quan trọng để nông sản Việt Nam có thể thâm nhập thị trường xuất khẩu. "Việc hợp tác với IFC sẽ hỗ trợ thúc đẩy những nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu. Và sự thành công của dự án này sẽ là cơ sở để mở rộng áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp khác" – ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Trên cơ sở hợp tác với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Chính phủ Nhật Bản và Quỹ Tín thác Tăng trưởng Xanh Hàn Quốc trực thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC sẽ hỗ trợ triển khai một hệ thống trực tuyến về các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu thanh long và chanh dây vào năm 2022. Dịch vụ hạ tầng chất lượng cũng sẽ được cải thiện để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Những dịch vụ này bao gồm xây dựng tiêu chuẩn, kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn cho các sản phẩm thanh long và chanh dây tươi và chế biến để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
"Tiếp cận các thị trường mới và đa dạng không chỉ giúp tăng doanh thu xuất khẩu và mở rộng sản xuất, mà còn cải thiện khả năng chống chịu của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trước những sụt giảm đột ngột về nhu cầu ở một số thị trường do các cuộc khủng hoảng gây ra, như đại dịch Covid-19 hiện nay" - ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.