Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 3 năm 2020 | 19:42

Tin NN: Nguồn cung thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh sau tháng Sáu

Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi cùng với việc đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi có đủ điều kiện, dự kiến hết tháng Sáu, nguồn cung thịt lợn mới có khả năng tăng mạnh.

ttxvnnguoncungthitlon.jpg
Dây chuyền giết mổ lợn ở nhà máy của Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh)

 

Nguồn cung thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh sau tháng Sáu

Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi cùng với việc đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi có đủ điều kiện, dự kiến hết tháng Sáu, nguồn cung thịt lợn mới có khả năng tăng mạnh.

Trước tình hình giá thịt lợn vẫn còn ở mức cao, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, để kiểm soát được giá trên thị trường thì cần đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng được bình ổn giá.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa thịt lợn vào loại mặt hàng bình ổn giá.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nếu trở thành mặt hàng bình ổn giá thì sẽ có sự kiểm soát giá đầu vào, đầu ra, khống chế giá tối thiểu, tối đa. Nếu không đưa thì sẽ rất khó kiểm soát được.

Đầu tháng Ba, giá lợn hơi đã tăng mạnh trở lại sau một thời gian Chính phủ, Bộ kêu gọi các doanh nghiệp lớn giảm giá xuống 75.000 đồng/kg.

Gần đây, Bộ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đưa giá lợn xuống khoảng 70.000 đồng/kg. Từ đó, đến nay, giá lợn trên thị trường có xuống nhưng chậm.

Hiện, giá lợn trên thị trường miền Bắc như Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, vẫn giao động ở mức 82.000-83.000 đồng/kg; tại Hưng Yên, Hải Dương khoảng 80.000-81.000 đồng/kg; các tỉnh Lào Cai, Yên Bái giá heo hơi vẫn giữ ở mức cao 85.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn ở Đồng Nai giữ ở mức 83.000 đồng/kg; Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh… khoảng 80.000-82.000 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã đồng hành trước việc kêu gọi của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm giá lợn, nhưng theo ông Nguyễn Văn Trọng, không phải tất cả các doanh nghiệp đều đồng hành. Việc bán qua tay nhiều khâu nên đến người giết mổ còn cao.

Các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam… vẫn bán giá dao động 74.000-75.000 đồng/kg. Nhưng đó là giá cấp 1 và cấp này còn bán lại cho các cấp thấp hơn và về đến người giết mổ nên giá có tăng. Do vậy, còn quá nhiều khâu lưu thông.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi để nuôi to hơn nên cũng sẽ tạo sự khan hàng. Trong khi trước đó, vào dịp Tết đã có lượng cung ra tương đối nhiều mà dịch tả lợn châu Phi còn phức tạp, người dân chưa tái đàn được nhiều vì nhiều nơi chưa công bố hết dịch. Như vậy, sau Tết sẽ có khoảng thời gian thiếu hụt.

Ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết hưởng ứng sự kêu gọi của Chính phủ, Bộ, giá lợn của Công ty đã luôn thấp hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg thậm chí có thời điểm đến 10.000 đồng/kg.

Công ty luôn đồng hành với chủ trương, kêu goi của Nhà nước nhưng nếu chỉ với một mình Công ty hay một vài doanh nghiệp nữa thì cũng không thể làm cho giá trên thị trường có thể thấp được.

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chỉ bán cho những khách hàng đã gắn bó lâu năm, thường xuyên với doanh nghiệp, nhưng khi ra thị trường, các thương lái cũng bán ra nhiều các kênh khác nhau nên giá cao hơn. Khi thị trường có nhu cầu tăng thì công ty cũng cung cấp tăng 10%.

Tuy nhiên, việc xuất ra thị trường còn phụ thuộc vào tuần tuổi của lợn. Nếu xuất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc liên kết với người chăn nuôi cũng như thu nhập, sự trống chuồng của họ.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương rất tốt. Hiện đã có trên 99% các xã đã qua 30 ngày không có dịch tả lợn châu Phi nên các địa phương phải sớm công bố hết dịch để làm điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn.

“Nếu địa phương không công bố thì người dân sẽ không được nuôi. Sau khi công bố, địa phương cần tiếp tục kiểm soát các điều kiện chăn nuôi để chăn nuôi an toàn sinh học,” ông Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh.

Cái khó trong đẩy mạnh tái đàn theo ông Nguyễn Văn Trọng là đàn nái còn lại nằm chủ yếu các doanh nghiệp. Do đó, con giống trước hết sẽ được dùng để phục vụ họ. Giá lợn giống hiện rất cao, từ 2,5-3 triệu/con.

Nếu người dân đầu tư vào thì 6 tháng sau, giá lợn sẽ không được như hiện nay. Nên người chăn nuôi sẽ nuôi thêm 1 tháng đến 1,5 tháng để tăng được thêm 25-30kg vẫn có hiệu quả hơn là vào đàn mà khó mua con giống.

Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay cùng với việc đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hộ có đủ điều kiện, ông Nguyễn Văn Trọng dự kiến phải ngoài tháng Sáu, nguồn cung thịt lợn mới có khả năng tăng mạnh.

Trước việc một số doanh nghiệp lớn chưa vào cuộc trong những kêu gọi của Chính phủ, Bộ về giảm giá lợn, ông Nguyễn Văn Trong cho biết, Lãnh đạo Bộ cũng đã và tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp này.

Với các doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán thì cần kiểm tra thuế. Việc thực hiện đóng thuế của doanh nghiệp như thế nào khi giá thành và giá bán có sự chênh lệch cao. Như vậy, để kiểm tra vấn đề này rất cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính.

Đáp ứng thêm nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước, từ đầu năm đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhập khẩu tăng mạnh nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn chưa giảm nhiều, ông Trọng cho rằng, thịt lợn nhập khẩu về không bán được cho người tiêu dùng trực tiếp.

Do tập quán tiêu dùng của người Việt Nam là sử dụng thịt nóng, nên nhiều sản phẩm nhập về cũng không hoàn toàn là chính phẩm thịt lợn mà là móng giò, đuôi…

Sản phẩm thịt nhập về chủ yếu cho chế biến thành xúc xích, dămbông… là chính. Tuy nhiên, nguồn nhập khẩu này cũng góp phần nào giảm bớt phần thịt tươi vào chế biến.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị Bộ Công Thương, Tham tán thương mại các nước hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang là thị trường có nhu cầu nhập khẩu quá lớn, giá cũng cao nên Việt Nam không là thị trường hấp dẫn.

Bộ Nông nghiệp: Nhập khẩu thịt lợn đã tăng trên 200%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Canada tăng 29%, Đức trên 19%, Ba Lan 12%, Brazil 12%, Hoa Kỳ 5,5%.

 

ttxvn_ha_noi_gia_thit_lon_giam_nhung_suc_mua_khong_tang_4384697.jpg
Người tiêu dùng mua thịt sạch tại siêu thị Vinmart. (Ảnh: Đỗ Phương Anh)

 

Bên cạnh đó, thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu cũng tăng khá. Thịt bò đạt hơn 14.160 tấn, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2019; thịt trâu 19.356 tấn, tăng 128%. Thịt trâu nhập khẩu 100% từ Ấn Độ; thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Australia, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Canada, Đan Mạch...

Thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu đạt hơn 48.300 tấn; tăng 86% so với cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm này chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Tây Ban Nha...

Ngoài ra, nhập khẩu thịt dê, cừu và sản phẩm thịt dê, cừu cũng đạt hơn 72 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Cục Thú y cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, do thời gian tái đàn cần từ 5-7 tháng, nên từ tháng 3/2020 trở đi sản lượng thịt lợn sẽ tăng; trong đó có chỉ đạo chăn nuôi tăng cả trọng lượng lợn và số lượng lợn.

Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương để phối hợp, hướng dẫn việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Đối với nguồn thịt lợn nhập khẩu, Cục Thú y đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.

Cục Thú y cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để ứng phó với dịch bệnh, thiên tai

Những thách thức như dịch bệnh, thiên tai đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại một cách toàn diện, để vừa khai thác lợi thế, vừa phát triển ổn định.

Ngay trong những tháng đầu năm 2020, nhiều yếu tố thiên tai, hạn, mặn diễn ra gay gắt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt thì dịch cúm gia cầm lại xuất hiện ở nhiều tỉnh trên cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đối với ngành nông nghiệp.

 

ttxvn_nganh_nong_nghiep_1.jpg
Mô hình sản xuất rau bắp cải xuất khẩu sang Nhật Bản của Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Nguyễn Chinh)

 

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát tại một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo các địa phương kiểm soát, đối phó với hạn, mặn.

Đối với khâu tiêu thụ, dịch COVID-19 tiếp tục tác động bất lợi khiến nhiều mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu gặp không ít khó khăn.

Những thách thức trên đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại một cách toàn diện, để vừa khai thác lợi thế, vừa phát triển ổn định gắn với thị trường, chuỗi giá trị.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo hạn mặn có khả năng vẫn tiếp tục và không còn theo quy luật (thường 5 năm lặp lại như trước đây). Do đó, con người cần chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái biến đổi đó, điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhưng phải gắn kết trong chuỗi sản xuất.

Tư duy đó đã được Thủ tướng Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chương trình, kế hoạch phát triển của Trung ương, địa phương, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp và người dân đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu theo hướng thuận thiên.

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh trong vùng cần có lộ trình, bước đi trước mắt và lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công nghiệp, dịch vụ, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để các lĩnh vực này đem lại hiệu quả; phấn đấu đóng góp hoàn thành mục tiêu đạt 42 tỷ USD xuất khẩu nông sản cả nước trong năm 2020.

Ngoài ra, các địa phương tận dụng tốt cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch sẽ đưa ra tất cả những cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa-trái cây-thủy sản, nhưng sau năm 2020, trục sản xuất sẽ là thủy sản-trái cây-lúa. Như vậy, lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản.

"Muốn xoay được trục này, phải tận dụng được cơ hội, xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này. Nếu thủy lợi không phục vụ được thì không làm được vì hạ tầng quyết định tái cơ cấu," Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ ra./.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top