Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây, xã Chiềng San (Mường La, Sơn La) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… nâng cao thu nhập cho người dân.
Nông dân xã Chiềng San (Mường La) thu hoạch chuối. Ảnh: Báo Sơn La
Ông Cầm Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Chiềng San cho biết: Để giúp người dân phát triển kinh tế, xã đã bám sát các chủ trương của huyện, tỉnh, triển khai nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn người dân đưa những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế những cây lương thực kém hiệu quả; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa...
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con; tạo điều kiện để bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Trong năm nay, từ nguồn vốn của các Chương trình 135, 30a, nông thôn mới, xã đã giao hơn 18.000 cây giống xoài, nhãn cho các hộ dân ở các bản Nong Luồng, Keo Ớt, bản Lâm, bản Chiến để đưa vào sản xuất.
Được biết, hiện, toàn xã có 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 80 ha lúa nước 2 vụ, 492 ha ngô, 66 ha sắn, hơn 100 ha chuối và hơn 15 ha rau màu các loại. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, từ năm 2017 bà con đã cải tạo vườn tạp, trồng mới gần 100 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là xoài, nhãn... nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã lên hơn 600 ha, sản lượng ước gần 1.000 tấn quả các loại/năm.
Bên cạnh đó, bà con còn tu sửa, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Ngoài nguồn thức ăn từ rơm rạ, cây chuối... người dân còn trồng hơn 60 ha cỏ voi VA06 để làm thức ăn cho gia súc. Từ đầu năm đến nay, cán bộ thú y xã phối hợp với các bản tiêm 2.600 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò; 650 liều vắc xin phòng dịch tả lợn; phun 114 lít tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, duy trì mô hình chăn nuôi lợn rừng với 124 con ở bản Pá Chiến; chăn nuôi thỏ ở bản Chiến, với tổng đàn 700 con... Hiện, tổng đàn vật nuôi toàn xã lên 1.800 con trâu, bò, 1.470 con dê, hơn 1.780 con lợn và trên 12.500 con gia cầm. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 27%.
Nong Luồng là bản phát triển kinh tế khá của xã, nhiều hộ dân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và trồng trọt, như hộ gia đình các ông: Lò Văn Cường, Lò Văn Giá, Lò Văn Mẳn.... Trưởng bản Lò Văn Sen cho biết: Bản có 200 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Thái. Hằng năm, bà con thâm canh 200 ha ngô, 25 ha lúa nước 2 vụ, 20 ha chuối, tổng sản lượng lương thực ước hơn 700 tấn/năm. Đồng thời, duy trì nuôi trên 600 con gia súc và hơn 4.000 con gia cầm. Các hộ dân trong bản đã liên kết với doanh nghiệp ghép cải tạo vườn xoài, quy mô 20 ha và trồng mới 20 ha xoài, hiện diện tích này đang phát triển tốt.
Lào Cai thêm những mùa quả ngọt
Giữa tháng 11, những nhân công làm ở Hợp tác xã Trọng Tín (thành phố Lào Cai) tranh thủ thu hoạch vụ dưa vân lưới cuối trong năm nay, trước khi gieo trồng vụ mới. Những quả dưa căng tròn, thơm mát được vận chuyển từ nhà lưới về nhà, trước khi được phân loại và chuyển tới tay người tiêu dùng. Đây là một trong những sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh.
Lựa chọn dưa vân lưới theo đơn đặt hàng của khách hàng. Ảnh: Báo Lào Cai
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lã Minh Quang, Giám đốc Hợp tác xã Trọng Tín, cho biết: Xuất phát từ sở thích gắn bó với nông nghiệp, thời điểm những năm 2013 – 2015, anh cùng một số người cùng sở thích nghiên cứu trồng cây thủy canh. Năm 2016 – 2017, nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm dưa lưới, anh bắt tay vào trồng thử nghiệm. Tháng 10/2017, Hợp tác xã Trọng Tín được thành lập với 7 thành viên. Sau khi thử qua hàng chục loại giống để đánh giá chất lượng, sự phù hợp của cây trồng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Đồng Tuyển, anh quyết định lựa chọn sản phẩm dưa vân lưới làm hướng phát triển kinh tế.
Ban đầu, khu trồng dưa lưới của Hợp tác xã có diện tích khoảng 1.200 m2. Về sau, khi nhận thấy nhu cầu của thị trường tăng cao, Hợp tác xã mở rộng quy mô, đầu tư làm vườn thứ 2, nâng tổng diện tích lên gần 4.000 m2. Tại đây, dưa được trồng trong nhà lưới, có hệ thống tưới nước tự động, thường xuyên được chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh hại. Theo đánh giá, cây dưa vân lưới phù hợp với điều kiện ở Đồng Tuyển, tuy nhiên lại đòi hỏi người trồng phải nắm được kỹ thuật chăm sóc, bởi cây khá “khó tính”, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện độ ẩm phù hợp, nhiệt độ cao. Ngoài ra, cây dễ mắc một số bệnh như sương mai, phấn trắng, sâu ăn lá... ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng. Chính vì vậy, 2 vườn dưa của Hợp tác xã luôn có người theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Thông thường, mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 3 tháng, từ lúc dưa bắt đầu được trồng đến khi thu hoạch. Trọng lượng quả trung bình khi thu hái đạt từ 1,2 kg – 1,4 kg. Đầu ra của sản phẩm dưa vân lưới khá ổn định. Hiện sản phẩm được bán cho thị trường quanh thành phố Lào Cai. Với quy trình sản xuất đảm bảo, chất lượng quả thơm, ngon, có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm dưa vân lưới được nhiều người mua về cho gia đình, xuất hiện trong các cửa hàng hoa quả và bày bán tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (khu vực chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai). Cùng với việc bày bán các sản phẩm OCOP đến từ nhiều địa phương, sự xuất hiện của sản phẩm dưa vân lưới của Hợp tác xã Trọng Tín trên kệ hàng càng làm phong phú thêm mặt hàng nông sản để người tiêu dùng lựa chọn khi đến đây.
Để ươm những mùa quả ngọt trên đồng đất ở Đồng Tuyển, bản thân anh Quang và các thành viên trong Hợp tác xã luôn suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường và tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng. Sự thành công hay thất bại của mỗi vụ dưa đều là những bài học kinh nghiệm quý cho Hợp tác xã trong những vụ dưa sau. Với chất lượng đảm bảo, giá bán sản phẩm chính vụ hay trái vụ dao động trong khoảng 50.000 - 65.000 đồng/kg, sức tiêu thụ tương đối ổn định, sản phẩm dưa vân lưới đang từng bước tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.
Anh Lã Minh Quang, Giám đốc Hợp tác xã Trọng Tín chia sẻ thêm: Để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tôi nghiên cứu và tham gia sân chơi OCOP. Tôi hy vọng, với việc được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ mở ra những cơ hội, tạo điều kiện để sản phẩm dưa vân lưới của Hợp tác xã nói riêng và các sản phẩm từ các địa phương, đơn vị khác nói chung vươn mình, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Bình Lư vào vụ sản xuất miến dong
Đã thành thông lệ, thời điểm tháng 11, người dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường, Lai Châu) lại bắt tay vào vụ sản xuất miến dong. Năm nay, nhiều hộ đầu tư máy cán sợi nhỏ, mịn để cung cấp ra thị trường sản phẩm miến mềm, dai, mang hương vị đặc trưng của củ dong giềng trên đất Bình Lư.
Ảnh: Báo Lai Châu
Xã Bình Lư có trên 70 hộ đang vào vụ sản xuất miến dong. Các hộ sản xuất miến tập trung nhiều ở các bản: Hoa Lư, Thống Nhất và Vân Bình.
Bản Thống Nhất có trên 30 hộ duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh miến. Để sản phẩm miến dong ngon, bà con đúc kết kinh nghiệm chọn địa điểm phơi sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời, thiết kế giá phơi để tránh bụi và cách ly độ ẩm. Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy sản xuất miến dong nhằm giảm công lao động, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng và hương vị. Nhờ cải tiến công nghệ sản xuất, bà con duy trì, phát huy làng nghề làm miến cho thu nhập cao.
Đơn cử, gia đình anh Trần Duy Tôn hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống. Trước đây, anh chưa cải tiến công nghệ sản xuất miến dong, năng suất thấp, lợi nhuận không đáng là bao. Năm nay, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy với công suất 70kg/ngày/2 lao động và đầu tư mới hơn 200 phên liếp phơi miến. Từ công nghệ này, gia đình anh thành công với nghề sản xuất, kinh doanh miến dong cho thu nhập cao. Anh Tôn tâm sự: “Tranh thủ thời tiết nắng ấm, từ đầu tháng 11 đến nay, gia đình tôi vào vụ sản xuất miến dong. Sản phẩm miến của gia đình sợi nhỏ, dẻo dai, thơm ngon và sản xuất miến dong đến đâu, tư thương đặt mua hết đến đó với giá ổn định 45 nghìn đồng/kg. Tôi không lo đầu ra sản phẩm miến nên yên tâm nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Để cung ứng một lượng lớn sản phẩm miến dong cho thị trường trước tết Nguyên đán Canh Tý, thời điểm này, bản Vân Bình cũng sôi động chạy đua với thời gian. Tất cả các khoảng đất trống trước sân, vườn, người dân thiết kế giàn cao để làm nơi phơi miến.
Hiện, các hộ làm miến mua tinh bột dong với giá 25 triệu đồng/tấn (tăng từ 2 - 3 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước); nhưng bù lại, bà con có thể bán miến với giá ổn định 45 nghìn đồng/kg. Sau mỗi vụ miến, hộ lãi ít thu từ 20 - 30 triệu đồng; hộ lãi nhiều thu hàng trăm triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Lư Hoàng Văn Phưởng: “Trước mỗi vụ sản xuất miến dong, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con sản xuất, chế biến gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm; chọn nước làm miến hợp vệ sinh, rửa sạch dụng cụ trước khi làm miến. Đồng thời, đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm giảm sức lao động, giảm nguồn nhiên liệu và đảm bảo chất lượng, hương vị. Nhờ đó, tạo dựng được sản phẩm miến dong đặc sản của địa phương có thương hiệu trên thị trường”.
Nhiều giống rau mới cho thu nhập cao
Có kinh nghiệm trồng rau hàng chục năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Kết ở khu 21, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao mỗi năm thu trên 30 triệu đồng từ sản xuất rau vụ đông. Gần 2 năm trở lại đây, bên cạnh các loại rau truyền thống, bà đã tìm hiểu và đưa vào trồng một số loại rau mới, có năng suất, chất lượng cao như cải mỡ xanh, rau bí ngọt, cà chua F1, bắp cải Hà Lan…
Giống rau mùi F1 là rau gia vị có năng suất cao, chất lượng tốt được một số người dân ở khu Tân Đức, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì đưa vào trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Phú Thọ
Bà Kết cho biết: Các loại rau truyền thống vốn quen thuộc, nên ngày càng có nhiều người trồng khiến giá thành giảm xuống, đặc biệt là vào chính vụ, các loại rau vụ đông như cải bắp, xu hào, cải ăn lá… giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng đến 4.000 đồng/kg; người trồng rau gần như không có lãi. Qua sự tìm hiểu, tôi được biết bây giờ có nhiều loại rau mới có giá trị dinh dưỡng cao, năng suất tốt lại có hiệu quả kinh tế nên tôi tìm mua và đưa vào trồng. Với giá bán từ 12.000 đồng đến 20.000 đồng/kg tùy loại rau, nhất là từ khi ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho HTX rau an toàn Tứ Xã thì gia đình tôi hoàn toàn không phải lo đầu ra, yên tâm sản xuất và có nguồn thu ổn định.
Ông Hà Thanh Minh - Chủ tịch UBND xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa nhận xét: Từ thực tế cho thấy, trồng rau vụ đông, đặc biệt là trồng theo phương thức an toàn sẽ cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng ngắn ngày khác, nhất là do chi phí đầu tư thấp, nhiều loại rau có thể thu hoạch nhiều lần nên tổng thu nhập tăng. Vì thế, chủ trương của huyện, của xã là khuyến khích bà con tập trung sản xuất vụ đông, tìm hiểu các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương và có thể nhân rộng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.