Anh Nguyễn Sỹ Điền, khu Hậu Cường, xã Cao Xá trồng 700 gốc ổi, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Thực hiện chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, hoa màu, cho thu nhập cao đang là hướng đi tích cực được nhiều địa phương áp dụng. Điển hình như mô hình trồng ổi ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ).
Trước đây, những vùng đất cao, hạn, khó lấy nước trên địa bàn xã Cao Xá thường bị bỏ hoang, không sử dụng. Đến năm 2010, sau một lần về thăm quan mô hình trồng ổi ở Hưng Yên, anh Nguyễn Sỹ Điền, khu Hậu Cường, xã Cao Xá đã là người đầu tiên mạnh dạn đưa cây ổi về trồng trên chính mảnh đất quê hương mình. Lúc đầu anh Điền trồng thử 250 gốc ổi, thấy ổi nhanh lớn, sau 1 năm đã cho thu hoạch, đến nay gia đình anh đã có hơn 700 gốc ổi, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Điền chia sẻ: “Theo kinh nghiệm, muốn ổi đạt chất lượng cao, quả to thì phải chăm bón từ lúc mới ra hoa, thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để rễ cây ổi phát triển, đồng thời thường xuyên cắt tỉa những cành đã từng ra quả, giúp cây ra mầm mới và ra quả mới sẽ to và chất lượng hơn. Khi hoa đậu quả được 1 tháng thì dùng túi xốp bọc bên trong quả và túi nilon bọc bên ngoài để hạn chế sâu bệnh, khoảng 25 đến 50 ngày sau thì có thể thu hoạch được, giá ổi bán ra thường được từ 15- 20 nghìn đồng/kg”.
Gia đình ông Quách Văn Thuận ở khu Dương Khê Đông cũng là hộ chuyển đổi đất không hiệu quả sang trồng ổi từ năm 2014, với diện tích hơn 1 mẫu ruộng ông trồng hơn 600 gốc ổi, chủ yếu là giống ổi lai lê Đài Loan đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ông Thuận chia sẻ: “Giống ổi lai lê Đài Loan là giống ổi mới, dễ trồng, tốn ít phân bón, công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận kinh tế đem lai cao, cây tự ra hoa đậu trái cho thu hoạch quanh năm và có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm. Mỗi giống ổi đều có vị ngon khác nhau, nhưng ổi lai lê Đài Loan là giống đang được khách hàng ưa chuộng nhất với đặc tính quả to, mền, giòn, ngọt dễ tiêu thụ”.
Hiện, trên địa bàn xã Cao Xá có trên 20 hộ tham gia mô hình trồng ổi. Các giống ổi được trồng chủ yếu là ổi lai lê Đài Loan, ổi Đông Dư và ổi Bo. Ổi là giống cây ăn quả dễ trồng, ít công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương lại cho năng suất cao, ổi trồng được khoảng 1 năm thì bắt đầu cho thu hoạch, trái ngon, ngọt, cùi giòn, giá cả ổn định.
Ông Hoàng Ngọc Tín – Trạm trưởng trạm khuyến nông xã cho biết: Hiện, trên địa bàn xã diện tích đất xấu, không đem lại hiệu quả kinh tế còn khá lớn, nên nhiều hộ đã chuyển đổi cải tạo đất xấu sang trồng chuyên canh giống ổi này. Tăng cường tuyên truyền giúp nông dân đẩy mạnh cải tạo đất kém hiệu quả, tìm hiểu một số giống cây trồng mới phù hợp như cây ổi, chanh, quất, các giống dưa... đem lại hiệu quả kinh tế cao.Thời gian tới, trạm khuyến nông cũng đang đề xuất thành lập các tổ hợp tác chuyên canh cây trồng, giới thiệu đầu ra, xây dựng thương hiệu sản phẩm giúp phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương”.
Lào Cai: Ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ măng sặt
Ngày 5/7, Ban Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn tổ chức ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ măng sặt giữa các nhóm nông dân với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ký kết hợp tác sản xuất măng sặt với đại diện nhóm đồng sở thích. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo đó, Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi (Hòa Bình) ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ măng sặt với 11 nhóm nông dân đồng sở thích của hai xã Nậm Xây, Nậm Xé (Văn Bàn). Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi có trách nhiệm thu mua sản phẩm măng sặt đúng theo tiêu chuẩn cam kết và trọng lượng thu hoạch thực tế; phối hợp với các nhóm đồng sở thích tổ chức thu mua phù hợp với thời gian thu hoạch và kế hoạch giao nhận. Các nhóm đồng sở thích phải tuân thủ quy trình canh tác theo yêu cầu của Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi và khuyến cáo của ngành nông nghiệp; giao, bán sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn về phẩm chất, trọng lượng (theo thực tế thu hoạch), đúng thời gian, địa điểm giao hàng đã được thống nhất; cung cấp cho Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi các thông tin về quá trình canh tác, thời gian thu hoạch, địa điểm giao nhận sản phẩm.
Ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ măng sặt giữa các nhóm nông dân với doanh nghiệp là một trong những nội dung của Dự án Xây dựng vùng nguyên liệu trồng mặng sặt gắn với chuỗi giá trị của Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi nhằm cải thiện vị thế kinh tế cho phụ nữ huyện Văn Bàn do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn triển khai thực hiện, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn đối ứng ngân sách địa phương.
Mục tiêu của dự án là sẽ có 528 phụ nữ, trong đó có 280 phụ nữ dân tộc thiểu số của hai xã Nậm Xây, Nậm Xé được hưởng lợi, tự tin tham gia hoạt động sản xuất măng sặt; 90% hộ dân tăng thu nhập từ trồng, khai thác, sơ chế măng sặt; khai thác măng sặt bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn.
Si Ma Cai: Hỗ trợ hơn 1,7 tấn ngô giống khắc phục thiệt hại do hạn hán
Trong tháng 5 và tháng 6, trên địa bàn huyện Si Ma Cai (Lào Cai) nắng nóng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng; trong đó, gần 103 ha ngô bị thiệt hại do hạn hán. Để người dân trồng lại diện tích bị hỏng, UBND huyện đã tổ chức hỗ trợ 1.789 kg ngô giống.
Diện tích ngô bị ảnh hưởng do hạn hán tập trung chủ yếu tại xã Bản Mế, trong đó diện tích bị ảnh hưởng trên 70% là 49,11 ha của 110 hộ; diện tích bị ảnh hưởng từ 30% - 70% là hơn 53,85 ha của 152 hộ.
Được biết, giống ngô được người dân xã Bản Mế trồng trong vụ này chủ yếu là giống ngô địa phương và một số giống ngô lai, có khả năng chống hạn kém, nên sau khi trồng khoảng 1 tháng cây có hiện tượng cháy lá và chết; một số diện tích ra bắp nhưng thưa hạt.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Giống ngô được huyện Si Ma Cai hỗ trợ cho nhân dân trong đợt này là giống ngô lai Bioseed 9698, có chu kỳ sinh trưởng ngắn (từ 100 – 110 ngày), với mật độ cây tăng trưởng đồng đều, không kén đất, chống hạn tốt, dễ trồng, cho năng suất từ 60 – 65 tạ/ha.
Nông dân Nậm Nhùn tích cực sản xuất vụ mùa
Vụ mùa năm nay, theo kế hoạch, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) thực hiện gieo cấy 926ha lúa. Đảm bảo tiến độ sản xuất, quyết tâm dành thêm vụ lúa thắng lợi, chính quyền các cấp huyện Nậm Nhùn tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt ngay từ khâu làm đất và gieo cấy.
Theo kế hoạch, vụ lúa mùa năm nay, nông dân trong huyện gieo cấy 926ha lúa, (tăng gần 40ha so với vụ mùa năm 2018 do nông dân khai hoang thêm). Trong đó, 259ha lúa cấy, còn lại gieo thẳng với cơ cấu giống chủ yếu là hương thơm số 1, PC6, lúa thuần địa phương… tập trung ở các xã: Nậm Hàng, Nậm Ban, Nậm Manh, Trung Chải.
Hỗ trợ nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cấp hơn 1.440kg giống lúa các loại (theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống). Chị Phan Thị Dung – cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: “Theo đúng khung thời vụ, bà con thực hiện gieo, cấy trà sớm từ ngày 5 – 10/6; trà chính từ 11/6 kéo dài đến trung tuần tháng 7; trà muộn gieo, cấy xong trước ngày 20/7. Đến nay, nông dân tiến hành làm trên 80% đất và gieo cấy hơn 261ha lúa; diện tích lúa trà sớm đang phát triển tốt. Đang là thời gian cao điểm của mùa mưa, thường xuyên xảy ra sạt lở vùi lấp hoa màu, Phòng khuyến cáo nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, thường xuyên thăm đồng, chủ động khôi phục các diện tích lúa bị hư hỏng do mưa lũ. Lên kế hoạch hướng dẫn bà con làm cỏ, bón thúc cho lúa theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo cây hấp thụ đủ chất dinh dưỡng”.
Điện Biên: Hiệu quả các giống lúa mới
Huyện Ðiện Biên là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của tỉnh, mỗi vụ toàn huyện gieo cấy từ 4.000 - 5.000ha lúa. Ðể nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị lúa gạo, những năm qua huyện đã chủ động khảo nghiệm, thử nghiệm và đưa các giống lúa mới phù hợp vào sản xuất thay thế cho các bộ giống cũ đã thoái hóa. Bước đầu, những giống lúa mới đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) chăm sóc lúa Séng cù sau khi gieo cấy. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Thực tế trong những năm qua, trên địa bàn huyện Ðiện Biên cơ cấu bộ giống trong một mùa vụ còn khá bất cập, trong đó nhiều loại giống được sử dụng liên tục trong nhiều năm đã có dấu hiệu bị thoái hóa, dễ bị sâu bệnh gây hại. Ðiều đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng lúa. Trước những bất cập đó, ngành Nông nghiệp huyện Ðiện Biên đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khảo nghiệm, thử nghiệm đưa các giống lúa mới vào sản xuất, thay thế dần những giống lúa cũ, kém năng suất, giá trị thấp. Qua khảo sát, đánh giá những giống lúa này khá phù hợp với đất và điều kiện khí hậu của vùng.
Vụ đông xuân 2018-2019, huyện Ðiện Biên gieo cấy gần 5.100ha thì giống Séng cù chiếm tỷ lệ nhiều thứ 2 với 845ha, chỉ sau Bắc thơm số 7 với 932ha. Ban đầu, khi triển khai đưa giống lúa chất lượng cao Séng cù vào sản xuất, người dân hoài nghi không hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Thế nhưng, sau vài vụ sản xuất, giống Séng cù cho năng suất và sản lượng không thua kém các loại giống khác, trong khi giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Cụ thể, năng suất giống Séng cù trung bình đạt từ 55-65 tạ/ha và giá thóc được thu mua trung bình từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, trên 20.000đồng/kg gạo.
Ðánh giá về hiệu quả các giống lúa mới, ông Chu Văn Bách cho biết: Ðến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều giống lúa mới được khảo nghiệm, đưa vào gieo cấy và được người dân tin tưởng sử dụng, như: Séng cù, HaNa 112, Ðông A1, ADI 168, ADI 28, Dự Hương, Phúc Thái 168… Qua đánh giá, các giống lúa mới này đều cho năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao. Với những hiệu quả ban đầu, trong thời gian tới huyện Ðiện Biên sẽ tiếp tục đánh giá, khảo nghiệm để đổi mới cơ cấu bộ giống nhằm tăng năng suất và chất lượng lúa trên địa bàn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…