Để phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường, ngoài xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thì việc xây dựng thương hiệu nhằm ổn định khâu tiêu thụ nông sản là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.
Sản phẩm mật ong núi đá Xuân Quang được tiêu thụ ổn định nhờ có nhãn hiệu và mẫu mã bắt mắt. Ảnh: Báo Lào Cai.
Năm 2018, trung tâm đã hỗ trợ người nuôi ong xã Xuân Quang (Bảo Thắng) thực hiện mô hình nuôi ong mật theo Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên, giai đoạn 2016 - 2018”. Các hộ tham gia được cung cấp giống, vật tư, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ong tốt, an toàn (VietGAP). Đến nay, các đàn ong thuộc mô hình cho năng suất 18,28 kg mật/đàn/năm (cao hơn đối chứng 2,28 kg/đàn/năm), thu nhập tăng 2,66 triệu đồng/đàn/năm.
Hầu hết các hộ nuôi ong đã thành thạo kỹ thuật, có tay nghề, tạo ra sản lượng mật ong ổn định, chất lượng, an toàn. Hiện tại, xã Xuân Quang đã thành lập được tổ hợp tác mật ong núi đá gồm 10 hộ thành viên. Mỗi năm, tổ hợp tác sản xuất hơn 2.000 lít mật ong. Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2019, trung tâm tiếp tục tư vấn, hỗ trợ người nuôi ong hoàn thiện sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho mật ong Xuân Quang. Nhãn hiệu mật ong núi đá Xuân Quang đã và đang có chỗ đứng trên thị trường với lượng tiêu thụ ổn định, ngày càng tăng.
Để xây dựng được nhãn hiệu mật ong núi đá Xuân Quang có sự vào cuộc tích cực của các cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Anh Cao Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác mật ong núi đá cho biết: Hơn 10 năm theo nghề nuôi ong lấy mật, tôi mất khá nhiều thời gian, công sức tiếp cận thị trường, nhưng do chưa có nhãn mác, thương hiệu nên phần lớn sản phẩm mật ong thường chỉ được bán thô cho các thương lái dưới xuôi, sau đó họ đóng chai và bán giá cao hơn. Tôi từng vài lần định làm tem mác, thương hiệu cho sản phẩm nhưng “lực bất tòng tâm” bởi không biết phải bắt đầu từ đâu, thủ tục như thế nào.
Nhờ cán bộ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh giúp đỡ, tổ hợp tác của anh Chiến đã thực hiện các bước theo đúng quy trình, như thành lập tổ hợp tác, gửi mẫu đi phân tích đánh giá chất lượng sản phẩm, lựa chọn mẫu chai, nhãn mác, hộp đựng và làm các trình tự thủ tục công bố nhãn hiệu... Đặc biệt, bao bì sản phẩm còn được in song ngữ (Việt - Anh), tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, khu trưng bày, phục vụ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài và xuất khẩu. Nhãn hiệu chính là “giấy thông hành” để sản phẩm mật ong của tổ hợp tác tiếp cận với thị trường, nhất là tại các cửa hàng, siêu thị lớn trong cả nước.
“Với việc xây dựng thành công nhãn hiệu, giá bán của mật ong Xuân Quang đã tăng 20% so với trước kia. Sản phẩm được khách hàng nhiều nơi biết đến, một số siêu thị lớn của Lào Cai và Hà Nội đặt hàng với số lượng lớn” - anh Chiến nói.
Dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, người trồng quế ở xã Nậm Đét (Bắc Hà) cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể tinh dầu quế hữu cơ Nậm Đét. Sản phẩm được đóng chai với nhiều mẫu mã đa dạng và bày bán rộng rãi tại các cửa hàng, siêu thị tại thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa, một số siêu thị tại Hà Nội với giá cao gấp 2 đến 3 lần so với trước kia. Ông Triệu Phúc Vẩy, Giám đốc Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét cho biết: Trước đây, tinh dầu quế chủ yếu được bán thô với giá từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/lít. Sau khi xây dựng được nhãn hiệu tinh dầu quế hữu cơ Nậm Đét, sản phẩm đã được đóng thành những chai nhỏ 30 ml, 50 ml và các túi thơm... nên giá trị cao hơn.
Phát triển thương hiệu gạo tẻ râu
Năm 2018, được sự hỗ của của cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy, thông qua Văn phòng Plan Na Uy tài trợ, nhóm thanh niên 2 bản: Nà Giang và Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu) thành lập Nhóm Thanh niên phát triển kinh tế với 10 thành viên tham gia. Mục đích của nhóm là liên kết thanh niên và cộng đồng trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương theo chuỗi giá trị: sản xuất theo nhu cầu thị trường và hướng đến các quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm sạch, bền vững.
Sản phẩm gạo tẻ râu Phong Thổ được cung ứng ra thị trường. Ảnh: Báo Lai Châu
Sau khi tiến hành khảo sát nhu cầu của khách hàng, Nhóm Thanh niên phát triển kinh tế nhận thấy người tiêu dùng có mong muốn được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn không chứa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sức khỏe. Từ những ý kiến đó, nhóm tập trung vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh và điều kiện sẵn có ở địa phương, phát triển thương hiệu gạo tẻ râu.
Để thực hiện mô hình lúa tẻ râu, đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm an toàn ngay từ khi gieo cấy đến khâu chế biến thực phẩm, nhóm đã vận động 30 hộ gia đình dân tộc thiểu số ở bản Nà Giang có đất ruộng gần nhau tham gia với diện tích 3ha. Việc thực hiện trồng lúa tẻ râu ở khu vực riêng, không những tạo điều kiện chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây lúa kịp thời mà còn tránh hiện tượng pha tạp với các giống lúa khác. Nhất là vấn đề ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật tràn lan từ những hộ lân cận sử dụng.
Nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình, đồng thời giúp bà con yên tâm sản xuất, nhóm đã thực hiện ký cam kết bao tiêu sản phẩm. Sau khi thu hoạch lúa, mua thóc của bà con với giá 13 nghìn đồng/kg, mức giá này được áp dụng ngay cả khi giá ngoài thị trường có thấp hơn. Đối với người nông dân, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng sản phẩm, khi làm đất, không được sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là dùng dao phát cỏ, hoặc khi cỏ mọc trong ruộng lúa phải làm bằng phương pháp thủ công dọn cỏ. Dùng các loại phân chuồng, phân xanh bón lúa. Những việc này đều có sự giám sát của các thành viên trong nhóm. Khi phơi thóc tẻ râu, bà con phơi trong nửa ngày nắng, không được phơi nắng nhiều ngày bởi khi xát thóc, hạt gạo sẽ có màu trắng đục, hạt dễ gẫy, ăn không ngon; còn phơi thóc không khô thì không xát được. Để gạo không bị mốc, mùi hôi, nhóm không xát nhiều mà bán đến đâu, xát đến đó.
Anh Lý Vần Ngan - Trưởng Nhóm Thanh niên phát triển kinh tế chia sẻ: Khi thực hiện mô hình, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các thủ tục giấy phép kinh doanh, kỹ thuật, chọn giống lúa đến hỗ trợ thiết kế bao bì, Văn phòng Plan hỗ trợ kinh phí hơn 40 triệu đồng... Việc tham gia nhóm tạo điều kiện cho các thành viên được trang bị kiến thức, hướng dẫn thực hành tiết kiệm và tín dụng nhóm. Chủ động được nguồn vốn vay khi có kế hoạch sản xuất kinh doanh và tự tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản địa phương, biết cách tính toán chi phí và lợi nhuận trong sản xuất. Qua nhu cầu thị trường, định hướng cho các thành viên trong nhóm, cộng đồng, việc sản xuất kinh doanh theo nhu cầu đảm bảo yếu tố bền vững, uy tín chất lượng. Nhất là có thể cung cấp sản phẩm an toàn, không chứa hóa chất. Chúng tôi cũng mong muốn được nhân rộng mô hình gạo tẻ râu, từ đó tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số ở nông thôn.
Hiện, sản phẩm gạo tẻ râu Phong Thổ được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh, sản phẩm gạo tẻ râu Phong Thổ được Nhóm Thanh niên phát triển kinh tế bán với giá 25 nghìn đồng/kg, còn khi vận chuyển về Hà Nội thì bán với giá 30 nghìn đồng/kg.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất
Mô hình trồng cà chua trên diện tích đất lúa kém hiệu quả ở xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Huyện Ðiện Biên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã tích cực chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích đất bạc màu, đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả.
TP. Ðiện Biên Phủ cũng là một trong những địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua rà soát, toàn thành phố có 37ha đất kém hiệu quả cần chuyển đổi gồm 35ha trồng lúa nương với năng suất chỉ đạt khoảng 10 tạ/ha; 2ha lúa ruộng 1 vụ với năng suất 25 tạ/ha. Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chuyển đổi 35ha sang trồng cây ăn quả, gồm: nhãn, chuối, bưởi, dứa, thanh long và chuyển 2ha sang trồng cây làm thức ăn cho gia súc.
Theo thống kê, trong 2 năm (2017, 2018), toàn tỉnh đã chuyển đổi từ đất nương, đất ruộng 1 vụ, cây màu hàng năm sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp là 1.136,73ha.
Ðẩy mạnh sản xuất rau trái vụ, xây dựng các vùng rau chuyên canh, rau an toàn theo hướng liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ðến năm 2020, toàn tỉnh có 5ha sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và 300ha sản xuất rau an toàn tại huyện Ðiện Biên, huyện Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ...
Bên cạnh đó, cơ cấu chuyển đổi cây trồng theo vùng trọng điểm gắn với sản phẩm lợi thế và liên kết vùng như: Tuần Giáo, Mường Ảng tập trung phát triển chăn nuôi bò, lúa, ngô, mắc ca, cà phê, cây ăn quả, rừng sản xuất, sơn tra, dược liệu.
Huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ phát triển lúa chất lượng cao, cây ăn quả, trồng mắc ca, rau an toàn, lợn, gia cầm, bò sữa. Vùng Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà phát triển chăn nuôi trâu, trồng rừng phòng hộ, trồng mắc ca, phát triển dược liệu, nuôi ong…
An Bình làm giàu từ trồng tre măng Bát độ
Gần đây, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, An Bình (Văn Yên, Yên Bái) tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư trồng tre măng Bát độ.
Nông dân xã An Bình sơ chế măng tre Bát độ. Ảnh: Báo Yên Bái
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực tế chứng minh, tre măng Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều nơi. Đối với An Bình, điều kiện đất đai, khí hậu rất phù hợp để trồng cây này, nên xã đã có định hướng cụ thể theo kế hoạch của huyện.
"Xã tạo kiện cho nông dân được tham quan, học hỏi mô hình trồng tre măng Bát độ ở một số nơi trong tỉnh; tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện phối hợp tổ chức nhằm nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch tre măng Bát độ” - ông Dương nói.
Hiện, An Bình có 120 ha tre măng Bát độ, trong đó, hơn 60 ha đã cho thu hoạch và chủ yếu được trồng ở các thôn: Khe Trang, Trung Tâm, Khe Rồng… Đây là những thôn tương đối khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, người dân sống dựa vào kinh tế đồi rừng nên việc đầu tư phát triển tre măng Bát Độ giúp bà con cải thiện đời sống rõ nét.
Gia đình anh Huỳnh Cao Đại ở thôn Trung Tâm có 8 ha tre măng Bát độ, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng từ bán măng cho hay: "Tre măng Bát độ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, chỉ trồng một lần được khai thác nhiều năm. Năng suất trung bình mỗi ha 20 - 25 tấn; nếu chịu khó chăm sóc, bón phân thì năng suất có thể đạt từ 50 - 70 tấn/ha. Ngoài thu lợi từ măng, lá và thân cây cũng được tận thu để bán cho nhà máy giấy…”.
Mùa thu hoạch măng Bát độ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10, với giá măng vỏ trung bình 1.500 đồng/kg, măng ống đã luộc giá bình quân 5.000 - 7.000 đồng/kg, măng củ 10.000 đồng/kg. Ước tính trung bình mỗi năm, nông dân An Bình có thể thu về từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng khi diện tích tre măng hiện tại cho thu hoạch 100% với điều kiện chăm sóc tốt như hiện nay.
Bản Ngoại duy trì phát triển giống quýt bản địa
Mô hình cải tạo vườn quýt của gia đình chị Lò Thị Lả, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ (Thành phố). Ảnh: Báo Sơn La
Anh Tòng Minh Văn, Trưởng bản Ngoại, xã Chiềng Cọ (Thành phố) chia sẻ: Cây quýt bản mình đã gắn bó với bao thế hệ người dân trong bản, gốc quýt lâu năm nhất hiện giờ cũng trên 60 năm tuổi. Từ lâu, nhà nào trong bản cũng có vài cây quýt, quả rất thơm, mọng nước và có vị ngọt mát. Mùa quýt chín các bà, các mẹ chọn những quả chín vàng nhất xâu vào lạt tre thành từng dây từ 5-10 quả gánh ra chợ bán...
Để nâng cao năng suất, chất lượng giống quýt bản địa, xã đã vận động bà con trong bản, khuyến khích đẩy mạnh thâm canh và phát triển vùng sản xuất quýt có chất lượng cao. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông triển khai xây dựng mô hình “Cải tạo vườn quýt” quy mô 2 ha với 11 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cây...
Sau một thời gian thực hiện mô hình, với việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, tác động bằng các biện pháp, trong đó có việc bón phân đúng kỹ thuật nên quả quýt nặng trung bình đạt 105g, cao hơn so với vườn cây tự nhiên chỉ đạt 90g, quả chắc hơn, sáng hơn, tép to hơn; số quả trung bình đạt 190 quả/cây, trong khi vườn cây tự nhiên của các hộ không chăm sóc chỉ đạt 130 quả/cây. Nhận thấy việc thực hiện mô hình mang lại hiệu quả cao, người dân trong bản đã tin tưởng thực hiện mô hình. Đến nay, toàn bản có 39 hộ thực hiện mô hình cải tạo vườn quýt với tổng diện tích trên 7 ha.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.