Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2019 | 10:38

Tin NN Tây Bắc: Yên Bái xây dựng 5 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyết Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên, gạo Séng Cù, bưởi Đại Minh được Yên Bái chọn là sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

ocop.jpg

Người dân Suối Giàng chế biến chè.

 

Theo Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là chương trình OCOP), trong năm 2019, tỉnh Yên Bái xây dựng 5 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

5 sản phẩm OCOP hạng 3 sao mà tỉnh Yên Bái xây dựng trong năm 2019 bao gồm: Miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyết Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên, gạo Séng Cù, bưởi Đại Minh. Đây là những sản phẩm đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái) sợi nhỏ, dai, giòn, được sản xuất bằng bột dong riềng nguyên chất, không pha trộn các loại bột khác, không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình sản xuất. Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho Hợp tác xã Miến đao Giới Phiên.

Bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình) da mỏng, khi chín có màu vàng nhạt. Múi bưởi đều, tép mọng nước và ráo, ngọt mát, có mùi thơm đặc biệt. Theo dân gian truyền tụng, đây là một trong những sản vật quý hiếm để dâng tiến lên nhà vua, nên gọi là "bưởi tiến vua”. Năm 2016, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền "Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình.

Chè Suối Giàng (huyện Văn Chấn) là giống chè Shan, từ lâu đã nổi tiếng trên thế giới, mọc thành rừng rộng hàng trăm hecta, trên độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển. Búp những cây chè cổ thụ Suối Giàng phủ một lớp lông tơ trắng mịn như tuyết phủ, nên gọi là chè Shan tuyết. Nước chè có màu xanh, vị đậm đà, mùi thơm đặc trưng. Sản phẩm chè Suối Giàng đang được người dân chế biến theo phương pháp thủ công và hiện đại, giá bán từ 250.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/1kg.

Gạo Séng Cù được cấy ở cánh đồng Mường Lò, thuộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, hạt gạo dài và trong, cơm mềm, dẻo và ăn rất đậm.

Tinh dầu quế (huyện Văn Yên) được chưng cất từ cành, lá và vỏ cây quế. Tinh dầu quế được sử dụng trong y học, có 16 tác dụng cho sức khỏe, sắc đẹp, tâm sinh lý phái nữ. Đã có nhiều nước trên thế giới nhập khẩu tinh dầu quế Văn Yên như Trung Quốc, Ấn Độ, Siri Lanka…

Lào Cai: Khắc phục khó khăn, nông dân có vụ lúa thắng lợi

 

lua.jpg

Nông dân xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) thu hoạch lúa. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 23.222 ha lúa (hơn 11.000 ha lúa mùa trên chân ruộng 1 vụ vùng cao, 12.000 ha lúa mùa 2 vụ). Trung tuần tháng 10, trên địa bàn tỉnh ngày có nắng hanh, mưa hầu hết chỉ tập trung vào đêm và gần sáng, thuận lợi cho việc thu hoạch lúa. Người dân vùng cao đã hoàn thành việc thu hoạch lúa mùa 1 vụ trong tháng 9. Thời điểm này, lúa mùa vùng thấp trà chính vụ đang cho thu hoạch rộ, lúa trà muộn đang trong giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi, dự kiến việc thu hoạch lúa sẽ hoàn thành trong tháng 10. Trên lúa mùa 2 vụ, nông dân đã thu hoạch được gần 8.000 ha, đạt 75% so với kế hoạch.

Trên cánh đồng các xã Bản Phiệt, Bản Cầm (Bảo Thắng), tranh thủ nắng ráo, bà con huy động nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Chị Thền Thị Mai, thôn Bản Phiệt, xã Bản Phiệt, cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy 3 cân giống Thái Bình (BC15). Giống lúa này ăn dẻo, ngon nhưng lại dễ bị sâu bệnh, khi cấy chúng tôi rất lo lắng, sợ lúa bị đạo ôn, bị vàng lùn… Thế nhưng đến thời điểm này, lúa được thu hoạch rồi, nhìn chung là được mùa hơn năm trước.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, vụ mùa năm 2019 diễn biến thời tiết cũng như mối đe dọa từ các loại sâu, bệnh hại có nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thời tiết nóng ẩm, mưa xen kẽ vào thời điểm cây lúa trỗ, thuận lợi cho bệnh đạo ôn gây hại và lây lan rộng. Mưa cũng là điều kiện lý tưởng cho các loại sâu cuốn lá gây hại. Bên cạnh đó, khi cơn bão số 2 đổ bộ vào Trung Quốc, một lượng lớn rầy lưng trắng, loại rầy mang theo mầm bệnh lùn sọc đen phương Nam, di trú xuống phía Bắc nước ta, trong đó có Lào Cai, khi cây lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, rất mẫn cảm với bệnh này. Thế nhưng, do bám sát tình hình thời tiết, công tác dự báo, theo dõi các loại sâu bệnh được ngành chuyên môn quan tâm, người dân cũng tích cực thăm đồng, chủ động các biện pháp phòng, trừ nên các loại sâu bệnh được phát hiện kịp thời.

Đối với các diện tích nhiễm bệnh, nông dân phun phòng, trừ khống chế, không để bệnh lây lan trên diện rộng. Ông Mã A Pao, thôn Phú Hải 2, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) cho biết: Vụ mùa năm nay lúa nhà tôi bị sâu cuốn lá và rầy gây hại, đầu mùa thì lúa bị vàng lá do nghẹt dễ, gặp rầy là rất nguy hiểm, nếu để rầy đốt cây lúa, lúa sẽ nhiễm bệnh lùn sọc đen, rất dễ mất trắng. Rất may là tôi thường xuyên ra ruộng để kiểm tra nước và xem tình hình lúa nên phát hiện sớm, phun thuốc phòng, trừ theo đúng hướng dẫn. Tôi phát hiện và đã cảnh báo cho những hộ có ruộng lân cận nên bệnh không lây lan, cây lúa vẫn phát triển tốt, được mùa hơn năm ngoái.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vụ mùa năm nay, dù có nhiều khó khăn, song nhờ sự chủ động của các cơ quan chuyên môn và các địa phương, vụ sản xuất đạt kết quả tốt. Công tác dự báo thời tiết được cập nhật thường xuyên trước vụ sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chủ động trong triển khai thời vụ, cơ cấu cây trồng, dự báo tình hình sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng, trừ sớm. Năng suất trung bình ước đạt 48,67 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 112.700 tấn. Trong vụ mùa, diện tích cánh đồng 1 giống áp dụng thâm canh lúa cải tiến SRI tiếp tục được người dân thực hiện và mở rộng, đạt 4.500 ha. Vượt qua những khó khăn về sản xuất, nông dân trong tỉnh có một vụ mùa thắng lợi.

Hình thành vùng hàng hóa bí xanh, mướp đắng lấy hạt

 

bi-xanh.jpg

Anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Can, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) thu hoạch bí xanh cuối vụ. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Bà con nông dân xã vùng cao Độc Lập (Kỳ Sơn, Hòa Bình) đang tất bật thu hoạch bí xanh, mướp đắng cuối vụ. Nhiều diện tích sau thu hoạch sớm được dỡ bỏ, cải tạo lại và trồng thay vào đó là các loại rau đậu vụ đông. Kể từ năm 2016 đến nay, đồng đất vùng cao nơi đây có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Thay vì ngô, lúa, cây mướp đắng lấy hạt và bí xanh đã trở thành cây trồng chủ lực ở đây.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Can đang thay phiên thu hái, đưa bí xanh từ chân ruộng lên tập kết tại điểm bên đường. Anh Hùng phấn khởi cho chúng tôi biết: Vì là cuối vụ thu hoạch nên giá cả nhích lên đáng kể. Hiện tại, lái thương thu mua với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg tại ruộng. Thời điểm giữa vụ, giá dao động từ6.000- 8.000 đồng/kg. Vụ này, mặc dù năng suất không bằng các vụ trước đó, nhưng giá cả tương đối ổn định, có lợi cho người sản xuất. Gia đình anh trồng bí đã được 5 - 6 năm nay, diện tích cỡ 800 m2, năng suất vụ này đạt khoảng 16 tấn/ha.

Trên đồng đất vùng cao đang nỗ lực vượt qua gia khó này, những người đi đầu trong chuyển đổi trồng bí xanh, mướp đắng là ông Trần Đại Nghi ở xóm Nội, Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Văn Dân ở xóm Nưa. Tiểu biểu nhất là ông Nguyễn Văn Hợp, xóm Nưa chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất ruộng 1 vụ sang trồng bí xanh và mướp đắng lấy hạt. Nhờ đất đai màu mỡ, đầu tư cải tạo thường xuyên, năng suất bí xanh của gia đình ông luôn đạt từ trên 20 tấn/ha. Với 2 vụ trồng trong năm, ông đạt thu nhập bình quân từ 150 triệu đồng - 200.000 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thực hiện luân canh tăng vụ, triển khai trồng các loại rau đậu ở vụ đông để tăng nguồn thu nhập.

Tìm ra cây trồng mang lại giá trị kinh tế, lại phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán canh tác chính là động lực để bà con nông dân xã vùng cao Độc Lập mạnh dạn chuyển đổi. Từ mô hình mướp đắng lấy hạt, bí xanh được đưa vào ở những năm 2011 - 2012 với diện tích chừng vài ha, đến nay đã phát triển và mở rộng vùng trồng bí xanh, mướp đắng lấy hạt tập trung tại 5/5 xóm gồm Sòng, Nưa, Nội, Can, Mùi. Trong đó, bí xanh 26,5 ha, mướp đắng lấy hạt 7,8 ha. Riêng mướp đắng lấy hạt được triển khai theo hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Công ty Hạt giống đỏ và Công ty Đông Tây là 2 doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm còn nhân dân có đất bỏ sức lao động, một phần phân bón.

Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập nhận định: Sau gần 4 năm chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, xã đã hình thành vùng bí xanh, mướp đắng hàng hóa. Nếu như trước đây, đời sống của người dân phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô, giá trị kinh tế thấp thì sau chuyển đổi, hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân trồng bí xanh, mướp đắng lấy hạt đã tăng gấp 2, gấp 3 lần. Cùng với tập quán canh tác thay đổi, nhiều hộ thay vì bỏ phí đất ruộng sau thu hoạch vụ mùa đã cải tạo để trồng cây ngắn ngày vụ đông. Sản phẩm hàng hóa do bà con nông dân làm ra đồng đều và thường xuyên hơn.

Dự kiến năm 2019, hộ nghèo của xã giảm xuống còn 35,5%, cận nghèo giảm còn 18,5%, bình quân thu nhập đầu ngườiđạt 21 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2018. Bí xanh, mướp đắng lấy hạt với vai trò cây trồng chuyển đổi chủ lực đã góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân vùng cao. Nhờ các cây trồng này mà hiện tại, trên địa bàn đã có hàng chục hộ đạt thu nhập bình quân từ 70 triệu- 80 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng/năm.

Chiềng Pha mở rộng diện tích cây ăn quả

 

caq.jpg

Nông dân bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha trồng cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Báo Sơn La

 

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Pha (Thuận Châu, Sơn La) đã tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả... bước đầu thu được kết quả khả quan.

Xác định trồng cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Chiềng Pha tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao, như: Cam, bưởi, bơ, thanh long, nhãn, mận, chanh leo... Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện cung cấp cây giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; chỉ đạo cán bộ khuyến nông xuống các bản hướng dẫn các hộ dân phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả của các địa phương khác trong và ngoài huyện. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân xã đã phối hợp mở 4 lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây bơ, thanh long; tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, sử dụng phân bón cho hơn 200 lượt nông dân tham gia. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới, xã triển khai cho các hộ ở bản Quỳnh Thuận, Huổi Tát, Nong Lào, Tạng Phát, Nà Heo, Hưng Nhân đăng ký trồng mới 50 ha cây thanh long ruột đỏ, chanh leo, cam, bưởi da xanh, bơ...

Gia đình ông Hoàng Văn Thắng (bản Quỳnh Thuận), là một trong những hộ tiên phong trồng cây ăn quả ở bản. Được biết, trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình ông Thắng chủ yếu là từ cây cà phê; năm 2015, ông mua 70 cây cam giống ở huyện Mai Sơn về trồng thử nghiệm, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau hai năm, vườn cam đã bắt đầu cho thu hoạch, vụ đầu tiên được hơn 1 tấn quả, trị giá hơn 25 triệu đồng. Nhận thấy cây cam thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, năm 2017, ông trồng thêm 500 gốc cam nữa. Bây giờ, vườn cam của gia đình ông có gần 600 gốc chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến vụ năm nay thu trên 8 tấn quả. Không chỉ trồng cam, ông Thắng còn có hơn 800 gốc cây chanh leo, bưởi da xanh, quýt, đào, mận hậu, thanh long ruột đỏ... trồng xen trong diện tích cây cà phê, từ các nguồn này, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng.

Theo ông Lò Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã, năm 2015, Chiềng Pha mới có hơn 8 ha cây ăn quả, thì hiện nay toàn xã đã có gần 120 ha cây ăn quả các loại, trong đó 35,5 ha đã cho thu hoạch. Nhờ phát triển các loại cây ăn quả trên đất dốc, thay thế các loại cây trồng năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện, góp phần nâng thu nhập bình quân lên gần 15 triệu đồng/người/năm. Chiềng Pha đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc diện tích cây ăn quả đã trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa, từng bước tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường...

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top