Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu nhằm ngăn chặn những diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân vào dịp Tết tăng cao.
Mở đợt cao điểm kiểm tra
Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xìgà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng.
Lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.
Cùng với đó, các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Các Cục Quản lý thị trường địa phương chịu trách nhiệm quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, đảm bảo phân công số lượng công chức trực theo yêu cầu. Cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị quản lý thị trường các cấp lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Lạng Sơn: Bắt giữ hơn 12.000 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu
Sau một thời gian nắm tình hình hàng hóa nhập lậu, thông qua công tác quản lý địa bàn, ngày 28/11/2020 Đội Quản lý thị trường số 4 (Tổ công tác địa bàn huyện Hữu Lũng) phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông Tùng Diễn, Phòng Cảnh sát Giao thông (PC 08) - Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 99C-133.25 vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật thương mại.
Qua kiểm tra thực tế, hàng hóa gồm có 11 mặt hàng với tổng số 12.300 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng… có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc. Khi kiểm tra, ông Nông Văn Tiến, ở thôn Ba Đàn, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn lái xe đồng thời là chủ hàng, khai nhận mua số hàng trên từ chợ Bờ sông, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, vận chuyển về thành phố Hà Nội tiêu thụ.
Tây Ninh: Thu giữ 15.000 bao thuốc lá lậu
Ngày 30/11, Công an thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị đang tạm giữ Nguyễn Tiến Thành ở Ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để điều tra về hành vi vận chuyển gần 15.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.
Trước đó, vào lúc 0 giờ 15 phút, ngày 29/11, tại Quốc lộ 22, thuộc khu phố An Bình, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, lực lượng của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Tây Ninh) đang đi tuần tra đã phát hiện xe ôtô 50G-416.07 do Nguyễn Tiến Thành điều khiển có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra.
Khi kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 14.998 bao thuốc lá ngoại. Lái xe không trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Nguyễn Tiến Thành khai nhận vận chuyển số thuốc lá nhập lậu từ khu vực gần Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đến Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Được biết, trong năm 2020, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Tây Ninh) đã phát hiện 156 vụ phạm pháp hình sự, gian lận thương mại, thu giữ trên 80.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại, 101 quạt điện, gần 260 máy lạnh, 58 thùng nước ngọt, 1.050 kg đường cát, 60 phuy nhớt đã qua sử dụng, 15 tấn hạt nhựa.
Công ty Châu Rhino sản xuất, buôn bán phân kém chất lượng
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai có văn bản báo cáo về việc thi hành Quyết định số 3673/QĐ - XPVPHC của UBND tỉnh Đồng Nai về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH TM Châu RHINO và Quyết định số 422/QĐ - NPNL về việc nộp phạt nhiều lần đối với Công ty TNHH TM Châu HRINO.
Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh Đồng Nai Công ty TNHH TM Châu RHINO (Công ty Châu RHINO) bị xử phạt hành chính 200.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động sản xuất phân bón 3 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Cơ quan chức năng cũng buộc tiêu hủy tang vật gồm 160 bao phân bón Super trung lượng nhãn hiệu Philip, 4 bao phân bón trung lượng nhãn hiệu Super lân - vua hạ phèn...
Tuy việc khắc phục hậu quả cho lần vi phạm trước vẫn chưa xong thì mới đây, Đoàn kiểm tra gồm Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Đồng Nai) phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phát hiện đơn vị này sản xuất và tiêu thụ phân bón giả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, ngoài phát hiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu giả tại một số hộ kinh doanh. Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra xưởng sản xuất phân bón nằm tại địa chỉ 30A9/10, Khu phố 11, phường Tân Phong, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu RHINO.
Qua kiểm đếm, đoàn kiểm tra ghi nhận 8,5 tấn thành phẩm phân bón trung lượng XNK 111 HLS Supper Lân Canxi; 28,5 tấn phân bón hữu cơ trùn quế; khoảng 5 tấn phân hạt đen chưa đóng bao bì; 25m3 nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân, 100m3 đá nguyên liệu và 31.700 vỏ bao bì phân bón các loại; phương tiện sản xuất gồm: 01 máy xúc, 01 xe nâng, 01 băng chuyền, 01 máy nghiền, 01 bồn chứa nguyên liệu, 01 bồn quay ly tâm và 01 máy may miệng bao.
Ông Nguyễn Trọng Dần, Chủ chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu RHINO chỉ xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đóng gói phân bón. Các loại giấy tờ khác như: giấy phép sản xuất phân bón, quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và các hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa chủ cơ sở không xuất trình được. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ lô hàng để kiểm nghiệm, tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.