Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 7 năm 2020 | 20:57

Tin Tây Nguyên: Trồng rừng nông lâm kết hợp tại Lâm Đồng

Lâm Hà, khuyến khích người dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, với những cây như: mắc ca, quế, dổi ăn hạt...

Huyện Lâm Hà triển khai Đề án 02 “Phát triển rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp”, đồng thời, khuyến khích người dân trồng mắc ca, quế, dổi ăn hạt… đem lại hiệu quả cao,  tăng thu nhập cho người dân, từ mô hình nông lâm kết hợp... 

 

xen-95.jpg

Mắc ca của bà con Lâm Hà đang xanh tốt, hứa hẹn thu nhập cao.

 

Lâm Hà có 36.523 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 38,86% tổng diện tích đất tự nhiên, nhưng chỉ có gần 28.000 ha diện tích đất có rừng. Theo kết quả rà soát của huyện, diện tích đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp là 10.562 ha.

Diện tích đất bị lấn chiếm chủ yếu được trồng hoa màu, cà phê mới trồng và nhiều diện tích cà phê đang vào thời kỳ kinh doanh. 

Sau 5 năm thực hiện Đề án 04 “Phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp do người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp”, trên địa bàn huyện đã trồng được 2.572 ha rừng tại 11 xã, thị trấn.

Diện tích có tỷ lệ cây sống đạt trên 70% số cây trồng là 1.421,39 ha, đạt 30,39% trên diện tích thiết kế được huyện phê duyệt và thấp hơn nhiều so kế hoạch huyện đề ra là phủ xanh 5.000 ha.

Để tiếp tục công cuộc phủ xanh rừng, Huyện Lâm Hà tiếp tục “Phát triển rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp” bằng Đề án 02.

Theo tinh thần của Đề án này, các đơn vị được giao trồng rừng rà soát, thỏa thuận và vận động người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ ổn định diện tích rừng hiện còn. Trồng xen cây lâm nghiệp, trong đó chú trọng một số loại cây có kinh tế với mật độ thích hợp, để nâng cao độ che phủ rừng.

Hiện, những diện tích này đang thêm xanh, bởi hàng nghìn ha mắc ca, quế, dổi ăn hạt, được trồng xen, hứa hẹn đem lại nguồn thu đáng kể. Đặc biệt, từ khi mắc ca được công nhận là cây lâm nghiệp, nhiều người dân đã trồng mắc ca, thay vì trồng cây sao đen, muồng, cẩm lai…

Ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ cho biết, từ khi Nhà nước khuyến khích trồng rừng, trên đất lâm nghiệp lấn chiếm, ông là một trong những hộ tiên phong trong việc lựa chọn trồng 2ha cây mắc ca trên vườn nhà.

Hiện, đã có  150 cây đang phát triển, hứa hẹn nguồn thu đáng kể. Do hợp  đất và khí hậu, mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, ông và nhiều bà con có khoản thu ổn định, nhờ bán hạt tươi. Vì có thêm thu nhập từ cây mắc ca, nông dân  yên tâm sản xuất trên đất của mình.

Ông Trương Quang Trung - Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà, cho biết: Phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm đã xảy ra từ rất lâu, và người dân đã canh tác trên đó, trong thời gian dài.  Rất khó để họ từ bỏ nguồn thu từ canh tác trên đất nông nghiệp đang sinh lời, và vốn là “nồi cơm” của họ.

Đề án 02 giúp người dân yên tâm sản xuất trên diện tích rừng bị lấn chiếm, đồng thời, địa phương lại có thêm diện tích rừng.

“Khi người dân trồng rừng, sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất họ yên tâm sản xuất, thứ 2 cây rừng sẽ giúp chắn gió, giữ  nước, bên cạnh đó còn cho thu nhập cao, khi cà phê xuống thấp.

Khi mới có chủ trương trồng rừng, do chưa hiểu được tầm quan trọng của việc này nên bà con trồng theo kiểu đối phó. Nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích trồng rừng, ai nấy đều phấn khởi, tự mua cây giống  trồng trên diện tích được quy hoạch trồng rừng”, ông Trung cho hay.

Lâm Hà đang tích cực khắc phục diện tích rừng bị phá, lấn chiếm bằng việc triển khai trồng rừng trả lại màu xanh cho rừng. Với chế tài gắt gao khi kiểm tra, nếu tỷ lệ cây sống không bảo đảm, sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đó giao cho hộ khác.

Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong việc khôi phục cây lâm nghiệp, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng. 

Hiện, huyện Lâm Hà có hơn 1.500 ha mắc ca, quế, dổi ăn hạt… và diện tích này không ngừng tăng lên. 

Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho biết, ngoài mắc ca đang cho thu hoạch, năm 2020 xã Phúc Thọ đã trồng rừng trên 80 ha. Giúp các hộ yên tâm đầu tư sản xuất trên đất lâm nghiệp, tăng thu nhập.

Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà, hằng năm đơn vị lên phương án, hơn 400 ha, cả trồng mới và bổ sung diện tích cũ. Hiện, mắc ca được lựa chọn hàng đầu, chiếm khoảng 2/3 diện tích cây lâm nghiệp trên đất rừng bị lấn chiếm. Mục tiêu của huyện giai đoạn 2020 - 2025 trên 2.000 ha. 

Ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch huyện Lâm Hà cho biết, giải pháp  ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng là liên kết bảo vệ rừng với sinh kế của người dân.

Đề án 02 mang tính nhân đạo cao, Lâm Hà có rừng, người dân có thêm thu nhập, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân và nhiều ý nghĩa xã hội. Việc đưa mắc ca vào trồng đã mang lại hiệu quả cao, vưa tăng thu nhập vừa che phủ rừng.

Hy vọng không bao lâu nữa, rừng Lâm Hà sẽ được phủ xanh. Thời gian tới, huyện khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sâu để hình thành  chuỗi sản phẩm lâm nghiệp, đặc biệt là mắc ca của Lâm Hà đã được cấp sao OCOP.

Đắk Nông: Cử nhân sinh học bỏ phố về quê trồng nấm làm giàu

Có công việc ổn định ở thành phố, nhưng anh Nguyễn Kim Bình, thôn Nam Phú, xã Nam Đà (Krông Nô), vẫn bỏ việc về quê trồng nấm, thu nhập cao, ổn định.

 

nam-39.jpg

Trồng nấm giúp anhNguyễn Kim Bình có thu nhập cao, ổn định.

 

Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Sài Gòn, anh làm việc cho một công ty sản xuất nhựa gia dụng tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2015, dù đang có thu nhập ổn định ở công ty, nhưng anh Bình quyết định về nhà trồng nấm linh chi.

Anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, sách báo và học tập kinh nghiệm trồng nấm ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Từ những kiến thức trong trường đại học và  thực tế, anh đã trồng nấm.

Thấy giống nấm linh chi đưa từ nơi khác về không tốt, năng suất thấp, anh Bình đã tự mày mò sản xuất nấm bằng việc dùng nguyên liệu là thân của nấm linh chi.

Ưu điểm lớn nhất của cách sản xuất giống này là khả năng tồn tại và phát triển trong tự nhiên rất cao. Thời gian thu hoạch dài hơn so giống khác. Từ cách làm này, các loại nấm khác như bào ngư, mối đen, nấm rơm... anh Bình cũng sản xuất được giống. 

Theo anh Bình, trồng nấm quan trọng nhất là phải khử trùng đúng quy trình để nấm mới phát triển tốt. Nấm được cấy 1 tháng  có thể thu hoạch được lứa đầu tiên,  và 15 ngày sau là các lứa tiếp theo… 

Ngoài nấm linh chi, anh Bình còn có nấm bào ngư, nấm rơm, nấm mối...  Anh còn tư vấn miễn phí cho các hộ muốn học hỏi kinh nghiệm. Anh cũng cung cấp bịch nấm đã cấy giống, cho những hộ dân có nhu cầu.

Mô hình sản xuất nấm của anh Bình rộng 1.000m2, được lắp đặt máy đo nhiệt độ và hệ thống tưới phun sương. Chỉ cần bật công tắc điện, hệ thống điều hòa và tưới nước sẽ tự hoạt động.

Nguyên liệu sản xuất nấm là mùn cưa, và một số phế phẩm sinh học khác. Anh tâm sự: "Trước đây  thu hoạch nấm phải bỏ đi một lượng mùn cưa khá lớn. Trong khi chi phí mua mùn cưa khá cao. Từ đó, tôi đã tìm cách tái sử dụng nguyên liệu mùn cưa". 

Sau khi thu hoạch, mùn cưa còn lại khoảng 50%, dùng số mùn cưa  này trộn với 50% mùn mới và bổ sung dinh dưỡng để tái sản xuất. Anh còn nghiên cứu ra công thức pha chế, điều tiết chất dinh dưỡng phù hợp để nấm phát triển tốt.

Vì vậy, anh Bình đã giảm được 50% nguyên liệu đầu vào và tận dụng được 95% phế thải. Cụ thể, trước đây mỗi tháng anh nhập 10 tấn mùn cưa, nhưng nay chỉ còn 5 tấn, giảm được 40% – 50% chi phí nguyên liệu, tránh ô nhiễm môi trường, lãng phí.

Theo anh Bình, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục có  thêm nhiều loại nấm khác, và sẽ mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời,  tận dụng rơm, rạ, lõi và vỏ ngô, cây mì, bã mía… để sản xuất nấm.

Quan trọng hơn, anh đang mở rộng đầu ra cho sản phẩm, liên kết với nông dân để phát triển mô hình nấm một cách bề thế hơn.

Kon Tum: Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Sở Công thương Kon Tum vừa tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa siêu thị, nhà bán lẻ với các chủ thể OCOP. Các sản phẩm tham gia kết nối tiêu thụ hầu hết đều đã được công nhận là sản phẩm OCOP  từ 2 - 4 sao, một số là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020.

 

o-cop-6.jpg

Các sản phẩm tham gia kết nối tiêu thụ. Ảnh: TH

 

Tại hội nghị, các chủ thể  giới thiệu sản phẩm để các siêu thị, nhà bán lẻ tìm hiểu, nắm bắt và quyết định hợp tác trong tương lai. Đại diện các siêu thị, nhà phân phối đã thông tin về tiêu chuẩn sản phẩm, để các chủ thể nắm rõ hoạt động kinh doanh, phân phối của các đơn vị; từ đó đưa sản phẩm OCOP vào các kênh bán lẻ.

Kết thúc Hội nghị, có 6 chủ thể ký biên bản hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với Siêu thị Co.op Mart Kon Tum, VinMart Kon Tum. Đây là cơ sở pháp lý để hợp tác, phát huy thế mạnh của mỗi bên, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong xúc tiến thương mại của Kon Tum. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP; giúp các chủ thể tiếp tục hoàn thiện, và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top