Thời điểm cận Tết, nhu cầu mua sắm các loại mặt hàng nhu yếu phẩm, hoa kiểng trang trí luôn được khách hàng quan tâm. Tuy nhiên, hiện tại nhiều loại mặt hàng đã trong tình trạng khan hiếm, giá tăng từng ngày... Cùng với đó, những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đang được triển khai tại nhiều địa phương, bước đầu đã mang lại nguồn lợi kinh tế và hiệu quả cao là những tin tức được quan tâm trong tuần qua.
Sóc Trăng: Giá rau màu các loại tăng cao trong dịp Tết
Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ trồng màu hiện đang tất bật chuẩn bị nguồn nông sản phục vụ dịp Tết. Bởi đây là thời điểm tốt nhất để người dân tăng thêm thu nhập nhờ nguồn cầu tăng mạnh. Các loại rau được trồng chủ yếu trong dịp Tết như cải bắp, củ cải trắng, cải thảo, cải dùng làm dưa được thị trường ưa chuộng. Ngoài các loại cải trồng đồng loạt, còn đồng thời trồng xen canh các loại rau thơm, hành lá, ớt nhằm đa dạng các loại rau màu.
Theo những hộ trồng rau tại địa phương, các đơn đặt hàng đã tăng từ 15 - 20%. Nếu ngày thường thì sản xuất khoảng 15 loại rau màu các loại và xuất bán trên thị trường khoảng 200kg/ngày, thì trong những ngày gần Tết, số lượng màu cũng tương đương nhưng sản lượng tăng hơn 15%. Nguyên nhân giá rau màu tăng cao được cho do ảnh hưởng không khí lạnh, mưa kéo dài dẫn đến việc xuống màu gặp nhiều khó khăn nên sản lượng giảm. Chính vì vậy, nhiều hộ trồng màu bên ngoài kể cả bên trong nhà lưới đang khẩn trương chăm sóc nhằm phục vụ thị trường tết đang đến gần.
Đồng Tháp: Gà Tiến vua đã hết hàng để bán
Những người dân nuôi gà Tiến vua (gà Đông Cảo) tại huyện Tháp Mười những ngày này đã phải từ chối những đơn hàng đặt mua mặc dù giá thịt gà đang ở mức cao từ 300 - 400 ngàn đồng/kg. Từ những năm 2016, trước nhu cầu tăng cao của thị trường, trước một giống gà có hình thù bắt mắt, bộ lông đẹp, nhiều người dân trên địa bàn đã mua giống về nuôi. Với hình thù lạ, đặc biệt đôi chân có sừng, mào gà mang nhiều hình thù khác nhau, do đó giống gà này được nhiều người dân chọn để mua biếu tết.
Gà Tiến vua, một trong những mặt hàng đã cháy hàng trong khi còn khoảng 20 ngày nữa mới tới Tết Nguyên đán 2018
Thời điểm hiện tại, giá gà thịt thương phẩm được người dân bán cho các nhà hàng, quán ăn lớn tại TP. Hồ Chí Minh với giá từ 300 - 400 ngàn đồng/kg. Gà giống 15 ngày tuổi có giá 120 - 150 ngàn đồng/con, trứng gà có giá 50 ngàn đồng/trứng. Gà Tiến Vua thả nuôi từ 5 - 6 tháng thì có thể bán thịt và có trọng lượng từ 4 - 4,5kg/con đối với gà trống và gà mái từ 2,5 - 3kg/con. Càng cận tết, số lượng gà hiện đã được thương lái đặt cọc thu mua toàn bộ, những người dân nuôi giống gà này trên địa bàn cũng trong tình trạng tương tự khi đã hết hàng, trong khi còn khoảng 20 ngày nữa mới chính thức tới tết Nguyên đán 2018.
Cà Mau: Giá lúa tăng cao, thương lái đặt cọc thu mua lúa.
Trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Cà Mau, mặc dù lúa mới chỉ xuống giống được hơn một tháng nhưng đã được thương lái đặt cọc mua “lúa non”. Nguyên nhân được cho giá lúa đang tăng cao, cùng với đó các tỉnh ven biển như Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang... bị ảnh hưởng khô hạn và xâm mặn khiến hàng ngàn hecta lúa bị thất thu, giảm năng suất, dẫn đến thiếu hụt nguồn lúa nguyên liệu xuất khẩu. Diện tích xuống giống giảm, dịch bệnh trên cây lúa ngày càng nhiều, đơn hàng xuất khẩu lúa, gạo nhiều đã làm cho giá lúa tăng cao.
Cụ thể, giá lúa IR 50404 được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 5.000 - 5.400 đồng/kg, các loại lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 5451, Jasmine 85, OM 6976... dao động từ 5.700 - 7.000 đồng/kg. Giá này đã tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg so với thời điểm vài tháng trước và đây là mức cao nhất trong vài năm trở lại. Việc giá lúa tăng cao, thương lái đến tận nhà đặt vấn đề bỏ cọc, bao tiêu sản phẩm.
Theo tính toán của người dân, với mức giá hiện tại, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân có lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha, mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Chưa có năm nào giá lúa OM 5451 ở mức trên 5.400 đồng/kg, còn lại các giống khác thì cao hơn và được thương lái đến tận nhà đặt mua, kỳ vọng giá lúa sẽ còn tăng cao vào cuối vụ.
Theo đại diện ngành nông nghiệp địa phương, tình trạng thương lái tìm nông dân để thoả thuận giá và đặt cọc mua lúa xuất hiện khá nhiều ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do giá cả thị trường tăng cao, lượng gạo xuất khẩu thiếu hụt. Việc giá lúa ở mức bền vững hay không thì chưa ai dám khẳng định. Tuy nhiên, với việc mua lúa như thế nông dân vẫn hưởng lợi vì được thương lái bỏ cọc thậm chí bao tiêu luôn sản phẩm đầu ra.
TP. Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm
Những năm trở lại đây, việc ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm như sử dụng nhà kính, lót bạt đáy ao, dùng máy vận hành xử lý nước và sục khí ôxy đã được người nuôi tôm trên địa bàn các huyện Nhà Bè, Cần Giờ áp dụng.
Theo đó, người nuôi tôm đã mạnh dạn vay vốn để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn trong nhà kín theo quy trình VietGAP. Anh cho biết kinh nghiệm nuôi siêu thâm canh theo 2 giai đoạn.
Việc ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao bước đầu mang lại hiệu quả trong sản xuất cho người nuôi tôm
Cụ thể, giai đoạn 1 ương tôm trước khi thả ra ao nuôi, người dân đã dành riêng diện tích 0,7ha chia làm ao chứa (dùng để cấp nước từ bên ngoài vào và được xử lý Chlorine), ao dự trữ (lúc nào cũng có nước đã được xử lý vôi, khoáng chất) và các bể ương hình tròn có lót bạt, lắp đặt ôxy đáy để ương tôm, dao động từ 500 - 1.000 con/m2. Với thời gian ương 25 - 30 ngày, tôm đạt kích cỡ 600 - 900 con/kg. Sau đó, tiến hành thả vào ao nuôi thứ 1 (diện tích 1.000m2). Sau một tháng tiếp tục ương tôm thả vào ao nuôi thứ 2 (cũng 1.000m2).
Ở giai đoạn 2, tôm từ 30 - 60 ngày tuổi, người dân sẽ đưa ra 2 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.000m2. Trước khi đưa tôm ra ao, phải kiểm tra sức khỏe tôm, cân tính số lượng, độ pH… giữa ao nuôi và ao ương. Mỗi ao đều đầu tư lưới, che kín bạt, lót bạt đáy và bờ ao, dưới lớp bạt đáy có các ống nhựa được thiết kế theo hình xương cá để hút nước và khí ra ngoài. Mật độ thả nuôi bình quân 200 - 250 con/m2. Sau 80 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 40 con/kg, năng suất bình quân 5,5 tấn/ao/vụ, mỗi ao nuôi 3 vụ/năm.
Với việc ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm, hiệu quả mô hình mang lại lợi nhuận cao, bền vững. Tôm thu hoạch đạt tiêu chuẩn sạch và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Đây là mô hình có thể giúp bà con nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho hộ gia đình./.
Mạnh Tiến (tổng hợp)
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Lý Sơn (Quảng Ngãi) được thiên nhiêu ưu đãi, có nhiều sản vật nổi tiếng, nhất là hành, tỏi và các loại hải sản. Với sự định hướng, hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, các sản vật này đã được tập trung chế biến sâu, xây dựng phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm.