Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 11 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 12 năm 2015 | 1:43

Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2015

Ngày 01/12, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet chính thức công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015.
 
Đây là năm thứ 9 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được chính thức công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính 2014.
 
Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân thủ các chuẩn mực Quốc tế, đồng thời được kiểm chứng với dữ liệu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác của Bảng xếp hạng.
 
Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (BXH mọi thành phần), Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp Tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2015 (BXH doanh nghiệp Tư nhân). Tiêu chí để Vietnam Report lựa chọn các doanh nghiệp Tư nhân là những doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%.
 
Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website của chương trình: www.vnr500.com.vn
 
Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2015
 
 
Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp Tư nhân lớn nhất Việt Nam 2015
 
 
 
Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2015, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong Bảng xếp hạng VNR500 từ năm 2007 đến nay nhằm tổng hợp những đánh giá của doanh nghiệp về tình hình kinh doanh năm 2015, triển vọng kinh doanh năm 2016.
 
Đặc biệt, trong đợt khảo sát lần này, Vietnam Report cũng tổng hợp những ý kiến của doanh nghiệp về tác động của TPP đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như những chuẩn bị mà doanh nghiệp đã thực hiện nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực. Qua đó cũng nêu rõ những mong muốn của doanh nghiệp đối với Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp nội địa trong thời gian tới.
 
Một số điểm nổi bật từ Bảng xếp hạng VNR500 2015 và cuộc khảo sát các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam:
 
Thứ nhất, với một nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới với các doanh nghiệp hướng xuất khẩu và tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 134 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2015 thì việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Á Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là có tác động rất đáng kể. Trong khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 cũng nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan khi cho rằng hầu hết các cam kết đều mang lại những tác động tích cực cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp.
 
Yếu tố cạnh tranh lành mạnh cũng như việc xóa bỏ thế độc quyền ở một số mặt hàng đặc thù và phân khúc thị trường đặc biệt là điều khiến các doanh nghiệp cho rằng sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực nhiều nhất với gần 90% số doanh nghiệp đồng tình với quan điểm trên.
 
Yếu tố tiếp đến mà cộng đồng doanh nghiệp lớn Việt Nam cho rằng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động SXKD của khối doanh nghiệp chính là các cam kết về DNNN, cụ thể các cam kết về DNNN sẽ phải cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng với các DNTN. Có 87.8% các doanh nghiệp phản hồi tin rằng điều này sẽ tạo ra những chuyển biến tốt cho hoạt động SXKD của họ.
 
Nhận định của DN về tác động của một số cam kết chính của TPP đến hoạt động SXKD. (Đơn vị: %). Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2015 (n = 303; V1000 + VNR500)
 
Thực tế quá trình cổ phần hóa DNNN hiện nay đang là một trong những động thái tích cực của Chính phủ trong việc tạo ra một sân chơi công bằng hơn giữa các thành phần doanh nghiệp, giúp chuyển dịch một số nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước sang khu vực Tư nhân và FDI. Thông qua đó tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của 2 khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước. Trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2015 cũng chứng kiến tỷ trọng DNNN trong toàn bảng tiếp tục có sự giảm nhẹ so với năm trước (38,4% so với 40.8). Xu hướng giảm này cũng phản ánh phần nào quá trình CPH, tái cơ cấu DNNN.
 
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng cho đến nay việc Cổ phần hoá chủ yếu được tiến hành đối với các doanh nghiệp Nhà nước quy mô nhỏ, giảm mạnh số lượng doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp Nhà nước còn lại chưa Cổ phần hoá và sẽ Cổ phần hoá tiếp lại là những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, chủ yếu là Tập đoàn Kinh tế và Tổng công ty – Những doanh nghiệp trước nay vẫn đem lại Doanh thu hoạt động tương đối lớn. Thực tế số liệu thống kê của Bảng xếp hạng VNR năm nay cũng cho thấy các DNNN vẫn chiếm tỷ trọng 57% doanh thu của toàn bảng.
 
Thứ hai, khi nền kinh tế chúng ta đang tiến những bước sâu và rộng trong hội nhập vào kinh tế khu vực và toàn cầu, với trọng tâm là hiệp định TPP được ký kết, việc tập trung phát triển giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp trong các nhóm ngành kinh tế sáng tạo như Viễn thông, Công nghệ thông tin và giảm sự phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên như Khoáng sản, xăng dầu là vô cùng quan trọng, góp phần thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và dân trí xã hội.
 
Thực tế trong Bảng xếp hạng VNR năm 2015, về cơ bản các cấu trúc ngành của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế vẫn không có nhiều thay đổi. Ngành khoáng sản xăng dầu đứng thứ hai trong số các ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhiều nhất trong bảng (14,4%) tuy nhiên ngành này lại dẫn đầu về tỷ lệ doanh thu toàn bảng so với các ngành còn lại (31.6%). Trong khi đó các ngành mang tính sáng tạo như nhóm ngành Viễn thông – CNTT mặc dù số lượng doanh nghiệp không thay đổi nhiều (khoảng 4,4% tổng số DN toàn bảng) nhưng cũng chỉ tạo ra 7,7% doanh thu toàn bảng (tăng không đáng kể so với mức 7.1% trong BXH năm 2014).
 
Top 5 ngành có tỷ trọng doanh thu đóng góp vào BXH VNR500 2015 lớn nhất (Đơn vị: %). Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2015 (n = 303; V1000 + VNR500)
 
Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế hội nhập rõ ràng như vậy, vai trò hỗ trợ của Chính phủ cũng rất quan trọng. Chính phủ cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tính hiệu lực của các văn bản chính sách. Đây cũng chính là hai mong muốn được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất khi được hỏi về các giải pháp cần Chính phủ ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập TPP và mở rộng thị trường xuất khẩu.
 
 
Các giải pháp Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN sau TPP. (Đơn vị: %). Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2015 (n = 303; V1000 + VNR500)
 
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Nhà nước đã thực hiện tương đối tốt các chính sách đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như kiềm chế lạm phát, quản lý tỷ giá lãi suất, v.v. tạo ra một môi trường kinh doanh tương đối ổn định cho các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, việc làm này cần được phát huy hơn nữa nhằm giúp cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động ổn định, tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Bên cạnh đó, tính hiệu lực và minh bạch của các Quy định, chính sách vẫn luôn là vấn đề nan giải trong mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy, đây cũng là mong muốn rất khẩn thiết của các doanh nghiệp nhằm tiếp cận được các thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, thực hiện tốt theo chủ trương của Nhà nước cũng như tăng tính hiệu quả cho hoạt động SXKD.
 
Thứ tư, trong số các tỉnh thành có đóng góp nhiều nhất về tổng doanh thu trong Bảng xếp hạng, Bắc Ninh tiếp tục duy trì vị trí thứ ba của mình sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong số 5 địa phương có tỷ trọng doanh thu cao nhất trong toàn Bảng xếp hạng có 04 tỉnh/thành là những địa phương có thành tích xuất khẩu tốt nhất cả nước trong 10 tháng đầu năm 2015, với kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đó là TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương.
 
Tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp trong BXH VNR500 2015 phân theo địa bàn. (Đơn vị: %). Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2015 (n = 303; V1000 + VNR500)
 
Với những thành tựu đã đạt được, cùng triển vọng kinh tế khả quan, các doanh nghiệp VNR500 hoàn toàn có thể tự hào và tự tin tăng trưởng hơn nữa trong năm tới. Đây cũng là mục tiêu của Ban tổ chức khi công bố BXHVNR500 năm 2015. Chúng tôi hi vọng rằng, với sự ghi nhận thành tích xuất sắc của các doanh nghiệp tiêu biểu, các doanh nghiệp VNR500 nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ ngày càng vững vàng hơn để bước tiếp trên con đường kinh doanh đầy gian nan và thử thách phía trước.
 
Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 năm 2015 dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
PV.
 
 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top