Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lao động, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang đã mở rộng diện tích cây ăn quả. Nhờ cây trồng đặc sản mà những nông dân nghèo khó nay trở thành tỷ phú, triệu phú.
Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả
Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả các loại lên trên 77.000ha, vượt 4,74% so với mục tiêu đề ra vào năm 2020. Hàng năm, riêng sản lượng trái cây các loại đã đạt trên 1,5 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, kinh tế vườn là thế mạnh quan trọng của địa phương; trong đó, sầu riêng, thanh long, bưởi da xanh… là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, tỉnh xây dựng được vùng chuyên canh dứa (khóm)16.660ha trên vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), mỗi năm cho sản lượng gần 277.000 tấn quả/năm; vùng chuyên canh sầu riêng trên 11.600ha, sản lượng trên 254.000 tấn/năm; thanh long gần 7.000ha, sản lượng trên 194.000 tấn quả/năm… với gần 670ha cây ăn quả đặc sản được công nhận đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP.
Mới đây, Tiền Giang đã công bố chỉ dẫn địa lý “Sầu riêng Cai Lậy” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy.
Đáng chú ý, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cây trồng - vật nuôi ở địa bàn khó khăn phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tiền Giang đã khuyến khích nông dân phát triển cây ăn quả đặc sản trên vùng Đồng Tháp Mười, vùng ven biển Gò Công nhiễm mặn và vùng ngập lũ phía thượng nguồn sông Tiền với những cây trồng thích hợp, cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp đặc thù thổ nhưỡng địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, Tiền Giang còn quan tâm chuyển giao kỹ thuật canh tác, cập nhật những biện pháp canh tác tiên tiến trong nông dân thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm trình diễn, thâm canh theo hướng GAP…
Đặc biệt là xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có lợi thế của địa phương như thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, bưởi da xanh... gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa nhằm nâng sức cạnh tranh của nông sản, tạo nguồn hàng chất lượng cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Lãi tiền tỷ
Ông Võ Văn Nhì, ở xã Đạo Thạnh (thành phố Mỹ Tho) trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết, ông đã chuyển đổi 3.000m2 từ trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh sang trồng bưởi da xanh - loại trái cây đặc sản, chất lượng cao, thị trường rất ưa chuộng.
Theo ông Nhì, áp dụng tiêu chuẩn Viet GAP, nông dân trồng bưởi da xanh có nhiều cái lợi mà lớn nhất là tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm đạt độ đồng đều và thương lái thu mua với giá cao. Với 3.000m2 bưởi da xanh VietGAP,trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng.
Còn ông Huỳnh Thanh Lê (ấp 9, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) chuyển 1ha vườn tạp sang trồng chuyên canh sầu riêng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông đạt sản lượng 30 tấn quả, bán giá 50.000 đồng/kg, thu 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhờ cây trồng đặc sản mà những nông dân nghèo khó trước đây như ông Nhì, ông Lê…đã trở thành tỷ phú, triệu phú.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.