Trồng dâu nuôi tằm, đưa hoa lý từ vườn nhà lên đồi; liên kết với doanh nghiệp sản xuất rau sạch, đó là công việc của nhiều người dân.
Nghệ An: Hoa lý tăng giá, người dân chuyển lên trồng vườn đồi
Hiện, bà con các xã Nam Anh, Nam Xuân... (Nam Đàn) đang bước vào vụ thu hoạch hoa lý, với giá bán kỷ lục, giúp nhiều hộ có thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Từ chỗ trồng dàn hoa lý lấy bóng mát, đến nay đã thành nguồn thu nhập của người dân
Hoa lý được trồng vào đầu tháng 7 (âm lịch) năm trước, đến tháng 5 năm sau thì cho thu hoạch. Từ chỗ chỉ trồng dàn hoa lý làm cảnh, lấy bóng mát trước hiên nhà, rồi hái nấu canh hàng ngày; đến nay, khi nhu cầu tăng cao, bà con Nam Đàn phải chuyển ra vườn nhà, rồi vườn đồi. Cả xã Nam Anh có 9/9 xóm đều trồng hoa lý, mỗi hộ trung bình từ 1 - 3 sào.
Hiện, bà con đang tích cực thu hoạch hoa lý với niềm vui được mùa, được giá. Chị Nguyễn Thị Nhâm, xóm 6 Nam Anh, cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi nên hoa lý phát triển tốt, ít sâu bệnh, mỗi ngày tôi hái gần 40 kg, cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng.
So với năm 2017 thì năm nay, giá hoa lý đầu vụ tăng gấp đôi, thương lái thu mua tại nhà từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi những năm trước chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nếu bán lẻ có thể lên đến 50.000 đồng/kg.
Bà con cho biết, chưa năm nào hoa lý tăng giá như năm nay, chưa kể đến việc đầu ra rất ổn định. Tại xã có khoảng 5 - 6 thương lái thu mua hoa hàng ngày cho người dân, thậm chí nhiều gia đình không đủ hàng để nhập. Ông Hồ Viết Tam (xã Nam Anh) chia sẻ: Mỗi ngày tôi hái khoảng 50 kg hoa, với giá 35.000 đồng/kg, đã có thu nhập gần 2 triệu đồng; những nhà diện tích lớn có thể hái được 1 tạ/ngày, thu nhập 3 - 4 triệu đồng/ngày
Hoa lý đã mang về cho người dân "tiền tươi" mỗi ngày. Ông Trần Văn Nam - cán bộ Nông nghiệp xã Nam Anh cho biết: Hoa lý là cây trồng chủ lực của xã từ nhiều năm nay, đem lại thu nhập cao cho bà con. Từ 20 ha năm 2014, đến nay toàn xã đã có 65ha và ngày càng mở rộng. Hiện, bà con đã nhân rộng mô hình trong vườn nhà, vườn đồi, và cả dưới chân dãy núi Đại Huệ.
Bắc Ninh: Mô hình rau sạch của Hội Phụ nữ
Chị Nguyễn Thị Luyến, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) trở thành tấm gương tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ tự tin, đảm đang trong thời kỳ đổi mới vì sự mạnh dạn, quyết tâm trong việc vận động chị em tham gia sản xuất rau, củ, quả sạch đem lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản xuất rau củ quả an toàn của phụ nữ Cảnh Hưng
Là một cán bộ Hội đã được tham gia học tập ở nhiều lớp tập huấn về các kiến thức, kỹ năng sống cũng như các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chị Luyến đặt quyết tâm xây dựng thành công mô hình “vườn rau sạch”, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại thôn xóm mình sinh sống, để khẳng định hướng đi đúng đắn cho sản xuất nông nghiệp, và đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng.
Ý tưởng và kế hoạch của chị được Công ty Ty TNHH Một thành viên Hương Việt Sinh ủng hộ nhiệt tình, bởi Công ty cũng đang xây dựng mô hình cung cấp sản phẩm thực phẩm sạch với phương châm “sạch từ trang trại đến bàn ăn”.
Trước đó, chị Luyến đã mạnh dạn vận động 18 chị em là cán bộ, hội viên phụ nữ có vườn liền kề, với tổng diện tích 22 sào, thành lập tổ phụ nữ liên kết, ký hợp đồng với công ty Hương Việt Sinh sản xuất rau ăn lá an toàn.
Sau 1 tháng gieo trồng với kiến thức sản xuất rau sẵn có ở địa phương, kết hợp với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty, các chị đã có sản phẩm rau bảo đảm chất lượng, năng suất cao; 1 sào cho thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/vụ/tháng. Công ty ký kết thu mua sản phẩm với giá ổn định, và cam kết thu mua 100% sản phẩm thu hoạch. Kết quả này thực sự là niềm mơ ước của rất nhiều người dân, là cánh cửa giúp họ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Sau một thời gian hoạt động của tổ phụ nữ liên kết, không chỉ chị em và gia đình hội viên tham gia, mà cả người dân địa phương đều nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn. Từ đó, ý thức người dân trong việc gieo trồng, lựa chọn rau an toàn nói riêng và thực phẩm an toàn nói chung thay đổi rõ rệt.
Chị em có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình cũng như cung cấp cho thị trường. Thấy được hiệu quả từ sản xuất rau sạch đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, nhiều chị em các vùng liền kề, tiếp tục đăng ký vào tổ phụ nữ để cùng liên kết chuỗi.
Đến nay, tổ liên kết sản xuất của chị Luyên đã mở rộng diện tích, đưa vào gieo trồng 6 ha với 80 hộ gia đình phụ nữ tham gia. Bà con trồng nhiều loại rau ăn lá, củ, quả như: Rau cải các loại, cà chua, su hào, súp lơ, cà rốt, khoai tây, đậu, dưa chuột, lạc, đỗ...
Thành công của chị Luyến không chỉ đem lại nguồn lợi về kinh tế cho gia đình, và các hộ cùng tham gia, với mức thu nhập cao gấp 10-15 lần so với trước kia, mà quan trọng hơn là chị đã vận động thành công những người nông dân tại làng, xã thực hiện sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp cho người tiêu dùng, và nâng cao uy tín của tổ chức Hội.
Thời gian tới, chị Luyến mong muốn tiếp tục mở rộng diện tích rau sạch, để có thể giúp các hộ gia đình nông thôn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, cũng như cung cấp ra thị trường ngày càng nhiều hơn các loại rau an toàn. Phấn đấu để diện tích đất canh tác nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/sào/năm.
Lâm Đồng: Hỗ trợ 33 hộ đồng bào trồng dâu, nuôi tằm
Thực hiện Chương trình Dân vận khéo của UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng), Trung tâm Nông nghiệp Di Linh, đã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm cho 33 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Thôn 3, xã Gia Hiệp.
Trồng dâu nuôi tằm, giúp nâng cao thu nhập cho người dân
Theo đó, 33 hộ dân nói trên đã trồng với qui mô 132 ngàn hom giống dâu S7-CB tương đương 32ha với kinh phí đầu tư gần 53 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, còn lại 40% do người dân đối ứng. Bên cạnh đó, chương trình này còn hỗ trợ 30 triệu đồng (theo hình thức hỗ trợ 50%) xây dựng 2 mô hình nuôi tằm như: làm nhà nuôi, tằm giống, bộ khung sàn lưới, né tằm, khung đỡ né tằm…
Để giúp bà con thực hiện có hiệu quả trong việc trồng dâu nuôi tằm, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã mở 2 lớp tấp huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm cho bà con; đồng thời, hàng tuần trực tiếp hướng dẫn nông dân từ việc chăm sóc, tưới nước cho cây, đến việc xây dựng nhà nuôi tằm.
Được biết, hiện đồng bào dân tộc thiểu số ở Thôn 3, xã Gia Hiệp đã có 70 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm, tăng 50 hộ so với trước khi triển khai chương trình.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…