Mô hình trồng hành tím trong nhà lưới tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã mang lại hiệu quả cao và đang được nhân rộng. Đó là hướng sản xuất bền vững mà Vĩnh Châu đang hướng đến để cung cấp hành tím an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Trồng cây đặc sản
Người dân Vĩnh Châu trồng hành tím từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hành tím được xem là cây trồng truyền thống, đặc sản vùng đất này.
Thời gian sản xuất hành thương phẩm tập trung vào 3 tháng mùa nắng, bình quân năng suất đạt 15-20 tấn/ha. Thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá hành tím có khi tới 10.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có thời điểm giá hành xuống thấp chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Có năm tỉnh Sóc Trăng phải kêu gọi các cấp ngành, địa phương trong cả nước “giải cứu” thì mới có thể tiêu thụ hết hành tím của địa phương.
Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân có thể trồng hành tím cả trong mùa mưa. Theo đó, nhiều diện tích hành đã được khuyến cáo trồng theo quy trình VietGAP, trồng hành trên liếp cao, bờ bao vuông tôm, giúp hành không bị úng nước, thối rễ. Đặc biệt, mô hình trồng hành trong nhà lưới được Chi cục hướng dẫn người dân đã mang lại hiệu quả cao, đang được nhân rộng.
Hiệu quả vượt trội
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hằng năm, Sóc Trăng trồng hơn 6.000ha hành tím, sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn. Đa phần trồng hành tím sớm thì giá bán cao hơn nhưng dễ bị mưa ngập úng, khả năng phát triển của cây không tốt. Còn trồng muộn thì sâu bệnh tấn công nên ngành nông nghiệp chọn trồng hành trong nhà lưới, trồng trên bờ bao nuôi tôm để cây phát triển tốt, có hiệu quả hơn. Hiện nay, tỉnh hỗ trợ nông dân trồng hành tím theo hướng an toàn trong nhà lưới với diện tích 30ha”.
Ông Thạch Soal (ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu), hộ trồng hành tím trong nhà lưới, cho biết: “Sau hơn 1 tháng trồng hành giống trong nhà lưới, hành tím của tôi phát triển vượt trội so với trồng bên ngoài. Hành tím trong nhà lưới chỉ sử dụng phân hữu cơ, không có bướm và sâu hại xâm nhập. Còn hành tím ngoài nhà lưới thì phun thuốc, bón phân hóa học liên tục vì sâu bệnh tấn công, khi trời mưa lớn phải phun thêm thuốc dưỡng. Tôi thấy trồng hành trong nhà lưới tiết kiệm phân bón, thuốc hóa học, sản phẩm an toàn, chất lượng. Bây giờ có nhà lưới, thu hoạch xong vụ này, tôi trồng thêm vụ hành thương phẩm sớm để có lợi nhuận cao hơn”.
Đồng quan điểm, anh Thạch Bun Thol (ấp Âu Thọ), cũng trồng hánh tím trong nhà lưới, nói: “Tôi thu hoạch hành tím giống trong nhà lưới, bình quân năng suất đạt trên 1 tấn/công - 1.000m2. Lợi ích của hành trong nhà lưới là ít tốn chi phí, ít sâu bệnh, lại không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Năm nay, do sâu bệnh tấn công nhiều, người trồng hành giống ở ngoài nhà lưới năng suất rất thấp, nên hành giống chắc chắn sẽ được giá”.
Ông Phước phấn khởi nói, trồng hành trong nhà lưới, người dân có thể canh tác quanh năm. Vì trồng hành trong nhà lưới vào mùa mưa sẽ giảm được sự ảnh hưởng của nước mưa; mùa nắng hạn giảm được sự bốc hơi nước. Trồng hành trong nhà lưới giảm được sâu bệnh, nhất là sâu xanh da láng, là đối tượng dịch hại nguy hiểm trong vùng trồng hành. Mặt khác, bà con không phải tồn trữ hành giống lâu, giảm được hao hụt giống.
“Tuy bà con mới triển khai trồng hành trong nhà lưới và trồng hành trên bờ bao cao ở vùng nuôi tôm nhưng bước đầu đã cho hiệu quả vượt trội. Đây là một trong những giải pháp giúp người trồng hành Vĩnh Châu tăng thu nhập, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn”, ông Phước nhấn mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…