Không những phát triển mạnh cây ăn trái, Tây Nguyên còn nổi tiếng với nhiều làng hoa có tên tuổi, và nhân giống thành công nhiều loại lan rừng.
Làng hoa hồng dưới chân núi LangBiang
Không nức tiếng như xứ hoa Đà Lạt, nhưng ngược lên núi LangBiang, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi ngắm những vườn hoa thắm sắc ở Lạc Dương. Nơi đây, bà con đang dần định hình một vùng hoa mang thương hiệu và địa danh của miền sơn cước.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển sang trồng hoa đem lại thu nhập cao.
Chưa có tên tuổi như những làng hoa nổi tiếng ở Đà Lạt như: Vạn Thành, Xuân Thọ, Hà Đông…, nhưng người dân Lạc Dương vẫn tự hào về làng hoa dưới chân núi LangBiang.
Hơn một thập kỷ qua, từ những cành hoa đầu tiên bén rễ trên mảnh đất có độ che phủ rừng 80%, với những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng như khí hậu, đất đai, nguồn nước… cùng sự chăm sóc và niềm tin về một giống cây mới của người dân xứ núi, nhiều loài hoa nơi đây đã rực màu, mang lại sự trù phú cho vùng đất LangBiang hùng vĩ.
Là một trong những người đầu tiên cắm những cành hoa hồng xuống đất Lạc Dương, sau khi nếm trải sự bấp bênh của vườn rau được mùa mất giá, được giá mất mùa, anh Võ Văn Thành - khu phố Hợp Thành dần trở thành tỷ phú hoa hồng dưới chân núi LangBiang.
Hơn chục năm về trước, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau những vụ rau thất bại, anh Thành mượn tiền ngân hang, mua một chiếc xe cơ giới đi làm thuê kiếm sống. Những ngày tháng đi làm thuê đây đó, anh đã học hỏi được nghề trồng hoa của Đà Lạt.
Quay về quê, anh mạnh dạn mượn thêm tiền mua đất, làm nhà kính để trồng 1 sào hoa hồng. Mới đầu kinh nghiệm chưa nhiều, do đó vườn hoa của anh không đạt chất lượng dẫn đến thua lỗ.
Không nản chí, anh tiếp tục trồng lứa hoa khác cùng với việc đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, và mạnh dạn đầu tư công nghệ mới vào trồng hoa, và sống được với hoa.
Từ 1 sào hoa hồng ban đầu, anh mở rộng diện tích trồng hoa lên hơn 5 ha. Không những vậy, anh còn chịu khó đi sang các nước trồng hoa nổi tiếng như Hà Lan, Pháp, Anh để học hỏi các kỹ thuật sản xuất tiến bộ, tìm hiểu những giống hoa mới, và tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình.
Nhờ vậy, hoa hồng vườn nhà anh luôn có giá cao hơn so với những vườn xung quanh. Giờ đây, sau bao nhọc nhằn với hoa, gia đình anh đã có một cơ ngơi khang trang, với thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Cũng vất vả với nghề nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hơn chục năm qua, nhưng hai năm trở lại đây gia đình anh Nguyễn Văn Thuyên - khu phố Đăng Lèn đã có cuộc sống ổn định từ 2,5 sào hoa hồng giống mới.
Vườn hoa nhà anh đang thu hoạch năm thứ 2, mỗi ngày cắt khoảng 1.500 cành, giá trung bình 1.500 - 2.000 đồng/cành, và vào dịp lễ khoảng 3.000 đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh thu về 50 - 60 triệu đồng.
Đang tất bật cắt hoa để kịp chuyến xe đi Hà Nội phục vụ dịp lễ 20/10 sắp tới, anh Thuyên cho hay: “Nhờ vườn hoa hồng mà gia đình tôi nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn, và lo cho con có công ăn việc làm ổn định. Giờ chỉ còn hai vợ chồng già ở nhà, nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với vườn hoa hồng như “cái duyên” với nó”.
Ông Trần Xuân Đường - Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương cho biết: Từ năm 2010, mở rộng và phát triển nghề trồng hoa trong nhà kính, đã được đưa vào Nghị quyết của thị trấn.
Hiện, toàn thị trấn dưới chân núi LangBiang có gần 1.000 ha diện tích trồng hoa các loại, trong đó, 90% là hoa hồng. Hiện, huyện Lạc Dương đang làm thủ tục xây dựng thương hiệu hoa hồng LangBiang.
Đây là niềm vui không chỉ cho người trồng hoa, mà còn là sự khẳng định chất lượng của những bông hoa hồng, được trồng bằng sự chịu thương chịu khó và ham học hỏi của người dân nơi đây.
Giờ đây, đến Lạc Dương, những nhà kính nối tiếp nhau sáng đèn sưởi ấm cho hoa như ngàn sao lấp lánh khi đêm xuống. Hoa đã làm thay đổi cuộc sống, thay đổi tư duy, thay đổi “bộ mặt” của vùng đất này, đặc biệt là trong nhận thức của đồng bào DTTS.
Nếu anh Păng Ting Sin được biết đến là người DTTS đầu tiên ở Lạc Dương, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ rau màu sang trồng hoa, hơn chục năm về trước, thì nay, có đến 20% hộ đồng bào DTTS đã sống được với nghề trồng hoa.
Vẫn mải miết trong khu nhà kính 3 sào hoa hồng dù trời đã quá trưa, anh Kra Jãn Sron – Chi hội trưởng Hội nông dân khu phố Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương chia sẻ: “Trước đây gia đình mình trồng rau nhưng bấp bênh lắm, nay chuyển sang trồng hoa hồng được 2 năm, mỗi năm thu nhập khoảng 500 - 600 triệu đồng.
Hiện, cả 4 anh em trong gia đình đều trồng hoa hồng. Nhiều hộ dân trong khu phố thấy hiệu quả kinh tế từ trồng hoa, và được vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên cũng mạnh dạn vay tiền ngân hàng đầu tư nhà kính để trồng hoa hồng.
Khu phố có hơn 30 hộ trồng hoa hồng, nhiều hộ xây nhà khang trang, mua sắm đầy đủ phương tiện, trang thiết bị từ hoa hồng”.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, diện tích hoa các loại của huyện hơn 1.100 ha, tập trung ở thị trấn Lạc Dương, xã Lát, xã Đạ Sar, Đạ Nhim…
Vùng hoa chủ yếu là hồng và cúc, một số khác như ly ly, cát tường, cẩm chướng, đồng tiền… trên 525 triệu cành/năm. Doanh thu hoa trong nhà kính, nhà lưới khoảng 800 triệu đồng/ha/năm, có nơi hoa ly đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.
Hoa Lạc Dương hiện được tiêu thụ trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… và ngày càng được ưa chuộng bởi chất lượng cũng như mẫu mã.
“Xác định hoa là một trong những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương, vì vậy, huyện sẽ phát triển các vùng chuyên canh hoa theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, phù hợp từng tiểu vùng khí hậu.
Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến để tạo đầu ra ổn định cho người trồng hoa, cũng như nâng cao giá trị hoa Lạc Dương”, ông Hưng nhấn mạnh.
Gia Lai: Nhân giống thành công loài lan quý
Sau nhiều nghiên cứu, ứng dụng quy trình ươm giống lan rừng hoàng nhạn tháng 8, theo phương pháp nuôi cấy mô, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng Gia Lai đã nhân giống thành công loài lan quý hiếm này.
Ông Phạm Cường-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh-cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất các giống cây trồng mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã nghiên cứu được nhiều giống lan quý như: kim tuyến, giả hạc, hoàng thảo kèn…, đặc biệt là giống lan rừng hoàng nhạn tháng 8. Đây là một trong những giống hoa lan quý đã cạn kiệt do khai thác quá mức”.
Theo đó, để nhân giống, Trung tâm mua hạt giống của một số hộ đồng bào DTTS ở huyện Đak Đoa về gieo, sau đó chuyển sang phương pháp nuôi cấy mô tế bào trong phòng lạnh.
Sau nhiều tháng thử nghiệm và đưa ra trồng ở nhà lưới, cây sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện trồng và chăm sóc ngoài trời. Đặc điểm của giống lan này là lá ngắn, hoa có màu vàng tím và vàng trơn, mùi thơm bay xa, thường nở vào tháng 8.
Là một trong những người mê lan, anh Sin Ly (làng Dôr 1, xã Glar) cho biết: “Tôi chơi lan rừng 7 năm nay, chủ yếu chuyên dòng lan hoàng nhạn tháng 8. Năm 2013 trở về trước, dòng lan này còn nhiều, giá chỉ 50-150 ngàn đồng/kg. Hiện, trong rừng đã bị khai thác cạn kiệt.
Năm ngoái, tôi đã nhân giống được khoảng 300 cây, nhưng đến giờ đã bán gần hết, chỉ còn vài chục cây để chơi”.
Theo anh Ly, một cây lan hoàng nhạn tháng 8 đẹp có giá 10-15 triệu đồng. Đặc biệt, cây đột biến có giá rất cao. Hiện, nhiều người trong làng cũng trồng loài lan này vì giá trị kinh tế cao.
Cùng niềm đam mê chơi lan, anh Yô Na (làng Groi Wêt, xã Glar) kể: “Vườn lan của gia đình tôi có hơn 100 cây hoàng nhạn tháng 8 và giả hạc. Trồng lan mang lại hiệu quả kinh tế khá, nên tôi mới chuyên tâm theo đuổi.
Vừa rồi, thấy Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng nhân giống lan này thành công, tôi đã mua về trồng…”.
Theo ông Cường: Vài tháng nay, Trung tâm đã cung cấp khoảng 5.000 cây lan hoàng nhạn tháng 8, cho những người yêu thích hoa lan và các nhà vườn.
Hiện đã có trên 50.000 cây lan hoàng nhạn tháng 8 được Trung tâm chuyển từ phòng cấy mô ra nhà lưới. Sắp tới, sẽ nhân rộng giống lan này cũng như các loại lan rừng khác, mở ra triển vọng lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý, đáp ứng nhu cầu người chơi lan.
Đà Lạt: Hoa cúc giá cao, người trồng phấn khởi
Trái với cảnh ế ẩm đầu năm do dịch Covid-19, giá hoa cúc cắt cành tại Đà Lạt tăng cao và ổn hai tháng qua, nông dân rất phấn khởi.
Thu hoạch hoa cúc tại Phường 8, TP. Đà Lạt
Khảo sát các vùng chuyên trồng hoa cúc như: Làng hoa Thái Phiên, làng hoa Hà Đông, Đa Thiện… hiện, giá cúc lưới đang được thương lái thu mua tại vườn từ 35-40.000/bó (10 cành), cúc đóa khoảng 35.000, cúc AT giá từ 17 - 20.000 đồng/bó, thạch bích 20.000 đồng/bó, cúc ping bong giá 25.000 đồng/bó...
Với giá bán này, người trồng hoa cúc đảm bảo có lãi khoảng 30 - 35 triệu đồng/sào sau 3 tháng chăm sóc.
Ông Trần Văn Hùng, Phường 8, Đà Lạt cho biết, từ đầu năm đến nay, người trồng cúc Đà Lạt mới phấn khởi như vậy, bởi trong hai tháng nay giá hoa cúc ở mức cao và ổn định.
Nguyên nhân khiến giá cúc tăng mạnh và ổn định do việc chủ động cắt giảm diện tích khi thua lỗ nặng vì Covid-19, nên nguồn cung bị thiếu hụt khi nhu cầu tăng cao.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…