Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 4 năm 2019 | 9:56

Tuyên Quang: Hiệu quả lớn từ những vườn keo lai cấy mô

Hiện, Tuyên Quang đã đưa giống keo lai cấy mô, vào thay giống keo lai hom, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân từ kinh tế vườn rừng.

Bà Lê Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, keo lai nuôi cấy mô được trồng trên địa bàn tỉnh từ năm 2014, gần 1.800 ha.

 

keo-999.jpg

 Anh Hoàng, xã Thanh Hà chăm sóc rừng keo lai cấy mô

 

Chủ yếu giống BV10, BV16, BV32. Riêng năm 2018, trồng được hơn 859 ha theo Nghị quyết của tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2018 – 2021.

Trong đó, các hộ dân trồng 626 ha, 8 công ty lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên trồng 197 ha, khuyến nông trồng được 36 ha. 

Hiện, keo mô chưa đến tuổi khai thác, nhưng có nhiều ưu điểm do sinh trưởng nhanh. Được trẻ hóa, tỷ lệ sống 90% trở lên, trong vòng 3 năm tuổi, cây không ra hoa, tuổi thọ dài hơn 10 năm, có ưu thế hơn trong sản xuất gỗ lớn, năng suất có thể trên 100 m3/ha/chu kỳ 7 năm, và trên 150 m3/ha/chu kỳ 10 năm.

Theo đó, toàn tỉnh có 23 cơ sở sản xuất cây giống keo lai cấy mô, đủ phục vụ nhu cầu hàng năm. Trong đó, Trung tâm Thực nghiệm, thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào đã có nhà nuôi cấy mô, diện tích 433 m2, công suất 1,6 triệu cây/năm.

Anh Hoàng Văn Toàn, xã Thanh Phát (Sơn Dương) có 2, 5 ha đất vườn rừng, được hỗ trợ 4.000 cây keo lai cấy mô (hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón).

Sau 7 tháng, tỷ lệ sống trên 90%, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh, chiều cao trung bình 1,6 - 1,8 m. Chu kỳ 4 - 5 năm, đạt đường kính khoảng 40 cm, có thể thu hoạch làm nguyên liệu giấy.

Năm 2015, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình, bắt đầu trồng giống keo này, đến nay đã trên 122,5 ha. Anh Lâm Thành Trung, Trưởng phòng Kế hoạch, cho biết, so với keo lai hom, keo lai cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội.

Ví như, có độ dẻo dai, nên trong quá trình vận chuyển ít bị gãy, cây trồng trong điều kiện tốt, tỷ lệ sống từ 95% trở lên, trong khi các giống keo khác chỉ khoảng 80%.

Hiện, keo cấy mô sinh trưởng nhanh, chiều cao lớn hơn keo lai hom. Cây 4 năm tuổi cao hơn 10 m, đường kính hơn 30 cm; chống chịu gió bão, sâu bệnh tốt.

Cây trồng hiệu quả nhất, mật độ 1.620 cây/ha. Giá giống 2.700 - 2.900 đồng/cây, cao hơn keo giâm hom khoảng 1.500 đồng/cây.

Việc đưa keo lai cấy mô vào sản xuất là hướng đi đúng, để Tuyên Quang phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, trở thành “thủ phủ” rừng trồng của cả nước, đem lại lợi ích lớn cho người dân.

Hưng Yên: Kinh nghiệm chăm sóc nhãn kỳ khai hoa, nở nhụy

Đến thăm vườn nhãn của ông Nguyễn Văn Yêm, xã Hàm Tử (Khoái Châu), một trong những hộ có tiếng trồng nhãn, với 2 mẫu, chủ yếu là nhãn Miền Thiết, T6 và nhãn siêu ngọt.

 

n-69.JPG

 Kiểm tra nhãn ra hoa

 

Đang kiểm tra sâu bệnh, ông Yêm cho biết, nếu không phát hiện sớm để phòng chữa kịp thời, ngồng hoa sẽ héo nhũn, ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa vụ sau.

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nhãn Miền Thiết, cho biết: HTX hiện có 30 hội viên, khoảng 70ha nhãn. HTX xã đã khuyến cáo hội viên theo dõi sát sao dịch bệnh, phun thuốc phòng trừ nấm, bệnh, sâu bọ hại hoa, quả non, theo hướng dẫn của chuyên môn…

Để mùa nhãn luôn đến sớm, kết thúc muộn, thời gian thu hoạch kéo dài; cho hoa đậu quả theo ý muốn, cần áp dụng linh hoạt, lựa theo thời tiết và tình trạng cây.

Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ tịch hội đồng quản trị HTX nhãn lồng Hồng Nam, cho biết: “Tôi trồng trên 1 mẫu nhãn, chín sớm, chính vụ và nhãn muộn. Những ngày qua, nhiệt độ nóng – lạnh thất thường khiến cây sốc nhiệt, dễ rụng quả non ở trà nhãn sớm.

Vì vậy, tôi đang phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh, cắt tỉa bớt quả non, và bón phân đợt một cho cây. Chăm sóc nhãn là việc quanh năm, nhưng khi ra hoa, người làm vườn cần chú tâm hơn”.

Hiện, nhiều chủ vườn đang áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để cây ra hoa đều, đậu quả đúng thời điểm thuận lợi. Đặc biệt là phải đảm bảo dinh dưỡng cho cây 

Khoái Châu hiện có trên 1.671ha nhãn, ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp, cho biết: “Năm nay, nhãn cho hoa chỉ đạt 50 – 60%. Do thời tiết bất lơị, nhãn nở hoa muộn hơn 10 – 12 ngày, chùm hoa không dài và nhỏ hơn so năm trước”. 

Quảng Trị: Cảnh giác sâu bệnh hại lúa giai đoạn cuối

Năm nay, Quảng Trị có hơn 25.920 ha lúa. Thời tiết ấm đã giúp lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng, trổ sớm 7 - 10 ngày, khoảng 1 tháng nữa, có thể thu hoạch.

 

lua-33.jpg

 Phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa giai đoạn làm đòng.

 

Song, đang có một số sâu bệnh gây hại rải rác. Xác định đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất, chất lượng lúa, ngành Nông nghiệp đang tích cực phòng trừ.

Ông Trần Văn Quang, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, vụ đông xuân này gieo cấy hơn 14 sào lúa,  giống Khang Dân, HT1. Nhờ nước tưới đảm bảo, cộng với chăm sóc chu đáo, kịp thời nên lúa sinh trưởng tốt.

Song, hơn một tuần nay, ông hết sức lo lắng khi một số diện tích bị bệnh khô vằn, sâu cuốn lá gây hại cục bộ.

“Lúa đang về cuối vụ, giai đoạn làm đòng, trỗ bông rất quan trọng, quyết định năng suất, sản lượng lúa. Vừa lúc, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lại khuyến cáo bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, có khả năng tiếp tục phát sinh, gây hại.

Bởi vậy, bên cạnh việc phun thuốc phòng trừ, không để lây lan, tôi còn sử dụng thêm phân bón lá, giúp lúa khỏe mạnh, đủ sức kháng bệnh, trỗ bông”- Ông Quang chia sẻ.

Hiện, Hải Lăng có khoảng 550 ha lúa đang bị bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và một số loại bệnh khác. Trạm trưởng Trạm TT&BVTV Hải Lăng, Dương Văn Tuấn cho hay, thời gian tới thời tiết âm u, mưa nhỏ, đêm và sáng sớm có sương mù, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, gây hại, nếu không chủ động phòng trừ.

Dự báo từ 5/4/2019 trở đi, sẽ có một lứa sâu non cuốn lá nhỏ nở, gây hại bộ lá đòng, nếu không phòng trừ kịp, sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ, đặc biệt là trà lúa muộn.

Ngoài ra, rầy các loại cũng bắt đầu phát, mật độ 30 - 70 con/m2. Do vậy, Trạm TT&BVTV còn cử cán bộ thường xuyên thăm đồng, theo dõi sát diễn biến sâu, bệnh hại.

Cùng với các HTX tiến hành phun trừ các loại sâu bệnh theo quy trình kĩ thuật “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng - nồng độ, để ngăn chặn sâu bệnh lây lan.

Cần Thơ: Nâng chất lượng, tạo niềm tin rau an toàn  

Nhu cầu rau an toàn (RAT) ngày càng gia tăng. Song, có thực tế vẫn khó đến tay người tiêu dùng. Nguyên nhân  do giá thành cao, hệ thống phân phối khiêm tốn, trình độ người sản xuất hạn chế

Đặc biệt là niềm tin về chất lượng RAT của người tiêu dùng chưa cao. Vì vậy, Cần Thơ  đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp tạo dựng niềm tin về RAT cho người tiêu dùng”.

 

c-tho-666.jpg

 Sản xuất RAT tại quận Cái Răng. Ảnh: MỸ THANH

Kết quả khảo sát 100 người tiêu dùng, tại 3 quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy cho thấy, có đến 99% người tiêu dùng quan tâm RAT.

Trong đó, 91% đã từng mua RAT. Có 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua RAT: Uy tín nhà cung cấp, địa điểm thuận tiện, giá hợp lý, thái độ phục vụ, sự đa dạng chủng loại.

Theo bà Lê Thị Thúy Kiều, Chủ nhiệm Dự án, để RAT đi vào thói quen sản xuất, tiêu dùng là cả một vấn đề. Nguyên nhân chính, do trình độ nông dân chưa đồng đều.

Chi phí đầu tư cao, dẫn đến giá cao, khó tiếp cận; diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún… Hiện, không ít người sẵn sàng chi trả cao hơn cho RAT, nhưng họ chưa hoàn toàn yên tâm về sản phẩm...

Ông Lê Trần Hoàng Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Cần Thơ, chia sẻ: “Nhìn bên ngoài, người tiêu dùng không thể phân biệt RAT và không an toàn. Họ mua dựa vào niềm tin với người bán, không theo quy chuẩn cụ thể nào.

Hơn 80% số người được hỏi sẽ mua rau tại cửa hàng RAT. Nếu họ tin rau đó an toàn, sẵn sàng trả gấp 1,5-2 lần để được dùng ”.

Theo một số điểm kinh doanh RAT, nhiều người có nhu cầu tiêu thụ RAT nhưng chưa có hoặc không có khả năng chi trả nhiều hơn để mua RAT được chứng nhận.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về RAT cho tất cả người tiêu dùng, người sản xuất lẫn nhà phân phối cần đưa ra mức giá phù hợp khả năng chi trả người tiêu dùng.

Đồng thời, các bên phải có cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, giá cả...

Ông Trương Thành Đạt, Quản lý trang trại Ếch Ộp, TP Long Xuyên (An Giang), cho biết: “Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, tiến tới xây dựng thương hiệu, chúng tôi cam kết: không dùng thuốc BVTV, thuốc hóa học; thuốc kích thích sinh trưởng, nói không với giống cây trồng biến đổi gien; sử dụng kết hợp phân hữu cơ và phân hóa học”.

 Bà Trần Thị Kim Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, chia sẻ: “Chúng tôi chia sẻ với doanh nghiệp, người sản xuất vì RAT đầu tư chi phí cao. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất RAT”

Đồng thời, mở rộng điểm bán RAT đến chợ truyền thống với bao bì, nhãn mác rõ ràng, giá cả cạnh tranh, để có thêm nhiều người tiếp cận RAT...”.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top