Sau ba năm trồng thử, điều khiến ông Bùi Trọng Quát ngạc nhiên là mặc dù khí hậu ở Tây Nguyên nắng nóng hơn miền Bắc, nhưng cây vải thiều vẫn phát triển tốt và cho quả ngọt...
Vải thiều đến quê mới
Năm 1983, rời quê hương Hải Dương, ông Bùi Trọng Quát, sinh năm 1955, đưa gia đình vào lập nghiệp ở thôn 10, xã Hòa Sơn (Krông Bông, Đắk Lắk). Một vùng đất chỉ thích hợp với việc trồng cây lương thực, vậy mà suốt bao năm nhọc nhằn trên vùng đất khó, hết loay hoay với cây lúa, cây ngô lại đến cây sắn, quanh quẩn với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” làm cho cuộc sống của người nông dân nơi đây luôn gặp khó khăn. Song chuyển đổi sang trồng cây gì thích hợp lại là bài toán khó chưa có lời giải?
Nhân một lần về thăm quê, ông Quát mang vài cây vải thiều giống vào trồng ở trong vườn, kết hợp với một số loại cây ăn quả khác. Sau ba năm trồng thử, điều khiến cho ông ngạc nhiên là, mặc dù khí hậu ở Tây Nguyên nắng nóng hơn miền Bắc, nhưng cây vải thiều vẫn phát triển tốt và cho quả ngọt, ngay vụ đầu tiên, mỗi cây cho thu về trên 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, để mở rộng diện tích đòi hỏi phải am hiểu thổ nhưỡng và nắm vững kỹ thuật, rồi như một “cơ duyên” ông gặp được ông Trà Duy Khương, cán bộ kỹ thuật ở thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền. Nút thắt như được mở, tháng 10/2016, ông quyết định chuyển đổi 2ha trồng sắn kém hiệu quả sang trồng 400 cây vải thiều… Nhờ thường xuyên có mặt cán bộ kỹ thuật tại vườn để tư vấn, nên 400 cây vải phát triển, sinh trưởng tốt.
Đến nay, chỉ sau hai năm rưỡi trồng tỉa và chăm sóc, 2ha vải thiều của gia đình ông Quát đã cho quả. Ước tính vụ đầu tiên này gia đình ông thu hoạch được trên 10 tấn quả, thu về gần 300 triệu đồng.
Liên kết để mở rộng sản xuất và tạo “đầu ra” ổn định
Việc mở rộng diện tích trồng vải thiều của ông Quát không chỉ phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 1 lao động và 3 lao động thời vụ, với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/ người/tháng.
Từ hiệu quả mô hình trồng vải của ông Quát, nhiều hộ dân quanh vùng ở thôn 7, xã Hòa Sơn đã nhờ anh Khương tư vấn để chuyển đổi diện tích kém dinh dưỡng sang trồng vải… Riêng gia đình ông Quát năm nay sẽ trồng thêm 1ha vải.
Khi hỏi về dự định trong tương lai, ông Quát cho biết: Vải thiều không còn xa lạ với người dân Đắk Lắk, nhưng ở Krông Bông thì đây là cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế, ông mong muốn từ mô hình trồng vải của gia đình, sẽ nhân ra diện rộng để hình thành vùng chuyên canh thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ và góp phần vào việc chuyển đổi cây trồng trên vùng đất khó. Đồng thời ông cũng mong muốn sớm được liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, ổn định “đầu ra”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…