Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 9 năm 2018 | 16:59

Vùng đất anh hùng Cư Pơng “nở hoa”

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, xã Cư Pơng (Krông Búk - Đắk Lắk) là căn cứ cách mạng vững chắc của thế trận lòng dân.

Phát huy truyền thống hào hùng trong kháng chiến, ngày nay, đồng bào các dân tộc anh em xã Cư Pơng tiếp tục “gieo” mầm hoa trên những ngọn đồi căn cứ năm xưa.

tr7t.jpg
Nông dân xã Cư Pơng đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

 

Căn cứ địa cách mạng

Trong không khí hào hùng của những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 73 Cách mạng Tháng Tám thành công, phóng viên có dịp vượt qua những ngọn đồi trên Cao nguyên Đắk Lắk, tìm về vùng đất anh hùng Cư Pơng, trò chuyện cùng đồng bào Ê Đê, Jrai… từng tham gia kháng chiến.

Ông Y’Kha Mlô, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng, cho biết, từ những năm 1940, đồng bào Ê đê, Jrai đã giác ngộ cách mạng. Những ngọn đồi, những cánh rừng ở Cư Pơng trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc. Tuy đời sống khó khăn nhưng người Ê Đê luôn quyết đi theo con đường cách mạng của Đảng, cống hiến sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Y’Sơn Kpá (sinh năm 1936), buôn Xóm A, cho biết, ông  tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Trong những năm kháng chiến, đồng bào dân tộc Ê Đê đã nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, vũ khí cho bộ đội tại các điểm căn cứ trong những cánh rừng già xã Cư Pơng. Nơi đây là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, liên tục bị đánh phá. Gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhưng bà con các buôn làng Cư Pơng vẫn luôn kiên trung giữ vững niềm tin, đấu tranh cho đến ngày toàn thắng.

Ghi nhận đóng góp của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cư Pơng trong hai cuộc kháng chiến, năm 1994, Nhà nước phong tặng xã Cư Pơng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Nở hoa” trên vùng căn cứ

Sau ngày đất nước giải phóng, những người con Cư Pơng lại tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, “biến” những ngọn đồi đầy thương tích do chiến tranh thành vùng đất bạt ngàn hồ tiêu, cà phê… Vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến nay đã “nở hoa”.

Cư Pơng hiện không còn những con đường đất đỏ bazan, thay vào đó là hệ thống đường nhựa đi vào các thôn buôn.

Ông Y’Khu Ayun, Phó trưởng buôn Ea Klok, chia sẻ, những năm gần đây, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn được người dân hưởng ứng nhiệt tình.  Trước đây, đường giao thông đi lại khó khăn, từ khi có đường bê tông, đồng bào đến rẫy thuận lợi hơn.

Cư Pơng đã cơ bản hoàn thành tiêu chí đường giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 90% đường liên huyện, 32% đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Những ngôi nhà được xây bằng bê tông kiên cố dần thay thế những ngôi nhà ván tạm bợ. Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê được tu sửa kiên cố.

Trước đây, người dân bị bệnh chủ yếu tự chữa trị tại nhà, vì muốn đến bệnh viện phải vượt qua quãng đường hàng chục kilômét. Giờ đây, trạm y tế xã Cư Pơng đã được đầu tư hiện đại, đạt chuẩn Quốc gia về y tế; có máy xét nghiệm, máy siêu âm… cùng đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế, đáp ứng tốt nhu cầu khám - chữa bệnh của người dân.

Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, sản xuất lạc hậu theo kiểu “chọc lỗ tra hạt”, nhân dân Cư Pơng đã ổn định cuộc sống, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu đồng/năm; trong đó có 20% thuộc diện hộ giàu, có biệt thự, xe ôtô. Hiện Cư Pơng còn 587 hộ nghèo, chiếm 22,6%; có 535 hộ cận nghèo, chiếm 20,6%. Xã phấn đấu mỗi năm giảm trên 3% số hộ nghèo và tiến tới “nói không với nghèo đói”.

Cơ sở hạ tầng của xã được quan tâm đầu tư. Hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo nước tưới cho khoảng 70% diện tích cây trồng. 100% thôn, buôn trong toàn xã sử dựng điện lưới Quốc gia để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Những yếu tố này đã tạo thuận lợi để người dân phát triển kinh tế với các loại cây công nghiệp giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều... cùng các loại cây ăn quả xen canh như sầu riêng, bơ, chanh leo...

Ông Trần Thành, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng, chia sẻ: Xã hiện có trên 3.500ha cà phê kinh doanh, 213ha cao su, 217ha hồ tiêu… cùng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, mỗi năm đem lại giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Cư Pơng đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới và có 2 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn. Xã phấn đấu đến năm 2020 sẽ cán đích nông thôn mới.

 

 

 

Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top