Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 1 năm 2017 | 8:11

Xây dựng Tây Ninh thành địa phương điển hình về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” vừa diễn ra tại Tây Ninh.

Hội thảo do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Tạp chí Nhà quản lý tổ chức với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cùng đại điện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh thành; lãnh đạo các Ngân hàng; các Viện nghiên cứu, Viện Kinh tế; các nhà khoa học cùng các doanh nghiệp nông nghiệp tiêu biểu trong nước, lãnh đạo các Ngân hàng, Nhà đầu tư…

Về phía quốc tế có lãnh đạo Thành phố Sacramento Hoa Kỳ, lãnh đạo Tỉnh Ehime Nhật Bản, Đại sứ quán - Tổng Lãnh sự quán các nước tại Việt Nam (Nhật Bản, Hoa Kỳ, New Zealand, CHLB Đức, Hà Lan, Hàn Quốc…), lãnh đạo các Tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á, UNDP, UNEP, Đại học UC Davis, Viện Rodale; lãnh đạo các Tập Đoàn, Quỹ Đầu tư, Doanh nghiệp như ,Daiwa Capital, HT Captital, OTA Market, DCM Daiki - DIK, United Technologies Corporation, Emerson, Sunrise Orchards, Rodale Inc…

Hội thảo đã tập trung vào một số nội dung quan trọng, giới thiệu mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng liên kết chuỗi giá trị phát triển và ứng dụng mô hình mẫu tại Tỉnh Tây Ninh; tổng kết nhu cầu của thị trường nông sản thế giới và những lợi thế của Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng để tiếp cận thị trường quốc tế; xúc tiến đầu tư, kết nối các nguồn lực xã hội để thực hiện mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp và đưa các sản phẩm nông sản Việt Nam ra thị trường trong nước và quốc tế…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, nước ta có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, có đủ điều kiện phát triển toàn diện các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá lớn. Trong giai đoạn tới, tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao có sức canh tranh quốc tế, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đảm bảo nền nông nghiệp hàng hóa của nước ta có đủ thực lực để đứng vững và phát triển trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao việc Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh đã chủ động triển khai kịp thời chủ trương lớn của Đảng, Nhà Nước và Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành kịp thời các nghị quyết, chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp trở thành mũi nhọn quan trọng của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chủ động hội nhập thị trường thế giới và trong nước. Để thực hiện chủ trương trên, tỉnh Tây Ninh đã chủ động nghiên cứu, học tập các mô hình trên thế giới và trong nước; tổ chức nghiên cứu thị trường, quảng bá và tiếp thị ra quốc tế cho nông sản của tỉnh một cách bài bản, hiệu quả; liên kết các kênh phân phối nội địa có uy tín để tìm đầu ra cho nông sản. Từ đó, Tây Ninh đã bước đầu thu hút được nhiều nguồn lực lớn trong nước và quốc tế tham gia đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Ninh bền vững. Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh cần phát huy lợi thế so sánh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trên trục giao thông TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh (Campuchia), nơi có tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm cây công nghiệp có lợi thế như cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn quả..., có nhiều giải pháp đồng bộ để giữ chân và tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về với Tây Ninh, biến Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X của tỉnh trở thành kế hoạch hành động cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Đồng thời, tăng cường tập huấn, đôn đốc, kiểm tra cán bộ các cấp để tạo sự đồng thuận, thống nhất toàn tỉnh từ lãnh đạo đến cán bộ cơ sở. Có như vậy, mô hình phát triển nông nghiệp bền vững này mới thành công tại Tây Ninh.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

“Với kết quả, mục tiêu các bên đưa ra tại Hội thảo này, và các nhà đầu tư lớn quốc tế, trong nước đã và đang đăng ký đầu tư thực hiện các khâu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp, sau 05 năm triển khai mô hình “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế” thì GDP của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cán mốc 8 tỷ USD và thu nhập nông dân từ 1,5 nghìn USD/năm, lên 5 nghìn USD/ năm là hiện thực, việc Tây Ninh đăng ký trở thành nơi làm điểm mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững này là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài ra, Bộ NN & PTNT có cơ chế, chính sách, hỗ trợ tỉnh Tây Ninh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị; Ngân hàng Nhà nước có chính sách đảm bảo vốn và vay vốn ưu đãi theo các đề án được phê duyệt; các Bộ, ngành khác chung sức cùng với tỉnh Tây Ninh xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mô hình điểm sẽ trở thành nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết.

Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho rằng, sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa lớn trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng kinh tế quốc tế và tỉnh Tây Ninh cũng không nằm ngoài xu thế phát triển này. Do vậy, mục tiêu của tỉnh là các ngành hàng nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh phải tiến tới sản xuất theo chuỗi nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp không những đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng mà còn phải mang lại giá trị cao, tăng thu nhập, lợi nhuận ổn định cho người dân, góp phần thành công trong công cuộc hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh chủ trì phiên khai mạc Hội thảo

Hội thảo là tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác hơn nữa với các tổ chức quốc tế để xây dựng chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam hội nhập vào các thị trường lớn của thế giới; tổ chức truyền thông hiệu quả, thu hút thêm nguồn lực đầu tư để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đến các địa phương khác trong cả nước.

“Tây Ninh, viết tắt là TN, cũng là viết tắt của “Trách nhiệm”, “Tình nghĩa”. Đó là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền vào sự phát triển của cả tỉnh nhà, hay nói đúng hơn trước sự tụt hậu ngày càng xa hơn với hầu hết các địa phương trong khu vực. Ở một góc độ khác, đó cũng là trách nhiệm trong ứng xử với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tình nghĩa với bà con nông dân trong việc tham gia vào chuỗi giá trị này”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT khẳng định, mục tiêu phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

“Bộ NN và PTNT đánh giá cáo nỗ lực của Tây Ninh trong việc chủ động tiếp cận, làm việc với các đối tác lớn để đưa nông sản của Tây Ninh vào được các thị trường tiềm năng trên thế giới. Tây Ninh đã chủ động áp dụng công nghệ cao vào chuỗi giá trị từ khâu gieo trồng, chăn nuôi, đến các trung tâm hỗ trợ kĩ thuật, chợ đầu mối và nhà máy cũng như chủ động kêu gọi đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn bị cho chương trình phát triển tái cấu trúc nông nghiệp của tỉnh. Tôi cho rằng đây là sự chuẩn bị cần thiết, chu đáo, đầy đủ để phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuỗi giá trị hội nhập thị trường thế giới”, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, để thực hiện tốt các định hướng mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, ngoài những giải pháp cụ thể cho mỗi ngành, lĩnh vực, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp lớn: Rà soát, điều chỉnh bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu phục vụ tái cơ cấu, trước hết tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch sản xuất của các vùng kinh tế; quy hoạch phát triển các ngành hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản; các sản phẩm chủ lực; quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch.

Phối hợp chỉ đạo quyết liệt xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả hoạt động hội chợ, triển lãm, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích tiêu dùng nội địa; xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm thông qua chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam.

Tăng dần tỷ trọng các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến ở phân khúc giá trị gia tăng cao sang các thị trường “khó tính”. Đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường “ngách” nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh ưu tiên dành một phần quỹ đất công với diện tích khoảng 1.800ha (thu hồi từ các nông trường) tổ chức quy hoạch và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư có đủ nguồn lực, công nghệ và thị trường trong và ngoài nước thực hiện các dự án phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu theo chuỗi giá trị vào sản xuất. Những doanh nghiệp này sẽ làm nền tảng dẫn dắt nông dân, trang trại, doanh nghiệp địa phương cùng phát triển.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tây Ninh trưng bày tại Hội thảo

“Sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa lớn trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng kinh tế quốc tế và tỉnh Tây Ninh cũng không nằm ngoài xu thế phát triển này. Do vậy, mục tiêu của chúng tôi là các ngành hàng nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh phải tiến tới sản xuất theo chuỗi nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp không những đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng mà còn phải mang lại giá trị cao, tăng thu nhập, lợi nhuận ổn định cho người dân, góp phần thành công trong công cuộc hiện đại hóa nền nông nghiệp”, ông Tân khẳng định.

Cũng tại hội thảo, Ban tổ chức đã công bố các hợp đồng xuất khẩu ra thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu và hợp đồng nội địa; trao chủ trương đầu tư nhà máy chế biến cho Công ty Lavifood và công bố chiến lược phát triển hệ thống 5 nhà máy; trao chủ trương đầu tư trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nông sản và hệ thống chợ đầu mối cho Công ty Kết nối Xanh; trao chủ trương đầu tư chương trình đào tạo công nhân kỹ sư nông nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản của Công ty DIK do Tập đoàn Daiki đầu tư; trao quyết định đồng ý chủ trương về việc hợp tác đầu tư vào chuỗi giá trị tại Tây Ninh (sản xuất, chế biến, du lịch nông nghiệp…) của Công ty Sunrise Orchards - Hoa Kỳ; công bố hợp tác xúc tiến tài trợ của Quỹ Khí hậu Xanh - Liên Hợp Quốc vào phát triển hệ thống chuỗi cung ứng lạnh cùng Tập đoàn United Technologies - Carrier - Hoa Kỳ; ký kết hợp tác với Công ty Kiag của CHLB Đức về xây dựng hệ thống công nghệ quản trị chuỗi giá trị; ký kết hợp tác phát triển ứng dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và Organic tại Tây Ninh với Control Union Vietnam; ký kết hợp tác với Viện Rodale của Hoa Kỳ về ứng dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Tây Ninh; kết nối 10.000ha tham gia sản xuất cung ứng cho chuỗi giá trị của các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp; ký kết hợp tác với Quỹ đầu tư Daiwa của Nhật về việc phát triển sản xuất, chế biến nông sản trong chuỗi giá trị.

Quang Minh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top