Với kết quả kim ngạch 2,3 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022, ngành tôm hoàn toàn có thể tự tin đạt được mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm.
Tuy nhiên năm nay, vùng nước lợ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã ngọt sớm hơn mọi năm, gây khó khăn cho nuôi tôm nước lợ, dịch bệnh trên tôm gia tăng, đang đẩy ngành tôm vào tình trạng thiếu tôm nguyên liệu cục bộ…
Giá tôm nguyên liệu tăng cao.
Khó khăn trong nuôi tôm, sản lượng tôm thu hoạch giảm khiến các nhà máy chế biến tôm thiếu tôm nguyên liệu là vấn đề bức thiết được nêu ra tại hội nghị toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2022 mới đây.
Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 33%
Tại hội nghị, các doanh nghiệp hội viên VASEP và các chuyên gia đã phân tích vì sao kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu tôm trong 6 tháng đạt 2,3 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
“Kết quả xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm là tín hiệu vui cho ngành song vẫn còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm. Bên cạnh vấn đề cước vận chuyển, gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến sự Nga - Ukraine, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt là đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.
Phân tích những những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu tôm tăng cao, ông Nam cho hay do lạm phát ở các nước EU và Hoa Kỳ, nguồn cung nhiều loại thực phẩm giảm, đã đẩy giá tôm tiêu thụ ở các khu vực nay tăng cao.
Tại Việt Nam, giá tôm nguyên liệu cũng tăng cao đã đẩy giá xuất khẩu tăng lên. Mặt khác, chi phí cước tàu tăng đã góp phần “ảo” tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đã từng bước được ổn định nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại. Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2022 đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn thể VASEP, các doanh nghiệp đã nêu lên nhiều thách thức cho xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm. Theo đó, tại thị trường Hoa Kỳ giá tôm trong thời gian tới có thể sẽ giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ. Lại thêm tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia khiến bức tranh tôm ở đây có màu tối đối với tôm chúng ta.
“Điều này có ý nghĩa tích cực là các doanh nghiệp tôm sẽ không thiếu nợ nhiều hợp đồng tại thị trường này. Các doanh nghiệp tôm nước ta cũng liệu cơm gắp mắm, tập trung bán hàng vào các thị trường có mặt mạnh như tỉ suất lợi nhuận tốt, ổn định; có cách thức chế biến hàng phù hợp trình độ doanh nghiệp mình”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta chia sẻ.
Với thị trường Nhật Bản, bức tranh xuất khẩu tôm sáng sủa thể hiện rõ nét ở thị phần năm 2021 và 6 tháng năm 2022. Tiêu biểu là xuất khẩu tôm của các công ty Minh Phú, Sao Ta... mẫu mã sản phẩm tôm cung ứng thị trường Nhật Bản hết sức đa dạng, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt…, toàn là hàng tinh chế.
Mặt khác chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU) sẽ không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Một điểm cũng đáng nêu ra là chiến tranh Đông Âu khiến tỉ lệ lạm phát tại khu vực EU tăng cao, và Mỹ cũng rơi vào hoàn cảnh này, trong khi mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn, cũng là một lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ.
TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho hay năm nay nước sông Mekong dâng cao sớm, xuất phát từ biến đổi khí hậu tuyết tan nhiều hơn cộng với mưa nhiều ở thượng nguồn.
Nước tràn sớm về miền Tây khiến các sông có kết nối hệ thống sông Cửu Long đã ngọt sớm hơn mọi năm. Sông Mỹ Thanh và các chi lưu của nó, trọng điểm nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng, đã không còn chút độ mặn nào từ tháng 5, những điểm tiếp giáp cũng chỉ đạt độ mặn 0-2%. Điều này làm chùng tay người thả nuôi vì môi trường không đáp ứng nhu cầu sinh lý con tôm.
Mặt khác, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến khoảng 3 tuần. Nguyên nhân năm nay vi bào tử trùng phát tán diện rộng, thâm nhập từng ao tôm, nội tạng tôm, làm tôm chậm lớn, chết lai rai và dẫn tới thu hoạch sớm, khi cỡ tôm chưa đạt kỳ vọng.
“Hiện nhiều trang trại nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng đang vất vả vì dịch bệnh, thậm chí đã có trang trại phải đóng cửa. Nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì người dân chùn tay thả nuôi do dịch bệnh còn tiềm ẩn. Dẫn tới, Sao Ta vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu bên ngoài bởi vùng nuôi 320 ha của công ty mới chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu chế biến. Việc tự chủ hoàn toàn 100% nguyên liệu tôm là điều không thể vì hiện tại ngành tôm vẫn còn khá manh mún, tự phát”, TS Hồ Quốc Lực nêu thực tế.
Tương tự, ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex, chuyên mặt hàng tôm), cho biết vấn đề của ngành tôm nằm ở tính thời vụ. Năm 2021, do dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ, nhiều nhà máy đóng cửa, giảm công suất. Năm nay, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, khách hàng ai cũng muốn đặt hàng nhưng mùa vụ qua mất rồi nên không thể nào tăng diện tích thả nuôi.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, việc thiếu tôm nguyên liệu là khó khăn trong ngắn hạn của doanh nghiệp, nhưng cũng là lý do thôi thúc mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuỗi giá trị của mình một cách bền vững hơn.
Để ứng phó với vấn đề này, một số doanh nghiệp chọn giải pháp tăng tỉ lệ tôm chế biến có giá trị gia tăng để bán sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU, khắc phục bối cảnh nguyên liệu khan hiếm.
Năm nay, ngành tôm phấn đấu đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn. Mức phấn đấu này còn phụ thuộc thời tiết ở 6 tháng cuối năm, nhưng có căn cứ để đạt mốc này. Đó là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…