Chiều 7/7, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và tập huấn các quy định liên quan.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), từ năm 2016, Cục BVTV đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc. Sau thời gian dài đàm phán, Cục BVTV đã đạt được thỏa thuận với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật (KDTV) để xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm chính ngạch quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ đầu từ tháng 7/2022. Theo thỏa thuận về yêu cầu KDTV đối với chanh leo của Việt Nam, trước mắt Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bao gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Ngoài các yêu cầu về KDTV trước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi GACC và Cục Bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ghi chép và lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống Covid-19… đặc biệt là phải có cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
Để đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về KDTV và an toàn thực phẩm đối với chanh leo xuất sang Trung Quốc, Cục BVTV và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thống nhất cấp mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Phát biểu tại buổi lễ, Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Trung Quốc là đối tác rất quan trọng của Việt Nam trong việc xuất khẩu rau, quả tươi. Các quy định về KDTV và an toàn thực phẩm của nước này rất bài bản và chặt chẽ.
Thời gian tới, Cục BVTV sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp… rà soát lại toàn bộ các vùng trồng, trên cơ sở đó áp mã và gửi lại danh sách chính thức cuối cùng cho phía Trung Quốc. Sau khi được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, mới chính thức xuất khẩu được chanh leo sang thị trường này.
Đặc biệt, bà Hương đề nghị Sở NN-PNNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV của Bộ NN-PTNT về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.
Về công tác hoàn thiện mã số vùng trồng, Cục BVTV cho biết đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, các địa phương cần cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu này để các doanh nghiệp biết, tìm hiểu các vùng nguyên liệu. Đối với các đơn vị có vùng trồng, cần rà soát lại các điều kiện vùng trồng, củng cố, nâng cấp, đảm bảo đầy đủ quy định theo hướng dẫn xuất khẩu thí điểm từ phía Trung Quốc. Đặc biệt là những nội dung liên quan tới giám sát sinh vật gây hại và ghi chép nhật ký đồng ruộng.
Đối với cơ sở đóng gói, bà Hương đề nghị, bắt đầu từ cây chanh leo, có một số quy định rất mới so với trước đây, đó là đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải được đào tạo bởi Cục BVTV hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh.
Sau lễ công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Cục BVTV sẽ tổ chức ngay lớp tập huấn các quy định về KDTV, an toàn thực phẩm, hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu cho các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tài liệu đầy đủ, toàn diện về các yêu cầu liên quan từ phía Trung Quốc và cách thức triển khai thực hiện những yêu cầu đó trong điều kiện thực tế của Việt Nam để các địa phương có thông tin tham khảo.
Được biết, tiếp theo thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật đã gửi hồ sơ để đưa quả chanh leo sang thị trường Australia và Mỹ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.