Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 6 năm 2023 | 19:37

Bắc Giang: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng sử dụng người có ảnh hưởng trên mạng xã hội

Với những nhãn hàng có thương hiệu, việc sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm không còn xa lạ. Áp dụng phương thức này, lần đầu tiên, tỉnh Bắc Giang sử dụng lực lượng lớn KOL trong việc tiêu thụ nông sản qua livetream.

Thanh niên tỉnh Bắc Giang được tập huấn bán hàng nông sản thông qua hình thức livetream - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thông tin từ UBND Tỉnh Bắc Giang cho biết ngày 24/6, tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP" để tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn.

Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử xã hội.

Ông Cảnh Chí Quân, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thương mại điện tử đã trở thành một phương thức mua bán ngày càng phổ biến và quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0. Việc chuyển đổi từ việc bán hàng truyền thống sang thương mại điện tử đã mở ra một cánh cửa mới cho người dân, đặc biệt là nông dân và nhà sản xuất nông sản.

Trong dịp này, UBND tỉnh Bắc Giang đã quy tụ được hơn 40 người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) để livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như: Vải thiều, mỳ Chũ, tương La, bánh quế Ông Thọ, đông trùng hạ thảo… Buổi bán hàng trên nền tảng TikTok đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Sau hơn 4 giờ livestream, các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đã bán được lượng lớn hàng hóa với 5.182 đơn hàng, doanh thu 886 triệu đồng. Qua đó góp phần giới thiệu, lan tỏa hình ảnh quê hương Bắc Giang với nhiều sản phẩm đặc trưng đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. 

Chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Bước đầu, tỉnh hình thành vùng nguyên liệu tập trung sản xuất sản phẩm OCOP, quy trình chăm sóc được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu như: VietGap, hữu cơ, an toàn sinh học...

Quy mô sản xuất của các chủ thể OCOP đã tăng lên, thực hiện liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử,... Đặc biệt, thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đến nay, Bắc Giang đã có 205 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao. Đã có 122 chủ thể tham gia chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm 98 hợp tác xã, tổ hợp tác, 14 hộ kinh doanh và 10 doanh nghiệp. 

Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền của tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Top