Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 12 năm 2022 | 21:28

Bàn giải pháp phát triển ngành hàng rong biển

Chiều 2/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành hàng rong biển.

Tham dự hội nghị có một số lãnh đạo bộ ngành, cục, vụ Trung ương và cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Trường đại học Nha Trang và các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, những năm qua, ngành Thuỷ sản Phú Yên không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 56% giá trị sản xuất. Các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, tôm hùm; diện tích nuôi trồng thuỷ sản  hàng năm đạt khoảng 2.600ha.

Ngoài nuôi trồng phát triển thuỷ sản vùng đầm, vịnh, cửa sông, Phú Yên còn tiềm năng rất lớn để nuôi biển công nghiệp hàng nghìn hécta. Rong biển là loài thuỷ sản đặc sản của địa phương, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 300 tấn/năm, chủ yếu là rong câu, rong mứt. Thời gian gần đây, đối với một số diện tích nuôi thủy sản kém hiệu quả, người dân chuyển đổi sang trồng rong nho.

Phú Yên đã định hướng đến năm 2030, trồng rong nho khoảng 380ha, sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm tại một số vùng như vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (TX. Sông Cầu), đầm Ô Loan (huyện Tuy An), vùng biển mở… nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN  phát biểu.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, trên thế giới có hơn 200 loài rong biển có giá trị thương mại, tuy nhiên ngành trồng rong biển tập trung vào một số ít loài. Năm 2019, trên thế giới có 27 loài rong biển được nuôi trồng (chiếm 6,1% số loài thuỷ sản được nuôi trồng toàn cầu). Sản lượng thu hoạch rong biển chiếm gần 30% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản thế giới.

Đối với Việt Nam, tính đến 2014, Việt Nam đã ghi nhận được 827 loài, thuộc 4 ngành là rong lam 88 loài, rong đỏ 412 loài, rong nâu 147 loài và rong lục 180 loài. Vùng Trung bộ có tính đa dạng loài rong cao nhất trong cả nước, gồm: Quảng Ngãi 190 loài, Bình Định 78 loài, Khánh Hoà 516 loài, Ninh Thuận 121 loài, Bình Thuận 210 loài, Phú Yên 169 loài, Bình Định 78 loài. 

Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở nước ta khoảng 900.000ha, nhưng việc trồng rong còn sơ khai. Diện tích trồng rong biển giai đoạn 2005-2019 khoảng 10.150ha, sản lượng 120.000 tấn tươi. Trong đó, diện tích trồng rong câu khoảng 8.200ha, chiếm tỉ lệ cao nhất trong ngành trồng rong biển ở Việt Nam. Tiếp theo là rong sụn khoảng 1.550ha trên diện tích tiềm năng khoảng 10.000ha và sản lượng thu hoạch là 23.500 tấn; hiện đang trồng nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định cho năng suất 20-30 tấn/ha/năm, giá bán khoảng 0,1USD/kg, lợi nhuận ròng khoảng 48 triệu đồng/ha/năm. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2.840 tấn rong biển, trị giá khoảng 4,47 triệu USD tăng 138% so với năm 2018…

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN cho biết, tại hội nghị này các đại biểu cần tập trung thảo luận, đánh giá hiện trạng tiềm năng, những tồn tại hạn chế để tìm ra những giải pháp thiết thực, hiến kế cho bộ và tỉnh Phú Yên, chỉ đạo thúc đẩy cho sự phát triển rong biển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Đề nghị các địa phương ven biển quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nuôi trồng thủy sản nói chung và phát triển ngành rong biển nói riêng phát triển bền vững. “Tôi hy vọng một ngày không xa rong biển của Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày, lắng nghe, thảo luận một số vấn đề liên quan đến hiện trạng và định hướng phát triển rong biển; tiềm năng thị trường và giải pháp phát triển công nghệ chế biến, tiêu thụ rong biển; hiện trạng sản xuất và định hướng phát trển rong biển của các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phú Yên; hiệu quả một số mô hình trồng rong biển và nuôi thuỷ sản kết hợp với rong biển; một số kết quả nghiên cứu về phát triển rong biển…

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top