Mỗi năm nước ta sản xuất khoảng 28 triệu tấn trái cây, rau củ các loại. Mỗi khi đến kỳ thu hoạch, áp lực về tiêu thụ lên người sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền địa phương là rất lớn. Những lúc khó khăn đó, báo chí đã thể hiện được vai trò trong việc tuyên truyền, quảng bá các mô hình hiệu quả, cách làm hay, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Lan tỏa mô hình hiệu quả
Tại buổi gặp gỡ, nói chuyện với phóng viên, báo chí tại tỉnh Đồng Tháp vào cuối tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự đồng hành, nhiệt huyết, đam mê, trách nhiệm trong tuyên truyền của đội ngũ báo chí có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các chiến lược, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn mà các bộ, ngành Trung ương và địa phương đề ra.
Thông qua các hoat động, báo chí đã giúp người dân nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng có chất lượng và năng suất cao.
Bộ trưởng kỳ vọng, trong cách tuyên truyền, nhà báo đưa đến nông dân những thông điệp cụ thể, trước tiên giúp nông dân phải tự thay đổi, đó là tự tìm hướng đi, nâng cao giá trị nông sản, đó là làm ăn liên kết, mua chung bán chung… Với những cách nhìn mới, những bài báo sẽ gợi mở cho các bộ, ngành Trung ương, địa phương, nông dân sự nhìn nhận và có những quyết sách thay đổi, hỗ trợ phù hợp…
Trên thực tế, những năm qua, báo chí đã có nhiều đóng góp giúp chính quyền địa phương, người sản xuất tiếp cận nhanh, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiến bộ kỹ thuật, mô hình hay, cách sản xuất sáng tạo, hiệu quả.
Từ các mô hình hay, cách làm tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, báo chí đã kịp thời phản ánh, để nhân rộng. Qua những bài viết, nhiều người dân, nhà vườn đã tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó về phát triển kinh tế gia đình, trang trại và trở nên khá - giàu. Điển hình là mô hình VAC tổng hợp của ông Nông Văn Thắng (Đức Ninh, Hàm Yên, Tuyên Quang).
Ông Thắng tâm sự, đọc báo tôi biết ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có cây sưa đỏ trồng rất hiệu quả nên đã tìm đến học hỏi, mua giống về trồng. Giờ tôi kết hợp nhiều loại cây, trên cao trồng sưa, dưới thấp trồng bưởi; dưới nữa để phủ đất, chống xói mòn thì trồng cỏ lạc, nuôi gà, cá; trên cây bưởi nuôi kiến vàng để bắt côn trùng...
Từ các thông tin trên báo chí, ông Thắng đã nhạy bén trong việc chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Từ trồng đu đủ, ông chuyển sang trồng hồng Lục Yên (Yên Bái), thu tới 500 triệu đồng/năm; đến việc trồng bưởi (600 cây) kết hợp với trồng gần 2.000 cây sưa, kết hợp với nuôi gà, cá, tạo thành mô hình hữu cơ khép kín. Hiện, hàng nghìn cây sưa đã hơn 10 năm tuổi, giá trị kinh tế mang lại là rất lớn
Năm 2023, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) - thủ phủ của vải thiều với diện tích 17.357ha; sản lượng khoảng 98.000 tấn, hứa hẹn một mùa bội thu. Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tâm sự, báo chí là kênh truyền thông quan trọng, đa chiều, thông tin nhanh, giúp cho người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đặc biệt, báo chí góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, không chỉ nâng cao giá trị mà còn xây dựng đưa thương hiệu nông sản, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và thế giới. Báo chí thông tin kịp thời về giá cả, nhu cầu thị trường; tiến bộ kỹ thuật, cách làm mới, sản phẩm mới,mô hình hay, cách làm tốt, điển hình tiên tiến trong sản xuất, cũng như các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, truyền thông báo chí càng khẳng định được tầm quan trọng của mình.
Kết nối nâng cao giá trị nông sản
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, báo chí đã kịp thời giới thiệu các mô hình sản xuất mới, có hiệu quả đến với nông dân; giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng. Ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang được nhiều báo, tạp chí đưa tin về cách làm mới, những điển hình tiên tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; không ngừng giới thiệu, quảng bá về sản phẩm mới, thương hiệu nông sản Tuyên Quang.
Sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đảm bảo chất lượng, phục vụ xuất khẩu đi các nước châu Âu.
Bằng giá trị thật, thông qua các hình thức tuyên truyền của báo chí mà sản phẩm của nông dân Tuyên Quang được nhiều khách hàng tiêu dùng biết đến; góp phần vinh danh nhiều thương hiệu nông sản Tuyên Quang, như: Cam Hàm Yên là một trong 50 loại trái cây ngon nhất Việt Nam; chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá lăng được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng”, ông Việt cho biết thêm.
Báo chí góp phần kết nối, quảng bá sản phẩm nông sản của người dân đến với người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La), thông qua các hoat động báo chí, truyền thông đã giúp người dân nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng có chất lượng và năng suất cao, quảng bá sản phẩm nông sản của người dân đến với người tiêu dùng... Lan tỏa các mô hình điển hình tiên tiến, từ đó, qua thực tiễn người dân từng bước học hỏi và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, nâng cao giá trị nông sản, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới.
Còn ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, Bắc Giang là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều nông sản chủ lực, do vậy, báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cho tỉnh phát triển đúng hướng. Qua báo chí, giúp cho nông dân có cái nhìn đầy đủ hơn về nông nghiệp, từ đó giúp họ xác định được hướng sản xuất, hiểu biết về sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất hàng hoá, thậm chí cái mới là số hoá nông nghiệp, mô hình hợp tác, liên kết.
Cũng theo ông Tùng, báo chí tạo cho nông nghiệp Bắc Giang những khởi sắc. Qua báo chí, các thông tin về nông sản của Bắc Giang được thổi hồn, được “cất cánh”. “Thông qua báo chí, Bắc Giang nhận ra những tồn tại, hạn chế của mình. Ví dụ, thời kỳ chúng ta lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, thực hiện chuỗi chăm sóc theo vô cơ quá nhiều dẫn tới năng suất cao nhưng chất lượng thấp, những tiêu cực, hạn chế yếu kém ở cơ sở, khủng hoảng cung - cầu…, từ đó giúp cơ quan chuyên môn nhận ra để khắc phục”, ông Tùng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, chính nhà báo góp phần tạo giá trị gia tăng cho nền nông nghiệp từ việc truyền thông các mô hình mới, cách làm mới, sản phẩm mới. Giá trị của một sản phẩm bao gồm giá thành và các yếu tố vô hình như truyền thống địa phương, lịch sử, văn hóa...
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng. Bởi vậy, nhà báo cũng cần biết thổi hồn cho các sản phẩm. Muốn độc giả có cảm xúc với tác phẩm của mình thì trước tiên nhà báo cần đọc nhiều, đi nhiều, biết rung động, xúc động trước những sự việc mình chứng kiến.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.