Có thể nhiều người không biết, bản thân chính là đối tượng thụ hưởng lợi ích trực tiếp từ chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Khi gửi tiền tiết kiệm bằng VNĐ vào tổ chức tín dụng ̣(TCTD), người gửi tiền vô hình chung sẽ trở thành đối tượng được bảo vệ bởi tổ chức BHTG. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người gửi tiền chưa hiểu rõ về loại hình bảo hiểm này, cũng như còn nhầm lẫn giữa BHTG và các loại bảo hiểm thương mại khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thực tế cho thấy, hầu hết người dân trên cả nước hiện nay đều sở hữu cho mình ít nhất 1 loại bảo hiểm. Người lao động bắt buộc tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm y tế. Người sở hữu xe cơ giới thì có Bảo hiểm tai nạn. Những người có thu nhập tốt hơn thì tham gia cả Bảo hiểm nhân thọ để phòng ngừa rủi ro cho tương lai hay để lại một số tiền nhất định cho con cái.
Có rất nhiều loại bảo hiểm trên thị trường, được phân loại theo đối tượng hoặc hình thức tham gia. Nhìn chung, bảo hiểm được chia thành 2 loại chính là bảo hiểm thương mại và bảo hiểm do Nhà nước thực hiện. Tại Việt Nam hiện có 3 loại hình bảo hiểm thương mại chính bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm phi nhân thọ và Bảo hiểm sức khỏe. Còn bảo hiểm do Nhà nước thực hiện gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và BHTG. Trong đó, hoạt động BHTG có sự khác biệt với các loại hình bảo hiểm khác, đặc biệt là bảo hiểm thương mại.
Hoạt động của BHTG và bảo hiểm thương mại đều nhằm để bù đắp tài chính cho các đối tượng tham gia bảo hiểm khi họ gặp phải những rủi ro gây thiệt hại trong khuôn khổ bảo hiểm đang tham gia, nhưng hoạt động BHTG vẫn có những tính chất đặc thù và có sự khác biệt trong cả mô hình tổ chức lẫn cách thức hoạt động. Điều này được thể hiện rõ nét qua những yếu tố dưới đây:
Về loại hình: Bảo hiểm được chia thành 2 loại, bao gồm bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc. Trong đó: Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, đối tượng tham gia bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, hạn mức bảo hiểm,… Còn bảo hiểm tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người tham gia được quyền lựa chọn công ty bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, mức phí và quyền lợi bảo hiểm. Tham chiếu vào đó, BHTG thuộc nhóm bảo hiểm bắt buộc. Còn các loại hình bảo hiểm thương mại thuộc nhóm bảo hiểm tự nguyện.
Về tính chất hoạt động: Bảo hiểm thương mại là hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lợi. Còn BHTG là loại hình chính sách công hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, với vai trò cơ bản là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính quốc gia nói chung.
Về sự điều chỉnh của pháp luật: Với chức năng và vai trò mang tính chất đặc thù, hoạt động của BHTG ở Việt Nam không chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm như các loại hình bảo hiểm thương mại khác mà có quy định riêng điều chỉnh hoạt động BHTG, đó là Luật BHTG.
Về cơ chế bảo hiểm: Ở các loại hình bảo hiểm thương mại khác khi chủ thể tham gia bảo hiểm sẽ xuất hiện mối quan hệ trực tiếp giữa một bên là đối tượng bảo hiểm và một bên là đối tượng được bảo hiểm. Còn ở BHTG thì khác, mặc dù người gửi tiền là người được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách BHTG nhưng không xuất hiện mối quan hệ trực tiếp giữa người gửi tiền và tổ chức BHTG trừ trường hợp xảy ra đổ vỡ TCTD. Trong trường hợp TCTD bị giải thể hoặc phá sản thì BHTG sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả tiền gửi cho người gửi tiền với hạn mức bảo hiểm là 125 triệu đồng cho mỗi khoản tiền gửi tại một tổ chức tham gia BHTG. Số tiền vượt quá 125 triệu đồng người gửi tiền sẽ được nhận trong quá trình thanh lý tổ chức tham gia BHTG với thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về giải thể hoặc phá sản.
Về đối tượng tham gia: Ðối tượng tham gia của các loại hình bảo hiểm thương mại là các tổ chức hoặc cá nhân. Còn theo quy định đối với BHTG, trừ ngân hàng chính sách, bất cứ một tổ chức nào có hoạt động huy động tiền gửi của dân cư thì phải tham gia BHTG, bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân.
Về đối tượng nộp phí bảo hiểm: Bảo hiểm thương mại được vận hành theo cơ chế tự nguyện. Các tổ chức, cá nhân khi ký hợp đồng với các công ty bảo hiểm thương mại sẽ phải nộp phí và nhận được sự bảo vệ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Còn đối với BHTG tại Việt Nam, luật quy định các TCTD có nhận tiền gửi đều bắt buộc phải tham gia BHTG. Người gửi tiền là bên được bảo vệ, song trách nhiệm đóng phí thuộc về các TCTD nhận tiền gửi, việc đóng phí dựa trên tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức đó theo tỷ lệ do pháp luật quy định.
Tóm lại, BHTG là công cụ tài chính được Chính phủ sử dụng để bảo vệ người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Ở Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất 01 tổ chức BHTG là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), với Trụ sở chính tại Hà Nội và 08 chi nhánh BHTG khu vực đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Trải qua gần 24 năm hoạt động và lớn mạnh, BHTGVN ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của hệ thống tài chính quốc gia, giúp củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng, góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn để phát triển kinh tế đất nước.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.