Huyện Lai Vung có diện tích cây có múi lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với hơn 6.000 ha, gồm 2.700 ha quýt đường, 2.300 ha cam, gần 900 ha quýt hồng, còn lại là cây có múi khác. Trong đó, quýt hồng đã gắn bó với nông dân huyện Lai Vung hơn 50 năm qua.
Từ lúc bắt đầu trồng cho đến năm 1999, diện tích quýt hồng liên tục phát triển và đạt hơn 1.000 ha. Năm 2000, lũ lớn đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển và gây hại nên diện tích quýt hồng suy giảm về dưới 400 ha. Sau đó, diện tích tăng trở lại liên tục hằng năm do giá cả tiêu thụ luôn ở mức có lãi cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Đỉnh điểm phát triển được tích lũy từ 2010 đến 2014, mỗi năm tăng bình quân hơn 100 ha, nâng tổng diện tích lên gần 1.200 ha. Các cây quýt đường, cam soàn cũng bắt đầu phát triển mạnh từ những năm này và tăng năm sau cao hơn năm trước, góp phần nâng tổng diện tích cây có múi của huyện lên 5.280 ha (năm 2018).
Thu hoạch quýt hồng ở Lai Vung. Ảnh: Trang TTĐT huyện Lai Vung
Trong thời gian này, tùy thời điểm giá cả lên xuống nhưng nhìn chung, nông dân trồng quýt đều có lãi, đa số có đời sống khá sung túc. Song song đó, nông dân trồng quýt đã ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như bao trái, tưới tự động, tưới nhỏ giọt, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP v.v. đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, từ đó nâng cao kinh tế gia đình.
Kèm theo sự thâm canh tăng năng suất thì sâu bệnh cũng phát triển theo. Bắt đầu từ khoảng năm 2012, các vùng quýt hồng truyền thống xuất hiện hiện tượng vàng lá thối rễ, héo xanh, tỷ lệ bệnh tăng dần qua các năm. Đến năm 2017, bệnh tăng vọt về diện tích và mức độ, trong đó có cả cây quýt đường và cam soàn. Theo thống kê, toàn huyện có 5.372 ha cây có múi nhiễm bệnh nặng, trong đó có hơn 2.500 ha không cho năng suất, nhà vườn đã đốn bỏ 1.500 ha cây có múi các loại.
Trước tình hình đó, chính quyền, ngành chức năng và các nhà khoa học đã vào cuộc. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ đã khảo sát và nhận thấy hầu hết các vườn cây bệnh đều có pH thấp, thiếu hữu cơ trầm trọng dẫn đến đất bị nén chặt, tạo điều kiện cho tuyến trùng phát triển, chích hút mở đường cho các nấm bệnh tấn công gây dịch bệnh.
Nhận thấy tính khả thi và khoa học của các kết luận trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nghiên cứu biện pháp khắc phục và bước đầu đã đề ra quy trình áp dụng mang lại hiệu quả cao.
Năm 2021, quýt hồng Lai Vung chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Những sản phẩm mang nhãn hiệu Quýt hồng Lai Vung là nhãn hiệu được cấp cho sản phẩm quýt hồng được trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh trên địa bàn 04 xã: Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành, Long Hậu thuộc huyện Lai Vung.
Các nông hộ tham gia các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ với các doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời, VinEco v.v. để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản. Một số Hội quán trồng quýt đã ký tiêu thụ nông sản với các siêu thị, cửa hàng, bếp ăn. Nông dân đã liên kết tạo thành các vùng trồng quýt lớn như ở xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước của huyện Lai Vung.
Cây quýt hồng, quýt đường Lai Vung không chỉ thu hoạch quả, làm cây kiểng để bán mà còn được làm dịch vụ du lịch cho khách đến tham quan, trải nghiệm vào thời gian thu hoạch Tết. Đặc biệt, với công nghệ chế biến mới, ép dầu, sấy vỏ quýt, những quả xấu không đạt tiêu chuẩn trong quá trình thu hoạch được phân loại và vẫn bán được thay vì bỏ đi như trước đây, góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho trái quýt.
Nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm quýt, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách. Ngoài Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung thì Đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020 - 2024 là một đề án riêng với mục tiêu phát triển ngành hàng tiềm năng của địa phương.
Uỷ ban nhân dân huyện Lai Vung tập trung bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung” tại các xã: Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long. Để bảo tồn tốt diện tích quýt hồng, Đề án cũng khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ để khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh trên cây có múi.
Việc xây dựng thành công thương hiệu quýt của Lai Vung đã góp phần nâng cao được sức cạnh tranh của ngành hàng quýt, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân địa phương.
Từ ngày 5 - 8/01/2023, Lễ hội Quýt hồng Lai Vung sẽ chính thức diễn ra. Đây là lần đầu tiên, Lễ hội Quýt hồng Lai Vung được tổ chức nhằm tôn vinh thương hiệu quýt hồng, đồng thời thổi ngọn gió lành, góp phần hồi sinh “vương quốc” quýt hồng nổi tiếng ở vùng đất Chín Rồng.
Theo dongthap.gov.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.