Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 4 năm 2023 | 15:36

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nếu không có hợp tác xã thì vẫn là sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh tại Tọa đàm “Phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong giai đoạn mới” diễn ra ngày 6/4.

Toàn cảnh tọa đàm.

Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Trên cơ sở đó, Đảng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức hợp tác xã, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

Toạ đàm “Phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong giai đoạn mới” sẽ tập hợp các tham luận củng cố nhận thức đúng đắn để có chính sách phù hợp với tổ chức kinh tế tập thể, đồng thời thảo luận về Luật HTX 2012 sửa đổi tạo động lực mới cho kinh tế tập thể.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nếu không có hợp tác xã thì vẫn là sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Lúc đó không thể chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không thể tạo ra được sản xuất đa giá trị như Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra. Đây là lúc chúng ta lấy lại niềm tin cho hợp tác xã. Niềm tin này không chỉ là nông dân tham gia vào hợp tác xã mà cả bộ máy chính trị. Niềm tin đó sẽ tạo ra nguồn vốn, nguồn lực cho hợp tác xã.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp đến là Luật Hợp tác xã… khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, có tương đối đồng đều ở các địa phương nhất là các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Đặc biệt, xu hướng hiện nay là ngày càng nhiều lao động trẻ có chuyên môn cao khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã. Như trong 13 mô hình hợp tác xã hiệu quả ở ĐBSC có đến 10 hợp tác xã có giám đốc là lao động trẻ, vì nhiều lao động trẻ ở TP. Hồ Chí Minh quay về nông thôn xây dựng mô hình này.

Cũng theo ông Bảo, sự huy động nguồn lực của bản thân hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo, nâng cao kiến thức quản lý… đi vào cuộc sống. Người dân trong hợp tác xã thực sự được hưởng thụ thành quả dù số lượng chưa lớn.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.

Con số thống kê cho thấy, có khoảng 40% sản phẩm OCOP là do các tổ hợp tác, hợp tác xã; 70% sản lượng lương thực là của hợp tác xã; rau củ quả, cây công nghiệp cũng chiếm 40% trở lên, hợp tác xã cũng phát triển mạnh trong vận tải… Điều này cho thấy, mô hình hợp tác xã có thể phát triển ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Ông Bảo khẳng định, sản xuất theo chuỗi giá trị, tuần hoàn, sản xuất xanh, đảm bảo bền vững không còn cách nào khác là các hộ cá thể và cả doanh nghiệp phải tham gia vào hợp tác xã. Đây là mô hình tất yếu của trong nước và thế giới.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (tỉnh Hải Dương) cho biết, các điều chỉnh, sửa đổi trong dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đang được hợp tác xã rất quan tâm. Đó là những quy định về: mở rộng đối tượng thành viên; nâng mức góp vốn; không giới hạn việc quy định trong cung cấp dịch vụ của hợp tác xã cho thành viên, tạo hợp tác xã phát triển thoải mái hơn, thi đua sản xuất tốt hơn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ phải tạo động lực cho hợp tác xã trong giai đoạn mới phù hợp với phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp luật để người dân tự nguyên tham gia, có sự quản trị dân chủ; huy động được nguồn lực của các thành viên hợp tác xã, các chính sách của nhà nước.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông chia sẻ về điểm nghẽn của HTX.

Về những khó khăn của hợp tác xã hiện nay, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là do hai điểm nghẽn lớn nhất là đất đai về vốn. Riêng về vốn, Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ có nhiều điểm mới để hợp tác xã tiếp cận vốn dễ dàng hơn là phải minh bạch, phải được kiểm toán. Cho phép cho tài sản chung của hợp tác xã không chia sẻ được thế chấp ngân hàng, trừ khoản hỗ trợ nhà nước. Cùng với đó là đẩy mạnh khuyến khích các thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho vốn của hợp tác xã phong phú hơn trong thời gian tới.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top