“Ngành tôm hiện nay đang đứng trước khó khăn rất lớn, nên cần nhiều mô hình nuôi hiệu quả đưa vào sản xuất và nhân rộng để con tôm Việt Nam cạnh tranh được với tôm nước ngoài.
Cục Thủy sản cần tổng hợp lại xem, Nhà nước phải làm gì, địa phương phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì, nông dân phải làm gì thì mới hiệu quả được. Từ đó tạo bước ngoặt mới để đẩy mạnh phát triển ngành hàng tôm”.
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm, trong khuôn khổ sự kiện Festival Tôm Cà Mau vừa diễn ra.
Không thua kém bất cứ quốc gia nuôi tôm nào
Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin, mục tiêu phát triển ngành tôm giai đoạn 2021 - 2025 đạt tổng sản lượng 1.100.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,4 tỉ USD. Trong giai đoạn 2025 – 2030, tổng sản lượng 1.300.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu 12 tỉ USD.
Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong 2 thập kỷ qua. Các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn quốc.
Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng hàng đầu thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 lập kỷ lục, đạt 4,3 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên, sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng 10 - 15%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành hàng tôm đứng trước những thách thức lớn từ giống, cách nuôi, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu… nhưng không thua kém bất cứ quốc gia nuôi tôm nào.
Thứ trưởng cho rằng, ngành tôm Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp tham gia ở tất cả các chuỗi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cùng với người nuôi đặc biệt chú ý đến yếu tố môi trường, hướng đến nền nông nghiệp sạch.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Theo báo cáo đánh giá kết quả khảo sát ngành tôm toàn cầu năm 2023 của Liên minh Thủy sản toàn cầu, sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn, giảm 0,4% so với năm ngoái. Nhưng theo dự báo, sản lượng tôm sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2024, đạt 5,88 triệu tấn; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong nuôi tôm toàn cầu.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh luôn cho năng suất cao phục vụ xuất khẩu của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh
Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Những năm qua, ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều năm liền tỉnh dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đến cuối năm 2023, sản lượng tôm nuôi của Cà Mau ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD.
Ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 89% trong tổng giá trị sản xuất, chiếm khoảng 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Cà Mau. Cùng đó, ngành tôm chi phối đến đời sống của khoảng 600 nghìn người, trên 50% dân số của tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hơn 350 nghìn lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300 nghìn lao động.
“Tuy đạt nhiều kết quả nhưng trong khoảng 10 năm nay, nhiều người nuôi tôm đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, không vay được vốn, không có vốn nên người nuôi tôm phải mua nợ thức ăn cho tôm lên đến 35.000 đồng/kg, trong khi nếu mua tiền mặt chỉ khoảng 26.000 đồng/kg”, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nêu dẫn chứng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhìn nhận, tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng phải thừa nhận rằng, tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, cụ thể như quy hoạch phát triển ngành tôm còn nhiều bất cập; hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát.
Đặc biệt, môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao… nên khả năng cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.
Từ khó khăn của ngàng hàng tôm Cà Mau, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thẳng thắn nhìn nhận ngành tôm cả nước, nhất là vùng ĐBSCL, đang tồn tại 6 điểm nghẽn chính cần chung tay từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhất là người nuôi tôm hợp sức tháo gỡ, đó là: Hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn thiếu và không đồng bộ. Chất lượng giống còn thấp, chưa lai tạo hay nhập được tôm giống tốt (tôm bố mẹ). Công nghiệp chế biến tuy có cải tiến nhưng vẫn còn thấp so với thế giới, dẫn đến chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát thải thấp mới chỉ ở sơ khai bước đầu và còn nhiều thách thức phải đối mặt. Liên kết giữa vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chưa chặt chẽ (chuỗi liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, do vậy không tạo sức mạnh cạnh tranh cao). Chưa chủ động sản xuất nguồn thức ăn tôm trong nước, trong khi 65 - 70% nguyên liệu thức ăn tôm phải nhập hoặc lệ thuộc vào doanh nghiệp từ nước ngoài.
Về vấn đề này, đại diện Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phân tích, sản xuất tôm toàn cầu đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức: giá cả thị trường, chi phí thức ăn, phòng chống dịch bệnh và chất lượng tôm bố mẹ.
Từ những khó khăn trên, giải pháp được tỉnh Cà Mau đề ra là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn; đa dạng hoá hình thức đầu tư và thu hút nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào phát triển ngành tôm. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (nuôi tôm sinh thái, hữu cơ, có chứng nhận...); giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, hướng tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; tận dụng hiệu quả các phế, phụ phẩm trong chế biến tôm để sản xuất các mặt hàng gia tăng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nêu trọng tâm.
Đồng thời, ông Sử cho biết: Cà Mau mong muốn thông qua Hội nghị về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm, tỉnh sẽ nhận được những ý kiến góp ý vì mọi mặt. Trên cơ sở đó, Cà Mau sẽ điều chỉnh kế hoạch với những giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành tôm Việt Nam nói chung và ngành tôm tỉnh Cà Mau nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững trong trong tương lai.
Công nghệ là động lực quan trọng
Từ khó khăn của tỉnh Cà Mau trong phát triển ngành hàng tôm, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” từ khâu con giống, thức ăn, đến quy trình nuôi, chuỗi giá trị ngành tôm…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà hội nghị mang lại. Nhiều tham luận có ý nghĩa quan trọng trong ứng dụng thực tiễn, bên cạnh đó, nhiều giải pháp cụ thể cũng được đưa ra, góp phần tháo gỡ khó khăn, thách thức của ngành tôm Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Đặc biệt, các giải pháp khoa học công nghệ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành hàng tôm trong thời gian tới.
Đặc sản tôm khô Cà Mau đã vươn xa trên thị trường.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thủy sản tổng hợp lại những tham luận này, từ đó cùng người nuôi, nhà khoa học, các địa phương trong nước tìm giải pháp ứng dụng vào thực tế sản xuất. Thực tế đã chỉ ra, công tác phối hợp vẫn là khâu rất yếu, do đó, thời gian tới, trong toàn ngành tôm cần phải đồng bộ khắc phục vấn đề này, vì mục tiêu chung đưa ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau 2023, hàng trăm đơn vị đã mang đến những công nghệ tiên tiến nhất phục vụ cho hoạt động nuôi tôm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành tôm Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.
Tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của năm 2023 ước đạt hơn 53 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia. Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm, chiếm 28% kim ngạch cả nước và vẫn duy trì mức 1 tỷ USD trong 3 năm tới.
Theo Phó Thủ tướng, ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp. Trong đó, có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau, của vùng ĐBSCL và của cả nước nói chung.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.