Được thiên nhiên ưu đãi nên Cà Mau từ lâu được biết đến là nơi nhiều tôm, cá, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Thế nhưng, tình trạng khai thác tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản cả 3 vùng sinh thái mặn – ngọt – lợ của tỉnh này bị suy giảm nghiêm trọng. Để khắc phục, Cà Mau đang nỗ lực tập trung các giải pháp bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản.
Cua Cà Mau là thương hiệu nổi tiếng cua ngon nhất Việt Nam.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế địa phương, ngày 26/02/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá kết quả chỉ thị này, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông bằng nhiều hình thức, Cà Mau đã đạt được kết quả tích cực ban đầu, tạo thành phong trào và nâng cao nhật thức, ý thức tự giác, trách nhiệm toàn dân trong chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn toàn tỉnh”.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, từ sự tuyên truyền và vận động của các cấp, nhiều hộ dân đã tự giác, tự nguyện giao nộp được 1.809 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản; đồng thời tịch thu và tiêu hủy 573 bộ dụng cụ kích điện. Các đơn vị cấp huyện phối hợp với cấp xã đã tuần tra, kiểm tra phát hiện xử lý 618 vụ với số tiền xử phạt trên 2,5 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng công cụ kích điện khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép. Ngoài ra, xử phạt 01 trường hợp kinh doanh, tàng trữ dụng cụ xung điện trái phép với số tiền 12,5 triệu đồng và tịch thu 03 bộ kích điện…
Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân
Những điển hình tập hợp quần chúng tham gia tích cực, tạo sức lan tỏa, toàn dân cùng tham gia chống khai thác tận diệt, hủy diệt, có thể kể đến, như huyện Đầm Dơi đã tổ chức xây dựng được 71 Tổ cộng đồng với 653 thành viên tham gia; huyện U Minh xây dựng được 04 Tổ cộng đồng với 258 thành viên tham gia; huyện Ngọc Hiển đang rà soát, chọn 07 điểm dự kiến xây dựng tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản. Đây được xem là giải pháp quan trọng trong việc tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.
Tại Đầm Dơi, ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện cho biết,bà con rất đồng tình ủy hộ thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã có sự tham gia tích cực, nâng cao trách nhiệm, tạo thành phong trào toàn dân cùng tham gia vào các tổ cộng đồng chống khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, làm chuyển biến tình hình thấy rõ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Hiền, huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn, đó là hiện vùng giáp ranh thường xuyên xuất hiện người tỉnh lân cận sang khai thác thủy sản tận diệt và chúng tôi đã kiên quyết đấu tranh, xử lý. Để mang tính răng đe, huyện đã mở phiên tòa lưu động và tới đây sẽ có thêm 1 trường hợp xử lý tương tự nhằm nâng cao ý thức sâu sắc của sự vi phạm, cũng như nâng cao sự tích cực của người dân trong chống khai thác thủy sản tận diệt trên địa bàn” .
Người dân tự nguyện giao nộp các phương tiện đánh bắt tận diệt.
Tại huyện Ngọc Hiển, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện thông tin, đã có 1.580 người hành nghề khai thác thủy sản trên sông, như nò, đó, lú, hàng đáy… cam kết và đang tiến hành tháo dỡ. Huyện sẽ làm kiên quyết, không để tái diễn tình trạng khai thác tận diệt trên sông, đặc biệt là trong khai thác giống, cá non…” .
Theo ông Trần Hoàng Lạc, Sở Nông nghiệp và PTNT cần quy định rõ hơn về mùa vụ khai thác, phạm vi khai thác, cũng như mắt lưới khai thác, đặc biệt là cần có hướng dẫn cụ thể, tránh trường hợp “nhầm lẫn” giữa khai thác con ruốc với cá kèo con, cua con… Đồng thời mong muốn cho địa phương thực hiện các dự án nuôi hàu, sò trên sông, ven biển nhằm giải quyết việc làm đối với những hộ nghèo, không ngành nghề, hộ cần chuyển đổi sau khi buột ngừng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.
Nhiều giải pháp thiết thực
Đánh giá về kết quả thực hiện Chỉ thị 17, ông Nguyễn Phương Bắc, Bí thư Huyện ủy Phú Tân khẳng định, việc ngăn chặn chống khai thác thủy sản tận diệt không ai làm tốt hơn bằng chính con người tại chỗ và đảng viên địa bàn. Người dân địa phương phải nắm cho được đối tượng, từ đó sẽ giải quyết được tận gốc của vấn đề. Theo đó, cần phát huy mạnh mẽ phong trào toàn dân cùng tham gia đấu tranh, nói không với khai thác tận diệt như các phong trào hành động cách mạng tại địa phương. Đó không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa đối với khai thác tận diệt mà kéo theo là đảm bảo an ninh - trật tự địa bàn, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng nông thôn mới…
Cà Mau có nhiều phương tiện thủy gia dụng tham gia khai thác thủy sản trên biển.
Hiện tại, phương án “Thí điểm thiết kế, lắp đặt thiết bị cắt cap kết hợp với chà dây để dẫn dụ cá và ngăn chặn tàu làm nghề lưới kéo hoạt động khai thác trái phép vùng biển ven bờ tỉnh Cà Mau” đang được tỉnh triển khai. Đến nay, Chi cục Thuỷ sản đã tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công lắp ráp các nhánh chà, tiến hành thả chà dây và theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình phục hồi nguồn lợi thủy sản. Tỉnh cũng đã thực hiện Dự án xây dựng hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản (thả rạn nhân tạo), đang phát triển khá tốt. Cùng với đó, tỉnh thực hiện Dự án thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Xây dựng khu bảo tồn và phát triển cá đồng tại huyện U Minh.
Đối với những vấn đề còn tồn tại, cơ quan chuyên môn của tỉnh đang đưa ra những giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để. Theo đó, những hoạt động khai thác tận diệt không phải là nghề được quy định trong khai thác thác thủy sản. Tuy nhiên, khi tiến hành xóa bỏ, tỉnh đang xem xét đối tượng khó khăn để linh hoạt áp dụng vào các chính sách từ chương trình phát triển, để người dân có được cuộc sống ổn định, bền vững, tránh tái diễn hoạt động cũ. “Đối với thực trạng người dân nơi khác đến đánh bắt tận diệt, Sở Nông nghiệp và TNT đang tham mưu với tỉnh liên kết các giải pháp xử lý với các tỉnh bạn, qua đó xử lý nghiêm các vụ việc, các vấn đề có liên quan, tạo sự đồng bộ thống nhất, bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản ở các vùng giáp ranh”, ông Phan Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.