Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 10 năm 2023 | 9:26

Cá thát lát Hậu Giang ra thị trường quốc tế

Không chỉ khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước, các sản phẩm từ cá thát lát Hậu Giang giờ đây còn vươn tầm, từng bước chinh phục những thị trường quốc tế khó tính.

HTX Kỳ Như đưa ra thị trường 600-700 tấn sản phẩm cá thát lát/năm.

Những bước đi đầu tiên

Bước vào vụ sản xuất cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đều đang tăng tốc để kịp cho các đơn hàng và tại HTX Kỳ Như, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp cũng vậy. Đặc biệt, niềm vui còn nhân đôi khi ai cũng biết những sản phẩm trên tay mình hiện tại, nay mai sẽ có mặt trên các cửa hàng tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới là Mỹ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như cho biết, nhờ sở hữu 3ha nuôi cá thát lát và vùng nguyên liệu liên kết gồm 26 thành viên, diện tích khoảng 12ha nên đơn vị luôn chủ động và kiểm soát được chất lượng nguồn cá thát lát đầu vào. HTX hiện có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Trong đó, cá thát lát có 10 sản phẩm. Ngoài cung cho các cửa hàng, hệ thống các siêu thị trong nước, đơn vị còn gia công sản phẩm để cung cấp cho đối tác nước ngoài. Điều này cũng giúp những bà con xa quê dễ dàng thưởng thức đặc sản quê nhà.

Bà Nguyễn Kim Thùy cho hay, trong tháng 10 này, đơn vị sẽ cung cấp cho đối tác tại Mỹ 20 tấn sản phẩm cá thát lát. Đây là chuyến hàng thứ hai, số lượng gấp đôi đợt đầu tiên. Trước đó, đơn vị cũng từng cung ứng sản phẩm cho đại lý tại Lào.

“Sản phẩm đi Mỹ thì tiêu chuẩn cao hơn thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU. HTX nuôi cá thát lát theo tiêu chuẩn VietGAP. Cá nguyên liệu được kiểm 8 chỉ tiêu kháng sinh cấm đầu vào đạt hết. Mỗi năm, HTX đưa ra thị trường 600-700 tấn sản phẩm cá thát lát, khả năng cung ứng có thể đạt 1.000 tấn/năm”, bà Thùy phấn khởi cho biết.

Cũng theo bà Thùy, khó khăn hiện nay của đơn vị là nhà xưởng và thiếu hệ thống logistics. Vì vậy, đơn vị đang chuẩn bị mở rộng nhà xưởng và bắt đầu chạy đà cho những đơn hàng lớn tiếp theo.

“Hiện tại, tôi là Chủ tịch Liên hiệp HTX thủy sản. Nhiều doanh nghiệp biết tới và liên hệ đặt vấn đề xuất khẩu sản phẩm của HTX. Tất cả sản phẩm hiện tại đều đã đạt tiêu chuẩn của phía đối tác, chỉ còn chờ nhà xưởng hoàn thành là chúng tôi có thể mạnh dạn xuất khẩu trực tiếp”, bà Thùy bày tỏ.

Sẵn sàng bứt phá

Cá thát lát là 1 trong 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang. 9 tháng qua, diện tích nuôi cá thát lát của tỉnh gần 72ha. Dự kiến, đến cuối năm nay, đạt khoảng 100ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ... Trong đó, có một số hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá thát lát và có nhiều HTX với quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất con giống, cung ứng thức ăn cho các xã viên, liên kết bao tiêu đầu ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi cá thát lát 150ha, sản lượng cá thát lát 13.500 tấn.

Nhờ ưu điểm thịt cá săn chắc, giòn, cá thát lát Hậu Giang và các sản phẩm từ loài thủy sản này đang được người tiêu dùng lựa chọn. Tại các siêu thị, chợ, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua và thưởng thức loại đặc sản này. Ngoài bán qua đại lý, một số HTX còn mạnh dạn mở cửa hàng, không chỉ trong tỉnh mà còn có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội. Vì vậy, nuôi và chế biến cá thát lát được xem là nghề “ăn nên làm ra” của nhiều bà con nông dân trong tỉnh.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình nuôi thủy sản thích nghi tại địa phương và có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cá thát lát. Xây dựng mô hình sản xuất công nghiệp, mô hình liên kết giữa các nhóm hộ, HTX, doanh nghiệp nuôi thủy sản với các doanh nghiệp chế biến, các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước có khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Có thể thấy, khi thị trường trong nước đã đạt mức tiêu thụ cố định, sắp đạt ngưỡng tối đa thì việc tìm kiếm, mở rộng thị trường sang các quốc gia trên thế giới đang là xu thế chung của nhiều ngành hàng chứ không riêng gì cá thát lát. Mỗi đơn hàng được xuất đi thành công, không chỉ mang về ngoại tệ cho địa phương, đất nước mà xa hơn là tạo động lực để bà con nông dân vững tin với ngành nghề của mình. Từ đó, làm thay đổi nhận thức trong tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất sạch và an toàn. Bởi chẳng ai muốn sản phẩm mình làm ra bị thừa hàng, dội chợ.

Hy vọng với những nỗ lực của ngành chức năng cùng sự chung tay, đồng lòng của doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân Hậu Giang sẽ giúp con cá thát lát ngày càng vươn xa. Sản phẩm từ cá thát lát không chỉ chinh phục thị trường Mỹ mà xa hơn sẽ là những thị trường lớn khác, mang về thu nhập khá cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

 

Mộng Toàn/Báo Hậu Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top